Dữ liệu của FiinTrade cho thấy, trong tháng 5/2022, khối ngoại tiếp tục mua ròng 3.184 tỉ đồng trên sàn HOSE.
Trong đó, họ mua ròng 1.007 tỉ đồng thông qua các giao dịch khớp lệnh. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp khối ngoại mua ròng trong năm 2022, đặc biệt là trong bối cảnh họ bán ròng 18/22 tháng gần nhất.
Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua ròng các mã FUEVFVND, NLG, DPM, CTG, FPT, DCM, VHM, HDB, DGC, MSN, VNM và VRE.
“Danh mục mua ròng khác của nước ngoài rải rác ở nhiều nhóm ngành cho thấy đây là động thái mua vào cho cả danh mục”, báo cáo nêu.
Đáng chú ý, theo dữ liệu của FiinTrade, khối ngoại đã mua ròng DCM 10 tháng liên tiếp.
Bên cạnh đó, họ còn mua ròng DGC 4 tháng liên tiếp, VRE và DPM 3 tháng liên tiếp. Cùng với đó, họ bắt đầu mua ròng MSN và VNM trong tháng 4 và tháng 5/2022.
DCM, DGC và DPM cũng là những mã cổ phiếu ngành phân bón và hoá chất được CTCP Chứng khoán Everest (Mã CK: EVS) đánh giá cao, với dự báo triển vọng lợi nhuận khả quan trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá phân bón tăng kỷ lục.
Trong quý 1/2022, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã CK: DCM) ghi nhận doanh thu đạt 4.075 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 1.516 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 117,6% và 901,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá urê tăng 121,2% YoY và sản lượng bán urê tăng 11% YoY.
CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã CK: VCI) dự báo, giá khí quốc tế sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2023 và điều này sẽ làm giảm nguồn cung urê toàn cầu, tiếp tục hỗ trợ giá urê.
Cùng với đó, DCM đang hoàn thiện dự án nâng cấp nhà máy CO2 (vốn XDCB chỉ 4 triệu USD), điều này sẽ cho phép công ty thu thêm CO2 cho quá trình sản xuất urê. Sau khi hoàn thành dự án nâng cấp này, DCM có thể nâng hiệu suất hoạt động từ 112% lên 115%-117% vào cuối năm 2022, giúp công ty nắm bắt được nhu cầu xuất khẩu trong tương lai - đặc biệt từ thị trường Campuchia./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu