“Không một quốc gia nào có đủ lực để đối phó với vấn đề an ninh mạng, mà đều phải liên kết, liên minh với nhau để xử lý vấn đề này. Đây là vấn đề toàn cầu, trong đó có Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh như vậy ngay trong phần mở đầu bài phát biểu của ông tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Theo ông Tô Lâm, không một diễn đàn nào từ Liên hiệp quốc cho tới diễn đàn khu vực mà không có chủ đề bàn về an ninh mạng. Đối với Việt Nam, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức và có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh mạng trên nhiều phương diện. Nhận rõ điều này, chính phủ đã ban nhiều Nghị quyết, Điều luật bảo vệ an ninh mạng phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, năm 2018, Việt Nam là nước bị tấn công IoT (các thiết bị thông minh kết nối Internet) nhiều thứ hai thế giới. Đứng đầu là Trung Quốc với 17% các thiết bị IoT bị tấn công, Việt Nam đứng thứ hai với 15% và Nga đứng thứ ba với 8%. Trước đó, vào năm 2017, Việt Nam cũng đứng thứ 10 trong danh sách bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới do hãng bảo mật Symantec thống kê.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, với sự phát triển của công nghệ đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới. Giả mạo nguồn gốc xuất xứ, buôn lậu trốn thuế đều có thể diễn ra trên không gian mạng. Thậm chí tội phạm mạng đã can thiệp vào bầu cử như ở một số nước trên thế giới. Vấn đề tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ cũng đã vượt xa khỏi sự kiểm soát của ngân hàng và lãnh thổ quốc gia.
Bộ Công an đang tham gia vào quá trình xây dựng Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia. Vượt qua những khó khăn ban đầu về nguồn vốn, tiến độ xây dựng đang được thực hiện tốt. Bộ trưởng Tô Lâm nói rằng dữ liệu dân cư là tài nguyên quốc gia cần phải được bảo vệ. Ngoài ra, dữ liệu của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp cũng cần được coi trọng vào bảo vệ.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay không chỉ có cơ quan Nhà nước mới tạo ra được những dữ liệu riêng, mà hiện nay một số cá nhân cũng đã tạo ra được những phương thức thu thập dữ liệu người dùng. Chẳng hạn tội phạm đã sử dụng các hình thức như tiện ích xem bói trên mạng, game vui, bán hàng trực tuyến để thu thập thông tin cá nhân. Đây là một hiểm họa rất lớn trong lĩnh vực an ninh mạng.
Ông Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã làm việc với nhiều nhà mạng quốc tế, luật sư, nghị sĩ Quốc hội và các cơ quan hoạch định chính sách của nước ngoài để tham khảo cách thức quản lý các vấn đề về an ninh mạng, an toàn thông tin. Ở một số nước, người ta có thể phạt các nhà mạng và các công ty vi phạm hàng tỷ USD, hàng tỷ euro nhưng Việt Nam hiện nay chưa thể làm được điều này. “Các vấn đề vi phạm chúng tôi đưa ngay vào luật một cách công khai để phổ biến toàn dân, để đảm bảo luật pháp Việt Nam được thi hành một cách nghiêm túc”, ông Tô Lâm cho biết.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nói rằng Bộ Công an ủng hộ sự phát triển của hệ thống mạng. “Chúng tôi quan niệm đây là hệ tuần hoàn, hệ huyết mạch rất quan trọng như cơ thể đời sống con người. Hệ thống mạng quốc gia giống như một hệ thông tin – phải có nguyên liệu này để cho sức sống của đất nước, của cơ thể được duy trì. Bộ Công an chúng tôi nói nôm na cũng như bác sĩ tim mạch tuần hoàn, giữ sao cho hệ tuần hoàn đó nó thông suốt... sao cho không đứt mạch, không tắc nghẽn. Đấy là nhiệm vụ của chúng tôi với các ngành trong việc quản lý, chứ không hề cản trở sự phát triển của hệ thống mạng Việt Nam”, ông Tô Lâm nhấn mạnh.