Cụ thể, trong ngày 7/9/2016, HĐQT BIDV ra nghị quyết V/v tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2016 để thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, đồng thời ngân hàng này có công văn số 2680/TB-BIDV gửi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2016.
Nội dung của cả 2 văn bản đều không nói rõ về nội dung họp cũng như thời gian và địa điểm. Hai văn bản này chỉ “vỏn vẹn” thông báo: Ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách người sở hữu chứng khoán là ngày 22/9/2016.
Đáng lưu ý, chỉ một ngày trước, tức ngày 6/9/2016, HĐQT BIDV cũng vừa ra nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2016. Nhưng chỉ sau một ngày, quyết định tổ chức đại hội cổ đông bất thường được đưa ra thay thế cho việc lấy ý kiến bằng văn bản.
Trước đó, ngày 24/4/2016, BIDV đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 và thông qua việc chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 8,5% (hình thức phát hành bằng cổ phiếu).
Hiện vẫn chưa rõ nội dung cụ thể, nhưng theo đánh giá của VietTimes, căn cứ vào điều lệ hoạt động BIDV năm 2016, có ba vấn đề có thể thuộc “thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông”:
Thứ nhất, là việc phê chuẩn quy định về tổ chức và hoạt động HĐQT, Ban kiểm soát; Quyết định số lượng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát từng nhiệm kỳ, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiễm, bầu bổ sung, thay thế thành viên HĐQT, thành viên BKS phù hợp …
Trước khi nhận quyết định nghỉ hưu, cựu chủ tịch Hà đã ký Quyết định sửa đổi một số điều lệ về tổ chức hoạt động BIDV (một trong những căn cứ là theo đề nghị của TGĐ Phan Đức Tú), trong đó quy định rõ “HĐQT phải có tối thiểu 05 thành viên và không quá 11 thành viên, số lượng thành viên HĐQT cụ thể sẽ do Đại hội đồng Cổ đông quyết định phù hợp với yêu cầu và hoạt động của từng thời kỳ.”(Trước đó, điều lệ tổ chức và hoạt động của BIDV không quy định tối thiểu và tối đa số thành viên HĐQT)
Ở giai đoạn hiện tại, ông Trần Anh Tuấn vẫn chưa chính thức nhận chức Chủ tịch của BIDV, nên nhớ, ông Tuấn mới chỉ được HĐQT BIDV bầu là Ủy viên HĐQT phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT và thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV từ ngày 1/9/2016.
Tuy chỉ kém cựu chủ tịch Hà đã nghỉ hưu có 2 tuổi và cần quá bán các ủy viên HĐQT ủng hộ để chính thức ngồi vào “ghế nóng”, nhưng theo đánh giá, việc “có biến” khó xảy ra ở “thời kỳ” này, nhưng việc “cơ cấu lại” HĐQT ngay trong lần Đại hội đồng cổ đông sắp tới là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ hai, “thẩm quyền của ĐHĐCĐ” có thể là "Quyết định cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của BIDV". Hiện BIDV dưới sự điều hành của TGĐ Phan Đức Tú cùng công sự, tuy có những kết quả khả quan nhưng cũng còn có những tồn tại, theo BCTC giữa niên độ 2016 đã được soát sét của nhà băng này, so về giá trị tuyết đối, nợ xấu của BIDV đang ở mức cao nhất hệ thống. Cụ thể, hết quý II, nợ xấu BIDV tăng 3.119 tỷ đồng lên ở mức 13.171 tỷ đồng (tăng 31% so với cuối năm 2015), Nợ có khả năng mất vốn tăng 1.144 tỷ đồng lên mức 6.334 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số nhân sự cao cấp của NH cũng được điều động sang kiêm nhiệm giữ chức ở Tổng công ty Bảo hiểm BIDV nên sẽ không tránh khỏi những xáo trộn nhất định. Nhất là khi trong giai đoạn này, BIDV cần sự tập trung, cố gắng nỗ lực của mọi cá nhân, cũng như quyết sách đúng đắn của Ban Lãnh đạo để duy trì sự phát triển ổn định, lâu dài.
Thứ ba, ở một diễn biến khác, nguyên nhân hợp ĐHĐCĐ bất thường có thể là “Xem xét và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm của HĐQT, Ban Kiểm soát gây thiệt hại cho BIDV và cổ đông của BIDV”, nhưng xác suất cho khả năng này là rất thấp. Trước khi có thông tin chính thức từ BIDV, mọi thông tin chỉ dừng ở mức suy đoán. Có lẽ, cổ đông BIDV phải chờ đến lúc ĐHĐCĐ bất thường diễn ra để xem có … bất thường hay không.