Bộ Tài chính: Thao túng, làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi, sẽ sửa luật để ‘tăng tính răn đe’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes --  Bộ Tài chính cho rằng các quy định về mức xử phạt trên thị trường chứng khoán còn nhẹ. Đơn vị này đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi các chế tài xử phạt để ‘tăng tính răn đe’.
Bộ Tài chính: Thao túng, làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi, sẽ sửa luật để ‘tăng tính răn đe’
Bộ Tài chính: Thao túng, làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi, sẽ sửa luật để ‘tăng tính răn đe’

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Báo cáo cho biết, thị trường vốn trong nước có tốc độ tăng trưởng bình quân 28,5%/năm trong giai đoạn 2016 – 2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý đầu năm 2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5%GDP năm 2021.

Cụ thể, vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP; quy mô thị trường TPCP là 22,7%GDP, và quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 16,4%GDP; qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8%GDP).

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. “Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng”, báo cáo nêu.

Trong khi đó, thị trường TPDN cũng phát sinh một số rủi ro, như: (i) một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ; (ii) một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá...) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư hiện đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh; (iii) tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.

Sửa Luật Chứng khoán để ‘tăng tính răn đe’

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên một phần là do quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.

Do đó, cơ quan này cho biết sẽ rà soát đồng bộ từ luật đến các nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về: (i) điều kiện phát hành TPDN, (ii) điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, (iii) các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và (iv) thẩm quyền của UBCKNN trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Đối với TPDN, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Trong đó, nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào: (i) quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; (ii) giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; (iii) yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; (iv) tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian./.