Trong quý 3/2023, BYD cho biết đã bán ra tổng cộng 431.603 xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện, chỉ kém doanh số của Tesla khoảng 4.000 xe.
Sự trỗi dậy của BYD đã đang nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là sau chuyến công tác của ông Vương Truyền Phúc - Chủ tịch BYD, tới Việt Nam để trao đổi về dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện hồi tháng 5.
VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả bài chuyển ngữ về hành trình từ hãng pin bên bờ vực phá sản trở thành kẻ thách thức Tesla của BYD mà tờ The Wall Street Journal mới đưa.
Bước nhảy vọt của BYD
Ít năm trước, ông Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) còn lo lắng về khả năng tồn tại của BYD nhưng giờ đây hãng xe này thậm chí còn là mối đe dọa đối với vị trí thống trị của Tesla trong lĩnh vực xe điện.
BYD đã bán được 431.603 chiếc ô tô chạy hoàn toàn bằng điện trong quý 3 năm 2023, chỉ đứng sau Tesla với doanh số 435.059 chiếc. Hãng xe Trung Quốc ước tính sẽ bán được khoảng 1,8 triệu xe điện (EV) vào cuối năm nay. Tesla cũng đặt mục tiêu doanh số bán xe tương tự - tăng từ 1,31 triệu chiếc được bán trong năm 2022.
Thành lập năm 1995, BYD ban đầu là nhà sản xuất pin cho điện thoại di động. Tuy nhiên, tên tuổi của doanh nghiệp này đã được biết đến rộng rãi trong vài năm qua, nhờ làm xe điện.
Kinh doanh xe điện và xe xăng lai điện (HEV), BYD đặt mục tiêu bán được 3,6 triệu chiếc trong năm nay, qua đó có thể đưa doanh nghiệp này lọt vào top 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới tính theo doanh số bán hàng. BYD thậm chí đã vượt qua Volkswagen để trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Trung Quốc.
Bước nhảy vọt này là minh chứng cho tham vọng của hai lãnh đạo quyền lực nhất ở BYD, cụ thể là Chủ tịch Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc - 57 tuổi) và Phó giám đốc cấp cao Stella Li (53 tuổi).
Nhà sáng lập BYD sinh năm 1966, trong một gia đình thuần nông tại tỉnh An Huy (Trung Quốc). Ông mồ côi cha mẹ từ sớm và được anh chị em nuôi dưỡng. Ông thi đỗ một trường đại học công lập và theo học ngành hóa lý, sau đó nghiên cứu pin tại một viện nghiên cứu nhà nước.
Năm 1995, ông Vương Truyền Phúc thành lập BYD để sản xuất loại pin nhỏ dùng cho điện thoại di động và các thiết bị khác.
Trong các cuộc phỏng vấn, ông Phúc chia sẻ rằng khi nghĩ ra cái tên 'BYD', ông không nhắm đến ý nghĩa cụ thể nào. Giờ đây, hãng xe Trung Quốc cho hay, BYD là viết tắt của “Build Your Dreams” (Tạm dịch: Tạo dựng những ước mơ của bạn). Trong những năm đầu mới thành lập, ông từng đùa rằng BYD là “Bring Your Dollars”.
Sau khi vay khoảng 300.000 USD từ người anh họ, ông Vương Truyền Phúc đã thuê hơn 1.000 công nhân và chia việc sản xuất pin thành hàng trăm bước để ngay cả những công nhân chưa qua đào tạo cũng có thể thực hiện mà không cần đến thiết bị đắt tiền. Một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard đã thuật lại việc 2 nhân viên BYD phải tháo một miếng băng dính khỏi pin - một người bóc góc và một người khác tháo toàn bộ dải băng. Mục tiêu là tốc độ và tránh nhu cầu sử dụng máy móc đắt tiền.
"Đứng trên vai người khổng lồ"
Năm 1996, Stella Li - một chuyên gia thống kê, tốt nghiệp một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc - gia nhập BYD.
Mặc dù tiếng Anh của bà khi đó chưa tốt, ông Phúc vẫn cử bà đến châu Âu và Mỹ để tìm kiếm các công ty điện thoại di động quan tâm đến pin giá rẻ của Trung Quốc, thay vì các loại pin của các hãng hàng đầu Nhật Bản.
Trong các cuộc gặp, bà Li nói rõ, BYD sẽ nỗ lực đáp ứng mọi nhu cầu về giá cả và thời gian của khách hàng. Một khách hàng đã nói đùa với mọi người ở BYD rằng cụm từ tiếng Anh đầu tiên mà Li học được chắc hẳn là “Chúng tôi có thể làm được điều đó”.
Vào cuối những năm 1990, bà Li bất ngờ xuất hiện tại văn phòng của Micheal Austin, cựu giám đốc điều hành tại Motorola, và yêu cầu được gặp bộ phận mua sắm của công ty.
Austin kể lại ông đã rất ngạc nhiên trước phương pháp dựa vào công nhân thay vì máy móc của BYD và lo ngại về các vấn đề tiềm ẩn về chất lượng.
Bà Li đã thuyết phục ông bằng cách giải thích cách công ty đã thực hiện các quy trình kỹ lưỡng để loại bỏ rủi ro. Sau này, Austin đã trở thành giám đốc điều hành hoạt động của BYD tại Mỹ trong hơn một thập kỷ.
Bà Stella Li đã biến Motorola trở thành khách hàng của BYD vào năm 2000 và Nokia vào năm 2002, đảm bảo cho BYD một vị trí trong top 5 nhà sản xuất pin sạc hàng đầu thế giới. Doanh số bán điện thoại di động bắt đầu bùng nổ vào thời điểm đó và BYD là một trong những nhà cung cấp có giá bán thấp nhất.
Khi BYD niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong vào năm 2002, ông Vương Truyền Phúc đã sử dụng một khoản tiền từ đợt chào bán này để mua lại một bộ phận sản xuất xe đang thua lỗ của một hãng vũ khí quốc doanh. Ông sản xuất pin và nhận thấy tiềm năng sử dụng chúng cho ô tô. Trong khi đó, Toyota đã đi tiên phong với mẫu xe chạy điện - xăng Prius vào cuối những năm 1990.
Chiếc xe đầu tiên của BYD, một chiếc sedan chạy bằng xăng ra mắt năm 2005 có tên là F3, trông gần giống với một chiếc Toyota Corolla. Với những người không chuyên, điểm khác biệt duy nhất giữa hai xe này chỉ là phù hiệu.
Nhà sáng lập BYD không bao giờ ngại ngùng về chiến lược sao chép của mình. Trong các cuộc phỏng vấn, ông cho biết BYD lấy cảm hứng từ các sản phẩm hoàn thiện của người khác và họ luôn luôn tìm hiểu kỹ các mẫu ô tô để tìm ra bộ phận nào đã được cấp bằng sáng chế - tránh những bộ phận đó và sao chép những bộ phận khác.
“Chúng tôi phải học hỏi từ họ sau đó chúng tôi có thể đứng trên vai họ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn tại Trung Quốc vào năm 2021.
Người phát ngôn của BYD cũng khẳng định họ luôn tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và tôn trọng các doanh nghiệp khác.
Trong sự kiện kỷ niệm BYD sản xuất chiếc xe điện thứ 5 triệu tại Thâm Quyến hồi tháng 8, ông Wang Chuanfu đã nhấn mạnh quá trình phát triển của BYD từ một nhà sản xuất pin thành một đế chế ô tô hàng đầu thế giới.
Hãng xe này đã phải mất 13 năm để cán mốc sản xuất 1 triệu chiếc, và 1,5 năm để sản xuất thêm 2 triệu xe nữa và sau đó chỉ 9 tháng để sản xuất 2 triệu chiếc tiếp theo. “Kỷ nguyên của ô tô Trung Quốc đã đến rồi,” ông Vương Truyền Phúc nói./.
Đón đọc Kỳ 2: Hấp lực của BYD
(Nguồn tham khảo: WSJ)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu