Các nhà mạng chính thức “tuyên chiến” với nạn vi phạm bản quyền

VietTimes -- Đại diện các nhà cung cấp dịch vụ Internet như VNPT, FPT, Viettel, SPT, VCCorp thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ và xử lý nhanh chóng, triệt để các website vi phạm bản quyền trên môi trường mạng, nhằm chung tay tạo ra một thị trường nội dung lành mạnh, mang lại nguồn thu chính đáng cho các bên, để ngành nội dung số phát triển mạnh mẽ hơn.
“Bóng đen” vi phạm bản quyền đang bao phủ thị trường truyền hình trả tiền, khiến các doanh nghiệp lo ngại. Ảnh minh hoạ: Internet
“Bóng đen” vi phạm bản quyền đang bao phủ thị trường truyền hình trả tiền, khiến các doanh nghiệp lo ngại. Ảnh minh hoạ: Internet

Đó là nội dung được bàn thảo tại cuộc làm việc của đại diện liên minh các chủ sở hữu bản quyền tại Việt Nam với các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet, dưới sự chủ trì của Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) -- Bộ TT&TT về việc phối hợp xử lý tình trạng vi phạm bản quyền trên mạng, vừa được tổ chức chiều 22/6.

“Chính chủ” canh cánh nỗi lo bị vi phạm bản quyền

Theo bà Phan Cẩm Tú – đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) và liên minh các chủ sở hữu bản quyền tại Việt Nam, hiện tượng vi phạm bản quyền trên mạng hết sức phổ biến, xảy ra trên phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.

"Muốn xem phim chiếu rạp, phim truyền hình, một chương trình thể thao hay một chương trình truyền hình nào đó,… chỉ cần tìm kiếm trên mạng Internet là có thể xem dễ dàng mà không phải trả phí. Vì thế, vấn đề bảo vệ bản quyền rất được quan tâm và các nhà sản xuất cũng luôn canh cánh nỗi lo về nội dung của mình sản xuất bị sử dụng tràn lan trên mạng”, bà Tú bức xúc.

Cũng theo bà Tú, việc vi phạm bản quyền của các trang web chiếu phim xảy ra trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Những trang web chiếu phim lậu sở dĩ không bỏ đồng nào để mua bản quyền nhưng vẫn có phim để chiếu cho người xem là do có nguồn thu từ quảng cáo. Các nhà quảng cáo đã “tiếp ôxy” cho các trang chiếu nội dung không bản quyền.

Tuy nhiên, bà nhận định, hiện tình hình vi phạm bản quyền đã được cải thiện nhiều so với trước đây, nhiều người Việt Nam đã có ý thức về tôn trọng bản quyền. Cùng với sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, một số trang web cung cấp nội dung phim “lậu” đã bị xử lý. Tuy nhiên, đó mới chỉ là từ phía việc hợp tác giữa các đơn vị chủ sở hữu quyền với các cơ quan quản lý, còn thực tế đây là lần đầu tiên các đơn vị chủ sở hữu quyền được trao đổi trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ (ISP). Vì vậy, liên minh các chủ sở hữu bản quyền tại Việt Nam mong muốn tạo lập được nguyên tắc cơ sở để phối hợp để xử lý những website chiếu phim lậu.

Theo đại diện VTV Cab, ý thức của người xem truyền hình cũng là một câu chuyện nhức nhối khi một bộ phận người dùng vẫn tiếp tục chọn những chương trình vi phạm bản quyền trên Internet. Tình trạng dễ dàng xem các chương trình yêu thích trên Internet là một trong những lý do khiến một bộ phận người Việt chưa “mặn mà” với truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, việc sử dụng miễn phí các nội dung không có bản quyền lại đang gây tổn thất nghiêm trọng cho các đơn vị truyền hình.

Theo kết quả kiểm tra rà soát của Cục PTTH&TTĐT về danh sách 50 website chiếu phim lậu lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có 22 website hiện đang sử dụng dịch vụ hosting của các doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT,... 28 website còn lại hiện đang sử dụng dịch vụ hosting của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong số 28  website kiểm tra, tồn tại 6 website có khả năng sử dụng CDN trong nước hoặc thông qua kết nối kênh riêng quốc tế tốc độ cao.

Trong danh sách này, có những trang web có thời lượng truy cập lên tới 45 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm, thời gian lưu trang trung bình lên tới gần 11 phút. Được biết, các trang này đang chiếu lậu các phim hiện đang chiếu rạp, phim truyền hình điển hình đang phát sóng như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” và các chương trình truyền hình “ăn khách” khác.

Theo ghi nhận của Cục PTTH&TTĐT, các website vi phạm bản quyền này đều có nguồn thu từ quảng cáo, thậm chí là quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của những nhãn hàng có tên tuổi, có uy tín tại Việt Nam.

Đề nghị có giải pháp đồng bộ ở cả trong nước và nước ngoài

Ông Tô Mạnh Cường, Phó TGĐ VNPT cho biết, VNPT là nhà cung cấp dịch vụ Internet nhưng cũng đồng thời sở hữu dịch vụ IPTV là MyTV, hiện đạt khoảng 1,2 triệu thuê bao, nên bản thân VNPT cũng bị ảnh hưởng nặng nền của tình trạng vi phạm bản quyền. Vì thế, VNPT ủng hộ hoàn toàn việc mạnh tay xử lý các trang thông tin vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, ông Mạnh Cường cũng bày tỏ băn khoăn, về nguyên tắc, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không được quản lý nội dung mà chỉ cho thuê hosting, thuê server nên trong trường hợp VNPT cắt dịch vụ, họ sang DN khác thuê dịch vụ, khoá tên miền này họ có thể mở tên miền khác,…

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc phải làm chặt chẽ về bản quyền, việc này phải làm đồng bộ. Đồng thời, cần có cơ quan quản lý nhà nước đứng ra làm trọng tài, để có thể tổ chức thanh tra, yêu cầu nhà mạng ngừng cho thuê hosting, khoá tên miền ngay khi phát hiện website vi phạm bản quyền. Có như vậy mới có thể xử lý nhanh đơn vị cung cấp nội dung vi phạm”, ông Mạnh Cường đề xuất.

Các nhà mạng chính thức “tuyên chiến” với nạn vi phạm bản quyền ảnh 1 Hiện rất nhiều website chiếu lậu các phim hiện đang chiếu rạp, phim truyền hình điển hình đang phát sóng như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” và các chương trình truyền hình “ăn khách” khác. 

Đại diện FPT cũng cho rằng để xử lý hiệu quả các đơn vị cung cấp nội dung vi phạm bản quyền thì cần thực hiện đồng bộ ở cả trong nước và nước ngoài. Thực tế đã ghi nhận nhiều website thuê hosting ở nước ngoài, nên nếu bị khoá dịch vụ trong nước, họ vẫn có thể đặt CDN ở nước ngoài nếu các nhà cung cấp dịch vụ trong nước khoá dịch vụ.

Đồng thời, đại diện FPT cũng đề nghị cần có hành lang hướng dẫn và hành lang pháp lý để chính các thuê bao, những người thuê hosting có thể phản ánh và các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng có kênh thông báo, tiếp nhận.

Đồng quan điểm với VNPT và FPT, đại diện Viettel, SPT, VCCorp đều bày tỏ mong muốn hợp tác và xử lý triệt để, nhanh chóng các website vi phạm bản quyền trên môi trường mạng, tạo ra một thị trường nội dung lành mạnh, mang lại nguồn thu chính đáng cho các bên để ngành nội dung số phát triển mạnh mẽ hơn.

Sẽ áp dụng những cách làm mới nhưng hiệu quả

Trao đổi tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) bày tỏ niềm tin vào quyết tâm của Bộ TT&TT trong thực hiện việc bảo vệ bản quyền trên mạng Internet. Theo ông Thanh Lâm, việc Bộ TT&TT chấn chỉnh hoạt động báo chí trong thời gian vừa qua và hiện đang thực hiện với lĩnh vực viễn thông về quản lý thông tin thuê bao chính là cơ sở để tin tưởng rằng, trong thời gian tới,  việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền nội dung trên môi trường Internet sẽ có những chuyển biến tích cực.

Cùng với việc các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đang tích cực trong việc chỉnh sửa bổ sung những cơ sở pháp lý liên quan đến lĩnh vực này cho chặt chẽ và sát với thực tiễn hơn, ông Thanh Lâm cho biết, có những cách làm mới đã được Bộ TT&TT triển khai trong thời gian qua để chấn chỉnh những lộn xộn trong lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ TT&TT và đã đạt được kết quả bước đầu.

“Như cách mà Bộ TT&TT đã áp dụng để xử lý những nội dung vi phạm trên Youtube (Google) thì việc xử lý các vi phạm trên môi trường mạng chính là tác động tới kinh tế, nguồn thu của các trang vi phạm. Bằng việc cảnh báo nguy hiểm từ phía Bộ TT&TT về nguy  cơ có thể gây ảnh hưởng tới an toàn và uy tín của các thương hiệu, các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã hoàn toàn đứng về phía chính phủ, dừng quảng cáo trên Youtube”, ông Thanh Lâm nói.

Cùng với đó, mới đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục PTTH&TTĐT đã làm việc với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) để trao đổi, bàn bạc một số nội dung, tiến tới xây dựng cơ chế phối hợp tăng cường công tác quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với các dịch vụ nội dung số trên mạng trong thời gian tới, trong đó có việc tìm giải pháp ngăn chặn việc thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp trên môi trường mạng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Thời gian tới, Cục PTTH&TTĐT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT (Thanh tra Bộ, Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC) để triển khai đồng bộ các giải pháp, với mong muốn việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền có bước phát triển mới, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao cả hiệu quả văn hoá – xã hội lẫn hiệu quả kinh tế trong giai đoạn mới”, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT nói thêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09/05/2017 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Thủ tướng yêu cầu bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiếp nhận quảng cáo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng cáo cạnh tranh lành mạnh, xây dựng môi trường quảng cáo minh bạch, tin cậy, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước, nâng cao giá trị thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên xuất bản phẩm, trên hệ thống mạng và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.