Bộ Công Thương muốn nhượng hết vốn Tràng Tiền Plaza cho tư nhân

VietTimes -- SCIC muốn giữ 51% vốn điều lệ của công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô trong khi đơn vị chủ quản là Bộ Công thương muốn bán toàn bộ cổ phần để phù hợp với quy định.
Trang Tiền Plaza có thể bán hết cho tư nhân
Trang Tiền Plaza có thể bán hết cho tư nhân

Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Bộ Tài chính đang tính toán các phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020, trong đó cân nhắc việc bán vốn nhà nước tại Tràng Tiền Plaza.

Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 90% vốn điều lệ của Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền, đơn vị sở hữu Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.

Theo phương án bán vốn nhà nước được SCIC trình Thủ tướng và Bộ Tài chính, cơ quan này đề xuất nắm giữ 51% vốn điều lệ sau khi cổ phần hóa. Lý do được SCIC đưa ra là doanh nghiệp đang sở hữu công trình mang tính biểu tượng lịch sử, văn hóa đặc biệt của thủ đô Hà Nội. 

Trong khi đó, cơ quan quản lý là Bộ Công Thương lại muốn thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này do thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại Nhà nước, không cần nắm giữ cổ phần để đảm bảo phù hợp với quy định. 

Hiện tại  Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền, ngoài 90% vốn điều lệ do nhà nước nắm giữ, 10% vốn còn lại thuộc về Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). 
Vào năm 2013, Tràng Tiền Plaza đang được Tập đoàn IPP của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn thuê để làm trung tâm hàng hiệu, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài. Số tiền IPP bỏ ra lên tới 400 tỷ đồng, chưa kể 3.000 tỷ đồng khác mà các thương hiệu xuất hiện tại đây bỏ vốn vào.
Trước đó, tháng 9/2016, Chính phủ đã chỉ đạo SCIC thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 DN được ví như những “con gà đẻ trứng vàng”. Đó là Công ty CP viễn thông FPT, công ty cổ phần FPT, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Bảo Minh, Tái bảo hiểm quốc gia, Hạ tầng bất động sản Việt Nam, XNK Sa Giang, cơ khí khoáng sản Hà Giang.

Nhưng theo phương án được SCIC xây dựng, đơn vị này đề nghị giữ lại 2 DN. Đó là công ty CP Viễn thông FPT (SCIC đang nắm 50,16% vốn điều lệ), công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (SCIC đang nắm 46,64% vốn điều lệ).
Về phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020, Bộ Tài chính đã đồng ý thực hiện cổ phần hóa 5 doanh nghiệp, để SCIC tiếp tục đầu tư, nắm giữ vốn 3 doanh nghiệp, bán vốn giai đoạn 2017-2020 tại 137 doanh nghiệp, giải thể phá sản 3 doanh nghiệp.

Riêng năm 2017, SCIC bán vốn Nhà nước tại 107 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ theo Quyết định 58 và hầu hết đã có chỉ đạo của Thủ tướng về việc bán vốn.

Phương án này đã được trình lên Thủ tướng chờ phê duyệt. Hồi tháng 4 vừa rồi, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương trình danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.

SCIC cho rằng nếu chờ Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp toàn bộ danh mục bán vốn các bộ, địa phương trình Thủ tướng sẽ rất chậm. Theo đó, đơn vị này sẽ không bán vốn được ngay, ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước của SCIC. 

Do vậy, tổng công ty đã đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt phương án, sắp xếp, phân loại doanh nghiệp đến năm 2020 của SCIC nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổng công ty cũng xin được tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch kinh doanh 2017, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh các năm tiếp theo.