Thông thường, các nhà sản xuất bán dẫn như Qualcomm, MediaTek… đều cung cấp các thiết kế mẫu (hay còn gọi là reference design - thiết kế tham chiếu) cho các nhà sản xuất smartphone để giúp họ giảm bớt chi phí nghiên cứu thiết kế sản phẩm cũng như rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Bphone sử dụng chipset Qualcomm, nên chiếc smartphone này bị nghi dùng thiết kế tham chiếu của Qualcomm.
Trước nghi vấn này, VnReview đã liên hệ với Tập đoàn Qualcomm và đại diện Qualcomm khẳng định điều này không đúng. Trong email trả lời chúng tôi, Qualcomm xác nhận: "Bkav thiết kế Bphone sử dụng dòng chipset cao cấp Snapdragon S800 (MSM8974AC-Snapdragon 801) của Qualcomm. Vì sử dụng S800 nên Bkav không sử dụng thiết kế mẫu QRD (Qualcomm Reference Design). QRD hiện tại chỉ hỗ trợ các dòng chipset S200, S400, S600".
Theo tìm hiểu của VnReview trong một bài viết hồi năm 2013 về smartphone mác Việt hay smartphone thương hiệu Việt, việc sử dụng thiết kế tham chiếu là một thực tế khá phổ biến trong ngành sản xuất smartphone. Các hãng sản xuất chip như Mediatek và Qualcomm sẽ cung cấp luôn thiết kế mẫu ở mức hoàn chỉnh cao, nghĩa là có thể giữ nguyên phần bo mạch và kết cấu cơ khí, chỉ cần thay đổi một chút về kiểu dáng là thành sản phẩm thương mại. Ngoài ra còn có loại máy chẳng cần thiết kế tham chiếu gì cả, bê nguyên một sản phẩm có sẵn và in nhãn mác thương hiệu vào.
Trong quá trình tìm hiểu về công nghệ sản xuất smartphone để viết bài viết trên, VnReview cũng nhận thấy một thực tế là: thiết kế tham chiếu thường chỉ có sẵn với các dòng sản phẩm cấu hình thấp, còn ở phân khúc cao cấp thì không có những thiết kế mẫu như vậy. Có thể thấy điều này ngay trong các dòng chipset của Qualcomm: S800 của Qualcomm là dòng chipset cao cấp nên không có QRD.
Lý do các mẫu smartphone flagship (sản phẩm đầu bảng) không thể sử dụng thiết kế mẫu là vì khi sử dụng thiết kế có sẵn sẽ không thể làm chủ được công nghệ và tối ưu tính năng sản phẩm. Chẳng hạn sau khi đã chọn một thiết kế mẫu, nhà sản xuất muốn giảm độ mỏng sản phẩm đi một chút, hoặc khi muốn thay đổi cách đi mạch để tối ưu không gian, thử nghiệm một tính năng mới… thì đều không thực hiện được do phụ thuộc vào thiết kế có sẵn.
Trả lời VnReview, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách phần cứng Bkav khẳng định: "Bkav không sử dụng thiết kế tham chiếu của Qualcomm mà chúng tôi tự thiết kế từ mạch nguyên lý, mạch điện tử PCB, nghĩa là từ chipset level trở lên. Đúng là thiết kế mạch điện tử cho smartphone là rất khó, chưa kể những vấn đề khác như thiết kế cơ khí, khuôn mẫu… Những khó khăn đó là có thật, tuy nhiên Bkav đã vượt qua được, và đó là lý do vì sao gần 5 năm chúng tôi mới có thể ra mắt được sản phẩm đầu tiên".
Trả lời về việc làm sao có thể xây dựng được chuỗi cung ứng linh kiện trong khi Bkav là nhà sản xuất mới trên thị trường, ông Thắng khẳng định: "Bkav đã có 10 năm sản xuất nhà thông minh SmartHome nên chúng tôi đã có kinh nghiệm làm việc với chuỗi cung ứng. Bạn có thể thấy, Bkav đã thuyết phục được những đối tác hàng đầu, trở thành công ty đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có được thỏa thuận tích hợp vi xử lý di động mới và mạnh nhất của Qualcomm, ngoài ra còn có màn hình Sharp, RAM Toshiba, kính Gorrila Glass của Corning và hơn 80 đối tác khác trên toàn cầu, đều là những đối tác đang cung cấp linh kiện cho các hãng như Sony, Apple, Samsung,… ".
Trước đó, trả lời báo chí xung quanh thoả thuận ký với Bkav, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của Qualcomm cho biết, Bkav có quyền sử dụng tất cả những sáng chế công nghệ của Qualcomm cho smartphone của họ, tương tự như với các thương hiệu lớn trên thế giới như Samsung, HTC...
Theo Vnreview