BYD vừa cho biết công ty con BYD Electronics, hôm 26/9, đã hoàn tất thỏa thuận mua lại cổ phần với Jabil Circuit (Singapore) - thuộc tập đoàn Jabil (Mỹ).
Trước đó, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cho biết đã đạt được thỏa thuận mua lại mảng thiết bị di động của Jabil tại Trung Quốc với giá 15,8 tỉ NDT (2,17 tỉ USD) bằng tiền mặt. Đây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lịch sử hoạt động của BYD.
Theo BYD, thương vụ sẽ giúp BYD Electronics mở rộng chuỗi cung ứng cốt lõi cho thiết bị điện tử tiêu dùng và qua đó, tăng thêm thị phần của mình và củng cố vị trí dẫn đầu trong ngành. Thương vụ cũng góp phần gia cố cho mảng điện tử của BYD.
Được biết, bộ phận sản xuất thiết bị điện tử di động của Jabil chủ yếu được đặt tại Thành Đô và Vô Tích (Trung Quốc). Từ năm 2004, Jabil Technology đã bắt đầu thiết kế và sản xuất các linh kiện cơ khí điện tử tiêu dùng tại Vô Tích.
Sau khi Tập đoàn Jabil mua lại Green Dot Technology của Đài Loan vào năm 2007, Khu công nghệ cao Vô Tích đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của Jabil Technology.
Trong số đó, Jabil Green Dot chủ yếu tham gia nghiên cứu, phát triển và sản xuất các linh kiện chính xác cho thiết bị đầu cuối truyền thông di động và các sản phẩm khác, với doanh thu khoảng 17 tỉ NDT vào năm 2021. Công ty cũng cung cấp dịch vụ sản xuất màn hình cho Apple Watch.
Chiến lược toàn cầu hóa của BYD
Thương vụ thâu tóm mảng thiết bị di động của Jabil diễn ra trong bối cảnh BYD đang đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài.
Theo báo cáo phân tích mới phát hành của CITIC Securities, BYD đã dựa vào một số công nghệ lõi do hãng tự phát triển để tạo ra các sản phẩm EV có tính cạnh tranh cao, tạo được chỗ đứng vững chắc trong phân khúc xe giá phổ thông và thu được mức lợi nhuận ổn định.
Với việc ra mắt thương hiệu con Denza và Yangwang, thương hiệu cao cấp hóa là một trong những điểm nhấn trong thời gian tới, BYD dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường và tăng biên lợi nhuận trên mỗi chiếc xe bán ra.
Kể từ năm 2022, BYD đã đẩy nhanh tốc độ phát triển ở thị trường nước ngoài. Chiến lược toàn cầu hóa được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa phát triển mới trong dài hạn của BYD.
Trong báo cáo bán niên năm 2023, thị trường nước ngoài là 'điểm sáng' trong kết quả kinh doanh của BYD.
Doanh thu của BYD từ thị trường nước ngoài trong nửa đầu năm đạt 64,410 tỉ NDT (9 tỉ USD), tăng 92,94% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,76% tổng doanh thu.
Ngoài ra, BYD dự kiến sẽ xây nhà máy ở Uzbekistan để sản xuất EV. Cụ thể, BYD sẽ liên doanh với UzAuto để thành lập "Nhà máy BYD Uzbekistan", tập trung sản xuất EV và xe hybrid. Sản lượng dự kiến của giai đoạn 1 và 2 của dự án đầu tư là 50.000 xe, sau khi hoàn thành giai đoạn 3 sản lượng sẽ đạt 300.000 xe./.
Nguồn tham khảo: Sohu