BYD - từ nhà sản xuất pin thành kẻ thách thức Tesla (Kỳ 2): Hấp lực của BYD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc từng 'rót một ly dung dịch pin và nhấp một ngụm' để chứng minh pin của hãng có thể giải quyết các vấn đề môi trường. Hành động này, ngay lập tức, đã gây ấn tượng mạnh với thuộc cấp của Warren Buffett.

BYD - từ nhà sản xuất pin thành kẻ thách thức Tesla (Kỳ 2): Hấp lực của BYD

VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả kỳ 2 của bài chuyển ngữ về hành trình chuyển mình từ một nhà sản xuất pin trở thành thế lực trong lĩnh vực xe điện của BYD.

BYD sử dụng 'công thức' sản xuất trong lĩnh vực pin để áp dụng sang mảng ô tô nhằm giảm áp lực chi phí. Thay vì dồn lực đầu tư vào tự động hóa, tập đoàn này thuê hàng nghìn công nhân để xử lý các quy trình đơn giản, ký hợp đồng ngắn hạn và thay thế trong vòng vài năm để tránh nở mạnh quỹ lương.

BYD gần như tự chế tạo tất cả các bộ phận của ô tô, từ khung máy, đèn và cuối cùng là chất bán dẫn. Nhà sáng lập Vương Truyền Phúc đã quyết tâm để BYD tự sản xuất những bộ phận quan trọng và đắt tiền nhất trên ô tô, bao gồm cả pin.

Kết quả, sau ít năm thành lập, BYD đã tung ra mẫu F3 (chạy bằng xăng) với giá chỉ 8.000 USD, bằng một nửa giá bán của Corolla - mẫu xe cùng phân khúc của hãng Toyota. Mẫu xe này vươn lên đứng đầu về doanh số bán hàng tại Trung Quốc vào cuối những năm 2000, dù có nhiều nghi vấn về chất lượng.

Hấp lực của BYD

BYD là một trong số ít các hãng sản xuất ô tô được tỉ phú Warren Buffett rót vốn đầu tư. Ông David Sokol - thuộc cấp của Warren Buffett - từng đến Thâm Quyến (Trung Quốc) để tìm hiểu về BYD.

2023-10-05_150118.png
Một dây chuyền lắp ráp của BYD ở Thâm Quyến (Trung Quốc), vào năm 2016 (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc gặp gỡ, 'phó tướng' của Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc - bà Stella Li, đã giới thiệu với ông David Sokol về khả năng cạnh tranh của pin và danh mục sản phẩm của hãng, trong đó có nguyên mẫu của một chiếc xe plug-in hybrid sắp cho ra mắt tại Trung Quốc. Bà Li cũng nói về tham vọng của công ty trong việc mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả các thị trường như Mỹ.

Để cố gắng gây ấn tượng với Sokol, Chủ tịch BYD đã 'rót một ly dung dịch pin và nhấp một ngụm' để chứng minh pin của hãng có thể giải quyết các vấn đề môi trường. Vào tháng 9 cùng năm, Berkshire Hathaway đã mua 10% cổ phần của BYD với giá 232 triệu USD thông qua đơn vị năng lượng do Sokol điều hành sau đó.

Cùng năm, BYD tung ra mẫu xe điện lai xăng được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới, đi trước kế hoạch ra mắt các mẫu xe tương tự của General Motors và Toyota. Theo BYD, loại pin dành cho mẫu xe này do hãng tự chế tạo. Đây là phiên bản nâng cấp của công nghệ pin điện thoại di động mà hãng đã hoàn thiện trong nhiều năm.

Tới cuối năm 2009, giá cổ phiếu BYD đã tăng gấp 5 lần, giúp nhà sáng lập Vương Truyền Phúc trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Berkshire Hathaway cũng 'thắng lớn' khi khoản đầu tư của họ tại BYD có giá trị thị trường lên tới hơn 1 tỉ USD.

BYD cũng bắt đầu sản xuất chiếc ô tô chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên. Chính phủ Trung Quốc, vốn đang yêu cầu các nhà sản xuất ô tô trong nước tập trung nhiều hơn vào xe điện, đã đưa ra các khoản trợ cấp, giảm thuế và giảm bớt các quy định đăng ký ô tô điện.

Năm 2018, bị thu hút bởi sự thành công của BYD, cựu CEO Toyota Akio Toyoda đã tới trụ sở của BYD ở Thâm Quyến. Trước cuộc họp, Chủ tịch BYD nói với các đồng nghiệp rằng ông lo lắng Toyoda sẽ sớm nêu ra việc xe của BYD giống xe Toyota như thế nào. Nhưng Toyoda lại dành phần lớn thời gian của cuộc họp để đặt câu hỏi cho ông Vương Truyền Phúc về việc làm thế nào mà BYD sản xuất xe với chi phí thấp như vậy.

'Cuộc đua' mới

BYD không thiếu các đối thủ cạnh tranh. Cuối những năm 2010, các công ty khởi nghiệp xe điện khác của Trung Quốc đổ xô vào thị trường.

Năm 2019, Tesla bắt đầu giao những chiếc ô tô được sản xuất tại nhà máy mới ở Thượng Hải. Những chiếc xe này có thể được bán với giá thấp hơn nhiều ở Trung Quốc so với các mẫu Tesla trước đây, bởi không bị áp thuế nhập khẩu.

Đến nửa đầu năm 2020, khoảng 20% số xe điện bán ra ở Trung Quốc là của Tesla, trước đó một năm, chỉ tiêu này chỉ ở mức 6%.

Trong bối cảnh đó, BYD buộc phải cạnh tranh về giá với Tesla. Những năm gần đây, nhà sản xuất Trung Quốc đã sản xuất nhiều loại ô tô có nét sang trọng của dòng xe cao cấp hơn nhưng vẫn rẻ hơn so với xe của đối thủ đến từ Mỹ.

1.png
Doanh số bán xe điện chở khách và xe điện - xăng bên ngoài Trung Quốc của BYD (Nguồn: BYD)

Nhưng BYD vẫn gặp nhiều thách thức khi phải cạnh tranh trên phạm vi rộng với các đối thủ có chi phí thấp hơn.

Năm 2019, BYD bán được ít xe hơn, giảm khoảng 21% so với năm trước đó, do bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hơn, nền kinh tế chậm lại và trợ cấp của nhà nước cho việc mua xe điện và xe hybrid thấp hơn. Doanh thu năm 2019 của họ giảm gần một nửa.

Ông Phúc cho biết mục tiêu duy nhất của công ty thời điểm đó là tồn tại.

Năm 2020, một loại pin mới đã đem lại hy vọng cho BYD có tên gọi là Blade. Loại pin này nằm trong số các công nghệ thử nghiệm mà ông Vương Truyền Phúc đội ngũ nghiên cứu của BYD đã dành nhiều năm đầu tư nghiên cứu với mục tiêu chế tạo ra loại pin an toàn hơn và có thời gian sử dụng lâu hơn.

Loại pin dài, dẹt, an toàn giúp tối đa hóa công suất. Blade xuất hiện lần đầu trên chiếc sedan điện Han của BYD, mà công ty cho biết có thể lái được 375 dặm (khoảng hơn 600 km) trong một lần sạc. Chiếc xe có giá khoảng 30.000 USD, thấp hơn khoảng 40.000 USD so với một chiếc Tesla Model S với tiêu chuẩn tương tự.

Đến nửa cuối năm 2020, BYD không thể đáp ứng kịp nhu cầu và tung ra các mẫu xe mới sử dụng pin Blade. Hãng cũng bỏ xa các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa mới nổi, như: NIO hay XPeng, nhờ vào mẫu mã đa dạng và giá thành phải chăng.

Doanh số bán hàng toàn cầu của BYD đã tăng hơn 4 lần trong giai đoạn năm 2020 - 2022. BYD đã trở thành công ty bán chạy nhất Trung Quốc về các loại xe sử dụng năng lượng mới - xe chạy hoàn toàn bằng điện (EV) và xe lai điện (HEV) - hiện chiếm gần 1/3 doanh số bán xe mới của Trung Quốc.

Năm 2022, BYD đã ngừng sản xuất các loại xe chạy xăng. Giám đốc điều hành BYD cho biết công ty coi xe thương mại là một cách để thiết lập sự hiện diện ở nước ngoài mà không thách thức các nhà sản xuất địa phương.

Đầu năm nay, BYD công bố kế hoạch giới thiệu các mẫu xe thương mại mới bao gồm xe tải điện ở một số thị trường nước ngoài trong vòng 3 năm tới, một phần trong nỗ lực trị giá hơn 20 tỉ USD.

Li đã đặt nền móng cho việc mở rộng BYD. Dưới sự lãnh đạo của bà, BYD đã thực hiện các thỏa thuận cung cấp xe buýt điện cho các nhà khai thác đội xe ở một số quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản trong thập kỷ qua.

Đồng thời, BYD tiếp tục chiến lược sử dụng lao động rẻ để giữ chi phí ở mức thấp. Trong thập kỷ vừa qua, chi phí lương ở Trung Quốc đã tăng 122%. Điều này khiến cho BYD điều chỉnh bằng cách giảm bớt việc dựa vào các phương pháp sản xuất lấy con người làm trung tâm. Gần đây, các nhà máy do BYD xây dựng đã có mức độ tự động hoá cao hơn.

Theo ước tính của ngân hàng UBS, BYD có lợi thế về chi phí khoảng 25% so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống ở Bắc Mỹ và châu Âu - chủ yếu nhờ vào việc tự sản xuất các bộ phận của xe.

Tại một triển lãm ô tô ở Munich vào tháng trước, các giám đốc điều hành đến từ các công ty đối thủ đã đổ xô đến xem gian hàng của BYD và những người tham dự đã đặt chỗ để lái thử xe trước nhiều ngày. Mẫu xuất khẩu chính của BYD, Atto 3, được bán trên thị trường châu Âu dưới dạng xe “cao cấp, giá phải chăng” với giá khoảng 40.000 USD.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu xem BYD và các đối thủ đến từ Trung Quốc như một mối đe dọa tiềm tàng. EU đang điều tra xem liệu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có được hậu thuẫn của chính phủ hay không./.

Nguồn tham khảo: Wall Street Journal