Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực

VietTimes -- Nhật Bản ký thêm thỏa thuận hợp tác thăm viếng cảng biển với Australia, tương tự như với Ấn Độ. Năm 2018, Nhật sẽ tiếp tục điều tàu sân bay trực thăng Izumo thăm các nước duyên hải Biển Đông và Ấn Độ Dương, đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina

Tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản cho hay ngày 18/1, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ký kết thỏa thuận hợp tác "Cảng đỗ chiến lược". Thỏa thuận này nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa những "quốc gia có pháp chế tự do", tăng cường "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa".

Theo báo Nhật, thông qua thúc đẩy ý tưởng hợp tác "Vành đai, con đường", Trung Quốc đang mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Để chống lại vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản thấy cần thiết phải tăng cường hợp tác với các nước có cùng "quan niệm giá trị chung về dân chủ và pháp chế" như Mỹ, tăng cường giao lưu quốc phòng, nâng cao khả năng hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, nhằm bảo vệ tự do đi lại trong khu vực.

Mục đích ký kết thỏa thuận hợp tác lần này giữa Nhật Bản và Australia chính là để chống lại vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước duyên hải thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tháng 9/2017, Nhật Bản cũng đã ký kết thỏa thuận "Cảng đỗ chiến lược" tương tự với Anh và Ấn Độ.

Ngày 15/1, Nhật Bản và Australia cũng đã ký kết thỏa thuận tiếp cận hai chiều về các chuyến thăm quân sự lẫn nhau, tạo thuận lợi cho nhân viên, trang bị và vật tư của quân đội hai nước nhập cảnh. Thỏa thuận còn cho phép Nhật Bản tiến hành diễn tập quân sự ở cảng Darwin của Australia. Khu vực này từng là căn cứ của quân đồng minh và bị lực lượng đường không hải quân Nhật Bản bắn phá ác liệt trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, Việt Nam ngày 20/5/2017.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, Việt Nam ngày 20/5/2017.

Giống như năm ngoái, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản năm nay sẽ điều tàu sân bay trực thăng Izumo đến thăm các nước duyên hải khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương. Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn đang cân nhắc cho tàu chiến này tham gia hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden.

Liên quan đến tàu sân bay trực thăng, gần đây dư luận Trung Quốc cảm thấy rất lo ngại Nhật Bản có thể cải tạo những tàu này trở thành tàu sân bay thực sự, chở máy bay chiến đấu cánh cố định. Bởi vì, nếu các tàu sân bay trực thăng như Izumo được cải tạo thành tàu sân bay thực sự thì chắc chắn sẽ tạo ra thách thức lớn cho các hành động của quân đội Trung Quốc ở biển gần và biển xa.

Cuối năm 2017, nhiều phương tiện truyền thông Nhật Bản như hãng tin Kyodo đã cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang bàn về vấn đề cải tạo “tàu hộ vệ chở trực thăng Izumo” để nó có thể chở máy bay chiến đấu tàng hình F-35B.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định đổi một phần trong số 42 máy bay chiến đấu F-35A đặt mua của Mỹ thành F-35B, đồng thời muốn mua bổ sung, cân nhắc viết nội dung liên quan vào Đại cương kế hoạch phòng vệ sắp sửa đổi trong năm 2018.

Dư luận Trung Quốc cho rằng Nhật Bản là nước láng giềng, lại coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn nhất. Vì vậy, Trung Quốc sẽ cảnh giác với ý đồ và các động thái phát triển tàu sân bay của Nhật Bản.

Theo Chinanews ngày 11/1, những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng đẩy mạnh can dự vào vấn đề Biển Đông không ngừng tăng cường hiện diện sức mạnh ở Biển Đông. Từ tháng 5 - 7/2017, tàu sân bay trực thăng Izumo đã tiến hành tuần tra và triển khai 3 tháng ở Biển Đông. Trong thời gian đó, tàu Izumo đã cập cảng Cam Ranh, Việt Nam vào ngày 20/5/2017.

Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, Việt Nam ngày 20/5/2017.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, Việt Nam ngày 20/5/2017.

Trung Quốc luôn lo ngại rằng với tham vọng to lớn của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản sẽ đẩy nhanh sửa đổi Hiến pháp, đẩy mạnh phát triển quân sự, từng bước trở thành cường quốc tàu sân bay, tiến hành cạnh tranh, thậm chí đối đầu quân sự với Trung Quốc, gây khó khăn cho Trung Quốc trong nhiều vấn đề như vấn đề Biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc đang tìm cách xây dựng “quân đội hàng đầu thế giới”, nhưng báo chí Trung Quốc lại luôn tìm cách tuyên truyền xấu về Nhật Bản, không muốn Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự. Trung Quốc lo ngại Nhật Bản thay đổi chính sách quốc phòng, đi con đường phát triển quân sự mới, từ đó gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới và ngày càng gay gắt. Những ý đồ đằng sau hoạt động tuyên truyền này của Trung Quốc sẽ không thể cản trở các bước tiến của Nhật Bản, vì tình hình khu vực và quốc tế hiện nay đã thay đổi rất lớn.