Vẫn liên quan đến động lực phát triển của đất nước, trong vai trò là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông có suy tư gì?
Tăng trưởng của chúng ta đã đạt chỉ tiêu, nhưng tăng trưởng vẫn dưới tiềm năng. Vì sao nhiều thế hệ của chúng ta chưa giàu đã già?!
Chúng ta đạt ngưỡng nước thu nhập trung bình từ năm 2010 nhưng thực tế thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, chênh lệch giàu nghèo đang giãn ra, đời sống của công nhân, nông dân đang còn khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách giúp đất nước phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Cần có những chính sách, hành động thúc đẩy niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi sự quan tâm lớn hơn.
Chúng ta có nhiều Nghị quyết với quyết tâm đưa nền kinh tế tránh tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì thế, tăng trưởng nhanh và bền vững là cực kỳ quan trọng.
Lâu nay ta nói phải phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Tôi muốn bổ sung thêm một trụ cột nữa là công nghệ.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam phải có bước phát triển đột phá nếu muốn nền kinh tế phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia và trở thành quốc gia công nghiệp hóa.
Làm thế nào để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tốt hơn, trở thành nền tảng cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động. Riêng với các doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ sẽ giúp họ tham gia nhanh và sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Tôi cho rằng, chúng ta cần thực hiện hàng loạt chương trình cải cách dựa trên trụ cột là thể chế; phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và phát triển nguồn nhân lực.
Ông được giao xây dựng đề án quốc gia về bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ông đã tìm hiểu chủ đề này ra sao?
Nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế cho biết, ứng dụng khoa học công nghệ có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8-18 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ cũng là nền tảng để tạo động lực cơ cấu lại nền kinh tế, hiện thực hóa các nỗ lực cải cách của Chính phủ.
Cuộc cách mạng này là con đường ngắn nhất đưa chúng ta đến hiện đại và thịnh vượng. Đây là cơ hội lớn, ngàn năm có một, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để bắt kịp với thế giới tiến bộ. Chúng ta không những cần tận dụng cơ hội, mà phải tạo ra cơ hội mới với tư duy “bây giờ hoặc không bao giờ”.
Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng các trung tâm làm hệ sinh thái cho đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Các trung tâm này cần những người quản lý chuyên nghiệp, kết nối hữu cơ với các trường đại học, các viện nghiên cứu của quốc gia, khu vực và quốc tế.
Các trung tâm đó phải có môi trường tốt để là nơi sinh sống, làm việc của các tài năng công nghệ phát triển trong các lĩnh vực như AI, thuật toán phân tích dữ liệu lớn, in 3D, blockchain, vật liệu mới, năng lượng mới, mô hình kinh doanh mới...
Có một thực tế là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước không lớn được trong vòng mấy thập kỷ nay, đóng góp chỉ khoảng 8-9% GDP mỗi năm. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng đó?
Thực ra, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới bắt đầu ở giai đoạn phát triển sơ khai chứ không có hàng trăm năm tuổi như ở các nước khác. Tuyệt đại doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, yếu kém về vốn, năng lực quản trị, công nghệ…. Chuyện họ đóng góp nhỏ như vậy trong GDP cũng dễ hiểu.
Trong những điểm yếu của các doanh nghiệp tư nhân, tôi quan tâm nhất đến điểm yếu công nghệ, cần phải khắc phục càng sớm càng tốt.
Như tôi đã nói, trong thu hút vốn FDI tới đây, chúng ta sẽ tập trung thu hút vốn FDI mà sẵn sàng kết nối, chuyển giao, liên kết với doanh nghiệp trong nước. Chúng ta không thể hô hào là doanh nghiệp FDI phải liên kết với doanh nghiệp trong nước đi mà cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ, dẫn dắt sao cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước kết nối với nhau.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cao năng lực để họ tiệm cận dần đến tiêu chuẩn và trình độ của doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó vì nhu cầu tự thân họ sẽ liên kết được với nhau.
Còn một điều tôi trăn trở nữa, làm sao giúp khu vực nước ngoài có thể lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước; làm sao để các doanh nghiệp trong nước lớn lên để kết nối với doanh nghiệp FDI.
Số doanh nghiệp giải thể có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng có tỷ lệ tăng cao nhất (69,5%) trong tổng số các doanh nghiệp giải thể, phá sản trong 9 tháng đầu năm nay. Ông nói gì về con số này?
Doanh nghiệp làm ăn lỗ lãi hay phải đóng cửa là chuyện bình thường theo quy luật thị trường. Ai mạnh thì sống khỏe, ai không thích nghi sẽ tự đào thải, nhường chỗ cho người mới. Đó là thực tế mà thế giới gọi là “sự hủy diệt sáng tạo”.
Tôi muốn nhấn mạnh đến tỷ lệ đóng cửa lên đến 69,5% ở doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng mà anh vừa đề cập. Những năm trước đây, chúng tôi rất khó nắm bắt số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể vì họ không báo cáo.
Đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu tất cả các địa phương phải rà soát, nắm bắt được số liệu chính xác của các doanh nghiệp đã dừng hoạt động, giải thể và chờ giải thể trong thực tế. Sau khi rà soát ra con số này. Có nghĩa là, con số này không phải là của riêng năm nay, mà là của nhiều năm trước. Chẳng qua, đến nay chúng tôi rà soát kỹ thì con số đó tăng cao lên.
Thưa Bộ trưởng, trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới đạt kỷ lục, trên 100 ngàn mỗi năm, thì số doanh nghiệp khai tử cũng đạt kỷ lục? Có vẻ như tỷ lệ doanh nghiêp phá sản ở Việt Nam cao đáng lo lắng…
Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và tôi muốn giải thích rõ. Trên thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản so với doanh nghiệp thành lập mới rất cao, trên 60% là bình thường. Không phải doanh nghiệp nào cũng khởi nghiệp thành công.
Chẳng hạn, tỷ lệ này ở Hong Kong là 64,1%, New Zealand là 91,8%, Anh là 79,1%, Hàn Quốc là khoảng 65%.
Ở Việt Nam, tỷ lệ ngừng hoạt động, giải thể so với số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động là 53,5% năm 2016; 47,3% năm 2017 và tăng vọt lên 70,8% trong 9 tháng đầu năm nay.
Những con số này rất có ý nghĩa. Năm 2017 số doanh nghiệp thành lập mới tăng vọt nên tỷ lệ doanh nghiệp phá sản đi giảm; trong 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng lên do cách rà soát chi tiết của chúng tôi.
Như tôi đã nói, doanh nghiệp phá sản cũng là “sự tàn phá sáng tạo”. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn. Các doanh nghiệp đang làm trong lĩnh vực này khi thấy hết dư địa sẽ chuyển sang lĩnh vực khác nếu nhận thấy nhiều cơ hội tốt hơn. Đó là điều tốt trong cơ chế thị trường.
Tôi giải thích thêm vì sao tỷ lệ doanh nghiệp phá sản trên thế giới cao như vậy? Họ chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, họ thành lập một thời gian mà không thấy cơ hội thành công là giải tán ngay để chuyển sang làm việc mới.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đang có xu hướng khởi nghiệp theo trào lưu công nghệ 4.0. Trong thời gian tới có thể tỷ lệ doanh nghiệp giải thể sẽ lên cao, cũng như thế giới.
Tuy nhiên, tôi không phủ nhận thực tế doanh nghiệp tư nhân còn chịu nhiều rào cản kinh doanh, thủ tục hành chính rườm rà, tiếp cận đất đai khó khăn, thái độ ứng xử các cấp chính quyền địa phương, hạ tầng còn kém, lao động lành nghề còn thiếu…. Tất cả những điều đó đang là điểm nghẽn, là nút thắt của nền kinh tế. Nếu chúng ta không tập trung giải quyết sẽ gây khó khăn quá trình phát triển tới đây.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh đang là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Tuy nhiên, tỷ lệ cắt giảm chưa được 15% thay vì 50% như yêu cầu của Thủ tướng.
Cắt giảm giấy phép con về cơ bản là những chuyển biến tích cực. Nhiều Bộ như Công thương, Xây dựng, Tài nguyên, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp làm tương đối tốt. Nhiều Bộ đã thay đổi tư duy và phương pháp quản lý.
Tuy nhiên, thời gian tới các Bộ phải làm thực chất hơn. Quan trọng nhất là không được đẻ ra những rào cản mới. Có những thủ tục đang giúp quản lý tốt mà lại cắt đi, sau đó đẻ ra những thủ tục mới sẽ không giải quyết được gì.
Mọi người hay nói “chúng ta cứ không làm được thì cấm, không cấm được thì buông”. Tư duy quản lý đó phải thay đổi. Chúng ta cần tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát sau khi cấp phép. Nếu doanh nghiệp làm sai sẽ bị xử lí, còn làm đúng thì họ cứ thế mà làm. Hiện nay, ta cứ tiền kiểm nên doanh nghiệp phải xin phép cái này, cái kia.
Do đó, cần thay đổi về tư duy quản lí nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước quản lí cái gì và quản lí ra sao chứ không phải cái gì cũng sợ và cái gì cũng phải quản.
Bộ trưởng là Tổng chỉ huy Luật Quy hoạch. Làm sao ông khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải, tỉnh nào cũng có cảng biển, sân bay?
Điều này chắc chắn phải giải quyết và là mục tiêu của Luật Quy hoạch. Đã đến lúc không thể để tình trạng tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển… Trăm hoa đua nở thì nguồn lực đâu ra, triệt tiêu lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh. Không đất nước nào làm như vậy mà có thể phát triển lành mạnh được.
Đây là dịp rà soát lại quy hoạch tổng thể cả nước để có một bản kế hoạch tốt nhất. Chúng ta sẽ có quy hoạch tổng thể theo phương pháp tích hợp. Khi lập quy hoạch, ta lồng ghép tất cả lĩnh vực xem xét tổng thể nhằm tránh tình trạng chồng lấn nhau hay có những khoảng trống. Bản quy hoạch đó cho ra một bức tranh tổng thể trên bình diện quốc gia.
Trên bình diện toàn quốc, các sân bay, cảng biển, đường sá sẽ ra sao, đô thị, hạ tầng đi kèm thế nào, những công trình nào liên thông kết nối với nhau, cái nào bỏ đi. Tất cả phải được xem xét trên nền tảng tổng thể quốc gia và bố trí nguồn lực thực hiện.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện với Tuần Việt Nam.
Xem lại kì 1: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Giữ ổn định mới giữ được niềm tin"
Tư Giang – Lan Anh thực hiện
Thiết kế: Diễm Anh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo Tuần Việt Nam
Link gốc: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/media/bo-truong-nguyen-chi-dung-bay-gio-hoac-khong-bao-gio-484778.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu