Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phái cho hay, trong buổi họp giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Bộ Tài Chính và Hiệp hội mía đường diễn ra chiều ngày 20-1, Bộ Công Thương đã chấp nhận chủ trương đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu 81.000 tấn đường theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2015 thay vì phân giao cho các doanh nghiệp như trước đây.
“Tuy nhiên, việc triển khai tiếp biện pháp đấu thầu như thế nào thì các bộ ngành có liên quan và Hiệp hội vẫn còn phải bàn bạc tiếp,” ông Phái nói.
Hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng đường tối thiểu là 70.000 tấn theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), song cơ chế nhập khẩu vẫn là giao trực tiếp cho các doanh nghiệp mà không qua đấu thầu công khai.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết năm 2014 Việt Nam nhập khẩu khoảng 77.200 tấn đường. Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập 40.000 tấn đường cho các doanh nghiệp chế biến, số còn lại cấp cho một số nhà máy tinh luyện đường trong nước; ví dụ như Mía đường Biên Hoà được cấp hạn ngạch nhập 15.000 tấn, Thành Thành Công Tây Ninh 10.000 tấn, Mía đường Lam Sơn 5.000 tấn...
Theo ông Long, cơ chế phân giao này gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước vì doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đường giữa trong và ngoài nước.
Ông Hà Hữu Phái tính toán, nếu như mọi năm, đường Biên Hòa được cấp 15.000 tấn với giá chênh lệch giữa trong nước và nhập khẩu dao động từ 2.000 tới 4.000 đồng/kg, thì công ty này có thể thu lợi hàng chục tỉ đồng.
“Nếu chỉ tính chênh lệch là 2.000 đồng/kg thì riêng đường Biên Hòa đã được hưởng lợi một năm khoảng 30 tỉ đồng. Con số này là rất lớn và gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp,” ông Phái nói.
Hiệp hội Mía đường đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương thay đổi cơ chế phân giao bằng cơ chế đấu thầu nhập khẩu đường. Phần chênh lệch đấu thầu sẽ được thu vào ngân sách nhà nước, tránh xảy ra cơ chế xin – cho, phát sinh tiêu cực như hiện nay.
Theo TBKTSG