Thông tin trên được đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công thương cho biết tại Hội nghị thường niên Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính (TTHC) ngành Công thương diễn ra sáng nay (25/9) tại Hà Nội.
Cắt giảm 12,4% tổng số TTHC
Theo đại diện Vụ Pháp chế, hiện Bộ Công Thương đang chịu trách nhiệm quản lý 28 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính ở các cấp từ Trung ương đến cấp xã) và 1216 điều kiện kinh doanh (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành nghề thứ 28).
Trước đó, năm 2015, Bộ đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 87 TTHC (tương đương 24% tổng số TTHC), cắt giảm 4.321.800.000VNĐ/năm chi phí tuân thủ TTHC (không tính chi phí cơ hội). Năm 2016, Bộ tiếp tục bãi bỏ và đơn giản hóa 39 TTHC.
Đặc biệt trong năm 2017, Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Công Thương, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 09 Nghị định, 01 Quyết định Thủ tướng, 02 Thông tư liên tịch và 28 Thông tư.
Đến hết 8 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 02 Nghị định và 08 Thông tư, bãi bỏ và đơn giản hóa 36 TTHC trong 17/28 lĩnh vực ngành công thương.
Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đơn giản hóa và cắt giảm 03 Nghị định và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với 05 Dự thảo Nghị định khác.
Tính đến thời điểm này, chỉ tính riêng con số TTHC đã được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa được 56 TTHC/452 TTHC (tương đương với 12,4% tổng số TTHC của Bộ ở thời điểm hiện tại).
Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, đây mới chỉ là một bước trong nỗ lực rất lớn của ngành công thương. Bộ Công thương sẽ tiếp tục đưa ra lộ trình cắt giảm sâu hơn về điều kiện đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp với tiêu chí là: đơn giản, minh bạch, hiện đại và chuẩn hóa nhằm mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở cả 03 khía cạnh là tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh xây dựng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để tạo thêm kênh kết nối giữa Bộ và người dân, doanh nghiệp cũng như giữa Bộ và Chính phủ hay Cổng thông tin một cửa của Asean.
Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý nhà nước như nghị quyết: 19/2016, nghị quyết 35/2016… tạo cơ sở để Bộ Công thương ban hành nhiều văn bản yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, DVCTT vào quản lý.
Đặc biệt, Bộ Công thương là đơn vị đầu tiên ban hành thông tư về DVCTT, quy định việc cung cấp DVCTT tiếp nhận, giải quyết, xử lý phản ánh kiến nghị về DVCTT.
Từ năm 2008, Bộ Công thương đã triển khai DVCTT mức độ 3. Đến năm 2010 là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ công mức độ 4. Đến nay, trong 453 TTHC hiện có của Bộ, có 155 TTHC cấp độ 3, cấp độ 4, chiếm 51% TTHC và không có TTHC nào ở cấp độ 1, đại diện Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho biết.
Hơn nữa, hơn 95% DVCTT của Bộ Công thương đều không thu phí. Các hồ sơ được xử lý tại DVCTT cấp độ 4 đều được xử lý hoàn toàn trên nền tảng số, kết quả sẽ được trả về trực tuyến hoặc trả về theo đường bưu điện.
Đến nay Bộ Công Thương đã triển khai 56 nhóm DVCTT ở mức độ 3 và mức độ 4 (trong đó có 11 nhóm DVCTT mức độ 4, 45 nhóm DVCTT mức độ 3) tương ứng với 155 TTHC (155 DVCTT mức độ 3,4), là một trong những Bộ áp dụng và triển khai số lượng lớn DVCTT.
Cuối năm 2016 vừa qua, Bộ đã xây dựng cổng DVCTT chung của Bộ với địa chỉ http://online.moit.gov.vn. Cổng dịch vụ chung này giúp toàn bộ quy trình được thực hiện trên mạng theo một quy trình xử lý thống nhất chung, thực hiện tất cả các DVCTT của Bộ thông qua một tài khoản duy nhất, giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp.
Cổng giúp dễ dàng tra cứu thông tin mọi lúc, mọi nơi, tập trung quản lý cho cơ quan Bộ, giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh hơn, tăng hiệu năng của hệ thống, giảm bớt thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp và là đầu mối duy nhất kết nối của Bộ Công Thương liên thông đến Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia,Cơ chế một cửa Asean.
Đến hết quý 2/2017, trong 360.000 bộ hồ sơ gửi đến Bộ Công thương, 95% hồ sơ gửi qua hình thức trực tuyến đến Cổng thông tin chung của Bộ. Trong đó Bộ đã xử lý hơn 94% hồ sơ ở mức độ 3,số còn lại là ở mức độ 4.
Thời gian tới, Bộ sẽ đặt mục tiêu mỗi hồ sơ người dân, DN gửi đến sẽ được phản hồi sau 2h.
Đặc biệt, cổng thông tin DVCTT của Bộ đã kết nối với cơ chế 1 cửa quốc gia, trao đổi 2.000 bộ hồ sơ, giúp người dân, Dn có thể đến trực tiếp hải quan thông quan mà không cần giấy phép của Bộ Công thương.
Ngoài ra, cổng thông tin DVCTT của bộ còn kết nối với Cổng thông tin một của Asean, gửi 170.000 bộ hồ sơ từ cơ chế 1 cửa quốc gia sang Cơ chế một cửa Asean và là 1 trong 5 nước kết nối với cổng thông tin một cửa của Asean này.
Như vậy, có thể thấy DVCTT đang giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với Bộ Công thương, giảm thời gian, chi phí, minh bạch hóa quy trình xử lý… để Bộ, phục vụ người dân doanh nghiệp được hiệu quả hơn.
Ngoài ra, với DVCTT, cơ quan quản lý cũng giảm được áp lực về giấy tờ: “ hiện Bộ Công thương mỗi năm đang tiếp nhận 1 triệu bộ hồ sơ liên quan TTHC, nếu xử lý theo cách thức truyền thống thì sẽ mất rất nhiều thời gian và không đáp ứng được yêu cầu của người dân, DN”, đại diện Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho biết.
DVCTT đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước , góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.
Dự kiến, trong năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục triển khai kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa Asean với việc triển khai mới và nâng cấp 22 DVCTT theo quyết định 1659/QĐ - BCT.
Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng ban hành các quy định, quyết định về DVCTT, đồng thời hoàn thiện hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ để phục vụ cho người dân, DN được tốt hơn,…