Chiến đấu đến cùng với làn sóng độc lập ở Đài Loan chính là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa nói trong khi đưa ra tầm nhìn của Bắc Kinh tại Đối thoại Shangri-La hôm 12/6. “Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá, và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”, ông nói. “Đây là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc.”
Căng thẳng trên eo biển Đài Loan hiện là một trong số những quan ngại an ninh hàng đầu của Mỹ và các đồng minh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương – nơi mà Đài Loan là một đối tác chiến lược của Mỹ - trong bối cảnh Bắc Kinh thường xuyên điều máy bay quân sự tới sát hòn đảo này. Bắc Kinh chưa từng loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực đến tái thống nhất Đài Loan.
Đối thoại Shangri-La tại Singapore đã trở thành một sự kiện để Mỹ và Trung Quốc đưa ra những tầm nhìn khác biệt về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Không chỉ đích danh Mỹ, ông Ngụy Phượng Hòa chỉ trích một số nước đã không làm đúng cam kết tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và ủng hộ các nỗ lực ly khai.
Trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn này trong hôm trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cáo buộc Bắc Kinh “ngày càng có thái độ đe dọa” trong các tuyên bố chủ quyền và kêu gọi duy trì trật tự dựa trên luật pháp trong khu vực.
“Họ cứ giữ mãi chiêu bài Đài Loan để chống lại Trung Quốc”, Ngụy nói. “Họ chỉ ra cái gọi là Đạo luật Quan hệ Đài Loan và sử dụng các bộ luật trong nước để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác. Trung Quốc cực lực phản đối những hành động như vậy.”
Washington đã liên tục nói rằng Mỹ không tuân theo nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, mà của chính họ. Chính sách này công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc, nhưng lại không thừa nhận quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
“Việc theo đuổi độc lập ở Đài Loan là ngõ cụt. Hãy ngừng ngay sự ảo tưởng đó!”, ông Ngụy nói.
Nhưng ông không trực tiếp trả lời một câu hỏi về việc liệu Bắc Kinh có cam kết giữ nguyên hiện trạng khi Đài Loan không theo đuổi độc lập không, mà chỉ nói rằng họ không loại trừ khả năng hành động quân sự.
Ông Nguy cũng cáo buộc Mỹ cố gắng “bắt cóc” các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bằng các nhóm đa quốc gia nhằm vào Trung Quốc, cho rằng ông Austin đã đưa ra lời cáo buộc trống rỗng và nhiều lời đe dọa nhằm vào Trung Quốc trong bài phát biểu hôm 11/6.
Chính quyền Joe Biden mô tả quan hệ Mỹ-Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược, điều mà phía Trung Quốc bác bỏ.
“Đối với chúng tôi, chiến lược này là âm mưu xây dựng một nhóm nhỏ các nước nhân danh vì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhằm bắt cóc các nước trong khu vực chúng ta và nhằm vào một quốc gia cụ thể”, ông Ngụy nói. “Đây là một chiến lược để gây ra xung đột và đối đầu, để bao vây và kìm hãm những bên khác.”
“Chúng ta cần phải nói không với các khối đặc biệt, xung đột, kìm hãm, sự tách rời và gián đoạn nguồn cung”, ông nói. “Xây dựng một bức tường cao bao quanh đất đai của người khác và thành lập các hệ thống song song chỉ có thể làm phân tách thế giới và làm hỏng lợi ích chung của tất cả các nước.”
Bắc Kinh nói rằng những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đoàn kết các nước theo các nhóm an ninh khu vực – như AUKUS và Bộ Tứ - nhằm kìm hãm Trung Quốc và phản ánh “tâm lý chiến tranh lạnh.”