Khó khăn còn ở phía trước
Trích dẫn số liệu của Tổng cục thống kê, báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường Quý 1/2020 của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tăng trưởng GDP Quý 1/2020 của Việt Nam ước tính chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
BVSC lưu ý con số tăng trưởng GDP mới chỉ là ước tính do thời điểm thu thập số liệu chưa hết tháng 3. Mặt khác, đây là mức so sánh so với cùng kỳ (YoY) chứ không phải so sánh theo quý (QoQ) nên chưa thể hiện rõ mức sụt giảm GDP của Việt Nam do dịch bệnh. Các biện pháp “giãn cách xã hội” quyết liệt của Chính phủ trong suốt tháng 4/2020 sẽ vẫn khiến tăng trưởng GDP Quý 2/2020 của Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Trong kịch bản cơ sở, BVSC cho rằng Việt Nam và thế giới có thể kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 kể từ giữa quý II/2020 trở đi. Trong đó, BVSC thiên về khả năng Việt Nam sẽ khống chế dịch thành công (khoảng cuối tháng 4) trước Mỹ và châu Âu (cuối tháng 5, đầu tháng 6).
Đối với các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và an sinh xã hội, về cơ bản, chính sách hỗ trợ của Chính phủ các nước là sự phối hợp đồng thời của cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ.
Về chính sách tiền tệ, giải pháp chủ yếu là NHTW hạ lãi suất điều hành với biên độ lớn, một số nước có thêm các chương trình mua tài sản (nới lỏng định lượng) quy mô lớn. Giải pháp này nhằm cung cấp thanh khoản trực tiếp, tránh sự sụp đổ của hệ thống tài chính khi có cú sốc bất ngờ.
Tiếp đến là sự vào cuộc của chính sách tài khóa với việc chi tiêu của Chính phủ nhằm hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu, đặc biệt là chi tiêu của các hộ gia đình khi thu nhập của người lao động bị sụt giảm đột ngột do mất việc làm.
Ngoài hỗ trợ hộ gia đình thì Chính phủ các nước cũng có các chương trình bảo lãnh, giãn, giảm thuế phí, các khoản bảo hiểm xã hội phải nộp cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp tồn tại được qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Trong khi đó, tại Việt Nam, về chính sách tài khóa, ngoài thúc đẩy đầu tư công, Chính phủ cũng đã kịp thời có các gói hỗ trợ cho nền kinh tế.
Mặc dù xét về quy mô so với GDP, các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ (chỉ khoảng 4,3% GDP) còn khá khiêm tốn so với các nước khác do nguồn lực hạn chế hơn nhưng về cơ bản, các giải pháp này cũng có chung mục đích cố gắng hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có thêm khả năng tồn tại cũng như trợ giúp trực tiếp cho những người yếu thế trong xã hội, qua đó phần nào “giảm sốc” cho tổng cầu.
Để thúc đẩy đầu tư công và thực hiện các gói tài khóa trên, BVSC cho rằng ngân sách sẽ chuyển sang trạng thái thâm hụt trong năm 2020 (thay vì thặng dư 97 nghìn tỷ đồng như năm 2019).
Để bù đắp bội chi và thúc đẩy đầu tư, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam năm 2020 nhiều khả năng sẽ tăng trở lại lên quanh mức 60% (vẫn dưới trần nợ công 65% nhưng cao hơn mức quanh 56% của năm 2019).
BVSC cũng lưu ý mức GDP tính toán là mức GDP cũ, chưa điều chỉnh theo đề án tính lại GDP của Tổng cục Thống kê.
Dự báo một số chỉ tiêu vĩ mô của BVSC (Nguồn: BVSC)
|
Lãi suất cho vay có thể giảm thêm 0,5 - 1%
Theo BVSC, cũng giống như NHTW các nước, chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19 cũng là cắt giảm các loại lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 419/QĐ-NHNN ngày 16/03 của NHNN, các loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua kênh OMO, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (dưới 6 tháng), trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên đều được cắt giảm 0,25-1% (tùy từng loại lãi suất).
Ngoài cắt giảm lãi suất điều hành, NHNN còn ban hành Thông tư 01 hướng dẫn về về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 với tổng giá trị 250 nghìn tỷ đồng.
BVSC cho rằng, về thực chất, thông tư này chủ yếu có ý nghĩa tạo hành lang pháp lý để các NHTM thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm phí lãi cho các doanh nghiệp chứ NHNN không trực tiếp tác động hỗ trợ thị trường.
Giải pháp này khác với gói hỗ trợ lãi suất năm 2008 nên sẽ giúp kiểm soát rủi ro vĩ mô về mặt dài hạn. Tuy vậy, trong ngắn hạn, quyền quyết định hỗ trợ hoàn toàn thuộc về các ngân hàng nên có thể mức hỗ trợ sẽ không đồng đều và tùy thuộc vào sự đánh giá của từng ngân hàng riêng lẻ.
Ngoài giảm lãi suất huy động đầu vào thì yếu tố giúp các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay đầu ra là cắt giảm chi phí hoạt động (lương thưởng nhân viên) và chấp nhận một mức lợi nhuận thấp hơn so với các năm gần đây.
Trong kịch bản cơ sở, BVSC cho rằng các động thái hỗ trợ từ chính sách tiền tệ như trên là tạm đủ.
Tuy vậy, trong kịch bản tiêu cực khi dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp trong nửa cuối năm 2020, theo đó tình trạng của các doanh nghiệp yếu hơn so với dự tính, vẫn có khả năng NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất điều hành 0,25-0,5%.
Cùng với lạm phát hạ nhiệt dần về cuối năm, lãi suất huy động có thể cũng sẽ giảm thêm 0,3-0,5%.
Theo đó, các NHTM có thể sẽ thu xếp thêm các gói tín dụng giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1% cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp có thể cũng sẽ được kéo dài thêm./.