Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: CMCN 4.0 trao thêm quyền năng cho con người thay vì thay thế con người

VietTimes – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là cuộc cách mạng trao thêm quyền năng cho con người thay vì thay thế con người.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2023), Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng nội hàm công nghệ số (CNS) và chuyển đổi số (CĐS) là cốt lõi của công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH).

Trao thêm quyền năng cho con người

Theo Bộ trưởng Hùng, trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, 50% là công nghệ số và 50% còn lại dựa trên công nghệ số để phát triển. Bởi vậy, nhiều người coi Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ số.

Là quốc gia có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, công nghệ số lại phù hợp với người Việt Nam, ông Hùng cho rằng, đó là lợi thế Việt Nam để đẩy nhanh CNH, HĐH. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần đi theo con đường riêng, xây dựng dựa trên trình độ, văn hóa, tố chất con người. "Hiện trên thế giới chưa có mô hình nào mà hai nước áp dụng đều thành công", ông Hùng nói.

Người đứng đầu Bộ TT&TT nhận định, nếu Việt Nam phát triển một nền tảng tri thức căn bản để hỗ trợ mỗi người dân, ví dụ như trợ lý ảo, thì sức mạnh của 100 triệu người Việt Nam sẽ gấp bội. Theo đó, "CMCN 4.0 là trao thêm quyền năng cho con người thay vì thay thế con người", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đây, trong các cuộc CMCN, công nghệ nguồn và sản phẩm thường đi kèm với nhau. Các nước phát triển đã tập trung vào việc bán sản phẩm thay vì bán công nghệ nguồn. Đồng thời, các nước đang trong quá trình phát triển, như Việt Nam, chỉ đóng vai trò là người sử dụng công nghệ, có rất ít cơ hội để trở thành nhà phát triển công nghệ.

Tuy nhiên, trong CMCN 4.0, những công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn đã được tách rời khỏi sản phẩm và được cung cấp dưới dạng dịch vụ với giá cực kỳ hợp lý. Người dùng có thể sử dụng các công nghệ nguồn này để phát triển sản phẩm của mình và bán chúng với giá cao hơn nhiều so với giá thuê dịch vụ công nghệ.

"Các cuộc Cách mạng công nghiệp trước đây, ai nhiều tiền, nhiều công nghệ, nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao thì người đó hưởng lợi chính. CMCN 4.0 thì ai nhiều vấn đề, nhiều nhu cầu thì người đó hưởng lợi, nhưng phải là chính mình phát triển sản phẩm để giải quyết vấn đề, chứ không phải là người khác. Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp, có khát vọng vươn lên, có rất nhiều nhu cầu và vấn đề thì đó là lợi thế Việt Nam", ông Hùng nói.

Dữ liệu - yếu tố sản xuất mới

Nhận xét CNH là Chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất, là sản xuất thông minh, ông Hùng cho rằng, Công nghệ số và CĐS trở thành đặc trưng cơ bản của quá trình CNH. Trong khi đó, HĐH là CĐS toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường.

Chuyển đổi số tạo ra là kinh tế tri thức - còn được gọi là kinh tế số. Kinh tế số là hình thái kinh tế quan trọng tiếp sau kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp.

Các công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, cùng với kết nối mạng và yếu tố sản xuất dựa trên dữ liệu sẽ thay đổi sâu sắc các ngành công nghiệp hiện nay, thay đổi cả về mô hình tổ chức, mô hình quản trị, phương thức sản xuất, yếu tố sản xuất, mô hình kinh doanh để hình thành một nền kinh tế mới.

Theo ông Hùng, CĐS là phát triển bền vững, vì tiêu tốn ít tài nguyên, đồng thời tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu. Dữ liệu được coi là một yếu tố sản xuất mới, tương tự như đất đai và vốn.

Khi tiến hành CĐS mạnh mẽ, sẽ sinh ra nhiều dữ liệu hơn và tạo ra nhiều "đất đai" trên môi trường số. Sử dụng Công nghệ số để khai thác "đất đai" này sẽ tạo ra giá trị mới, đóng góp vào tăng trưởng và sự giàu có.

vt_anh dep.jpg
Khách xem gian hàng triển lãm của Hội Truyền thông số Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023

Biến điểm yếu thành lợi thế

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi một cuộc CMCN mới xảy ra, cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện những lợi thế mới. Những lợi thế này có thể phát sinh từ những điểm yếu của một đất nước hay một dân tộc.

Ví dụ, việc hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ có thể được coi là một điểm yếu trong giai đoạn sản xuất hàng loạt, nhưng lại trở thành lợi thế trong thời kỳ sản xuất cá thể hoá. Dân số đông có thể gây áp lực trong giai đoạn thiếu hụt thực phẩm, nhưng lại là lợi thế trong thời đại công nghệ số, vì giá trị của sản phẩm số giảm dần khi có nhiều người sử dụng.

"Một cuộc CMCN mới sẽ chuyển đổi lợi thế từ quốc gia này sang quốc gia khác. Những lợi thế mới này thường xuất phát từ vị trí địa chính trị của một nước, từ văn hoá đặc trưng của quốc gia đó, từ tính cách của người dân trong quốc gia đó. Điều quan trọng là tìm cách tiếp cận đúng để biến điểm yếu của mình thành lợi thế trong việc khai thác cơ hội của CĐS, từ đó thúc đẩy quá trình CNH và HĐH đất nước một cách nhanh chóng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói./.