Ms. Nguyễn Thanh Hải
Ms. Nguyễn Thanh Hải

E-magazine Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Khát vọng đưa Thái Nguyên vươn tầm, trở thành trung tâm công nghiệp lớn

VietTimes – Lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên gần 60 năm trước chính là động lực, là niềm tin để toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức. Nhờ đó, trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội.

Năm 2022 đánh dấu một bước đi mới trên mảnh đất chiến khu năm xưa khi GRDP bình quân đầu người của tỉnh Thái Nguyên đạt gần 107 triệu đồng, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách đạt 19. 116 tỉ, vượt gần 1.100 tỉ đồng so với năm 2021, là mức thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay và vượt 30% so với kế hoạch. Tổng giá trị xuất khẩu công nghiệp đạt 932 nghìn tỉ đồng tăng 10,8% so với năm 2021 (xếp thứ 4/63 địa phương)... Đó thực sự là những con số “biết nói” về sự phát triển của Thái Nguyên.

Cảm kích trước nét xuân này ở vùng "đất thép", nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - về những nỗ lực, thành công và cả những khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp

- Những ngày cận Tết Quý Mão, ngay khi vừa bế mạc Kỳ họp của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đã về thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thái Nguyên. Tổng Bí thư đã có nhận xét: “Ngày xưa lên đây heo hút lắm, nhưng giờ Thái Nguyên phát triển không kém gì Hà Nội” và Thái Nguyên đã "vươn lên tiên phong trong chuyển đổi số". Những lời đánh giá này thực sự là món quà đầy ý nghĩa với bà sau gần 3 năm được Đảng tin tưởng, điều động về gắn bó với Thái Nguyên... Bí thư có thể chia sẻ động lực nào để tỉnh Thái Nguyên có những bước chuyển mình nhanh chóng như vậy?

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải: Cách đây vừa tròn 59 năm, vào tháng 1/1964, khi Bác Hồ về thăm đồng bào và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, phát biểu với tỉnh Thái Nguyên, Người đã mong muốn “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta”.

Lời căn dặn của Người chính là động lực là niềm tin để toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, nỗ lực, đồng lòng, chung sức phấn đấu xây dựng vì một tỉnh Thái Nguyên phồn thịnh.

Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của đồng chí Tổng Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương bạn đối với tỉnh Thái Nguyên là điểm tựa vững chắc để tỉnh Thái Nguyên tạo đà phát triển

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc, tập thể lãnh đạo chúng tôi luôn đề cao vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thực hiện cơ chế bảo vệ cán bộ theo kết luận số 14 của Bộ chính trị. Cùng với đó là việc nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống, kỷ luật công vụ.

- Có thể nói trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, Thái Nguyên vẫn luôn là vùng xanh an toàn trước đại dịch. Xin bà chia sẻ những kết quả đặc biệt ấn tượng của “An toàn khu” chống Covid-19 Thái Nguyên?

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, Thái Nguyên hiện luôn giữ được là “An toàn khu”, là “vùng xanh” trong đại dịch, mặc dù dịch Covid -19 diễn biến khá phức tạp ở những tỉnh lân cận nhưng ở Thái Nguyên vẫn không có nhà máy nào, khu công nghiệp nào phải ngừng hoạt động. Thái Nguyên đã vững vàng thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Tăng trưởng năm 2021 đạt 6,51%, cao gấp 2,5 lần bình quân chung của cả nước; năm 2022 đạt 8,59%, cao hơn bình quân chung cả nước - 8,02%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 49, 37 tỉ USD, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu 12,6 tỉ USD cao nhất từ trước tới nay, tổng giá trị xuất khẩu công nghiệp đạt 932 nghìn tỉ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 31 tỉ USD, đứng thứ 4 cả nước - liên tục 4 năm, sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh.

Thu ngân sách năm 2021 đạt 18 nghìn tỉ và năm 2022 đạt trên 19.160 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, vượt 30% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Từ một tỉnh miền núi nghèo, đến nay Thái Nguyên đã lọt vào nhóm 18 tỉnh thu ngân sách cao nhất toàn quốc. Năm 2023, Thái Nguyên sẽ tự cân đối ngân sách và có điều tiết số thu về Trung ương, về đích trước 2 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Thu hút đầu tư luôn được quan tâm, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn là 171 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10,3 tỉ USD. Riêng trong năm 2021, Tập đoàn Samsung đã tăng vốn đầu tư thêm 1,3 tỉ đô la.

Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục đều được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hài hòa với phát triển kinh tế. Mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, GRDP bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng, tương đương 4.121,8 USD/người/năm, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020.

Thái Nguyên có 100.000 ô tô/1,3 triệu dân, hiện là tỉnh có tỉ lệ sở hữu ô tô cao nhất cả nước cứ 10 hộ dân thì có hơn 1 hộ có ô tô. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh hiện chỉ còn trên 4% theo chuẩn mới, năm 2015 tỉ lệ này là 14%.

- Không chỉ "thay da đổi thịt" về kinh tế - xã hội, Thái Nguyên còn được Trung ương đánh giá là địa phương đi nhanh, đi trước trong chuyển đổi số. Việc này thể hiện rất rõ vai trò của người đứng đầu Ban Chấp hành Tỉnh uỷ. Bà có thể chia sẻ thêm với bạn đọc VietTimes về vấn đề này?

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Bản thân tôi là người xuất thân và trưởng thành trong ngành Công nghệ, nguyên là giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội - cái nôi của ngành Công nghệ Việt Nam, nên khi tham gia vào công tác lãnh đạo chỉ đạo, tôi nhận thấy chuyển đổi số là cơ hội lớn để thay đổi cuộc sống của người dân.

Thái Nguyên không phải là tỉnh có thế mạnh về công nghệ, từ trước đến nay chưa từng có kết quả gì lớn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Thái Nguyên đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để giúp hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển.

Chính vì vậy, Thái Nguyên đã khá nhanh nhạy, và có sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số.

Các xếp hạng về cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của người dân, sự tương tác giữa người dân và chính quyền, về chuyển đổi số đều tăng mạnh đứng trong top 5, top 10 toàn quốc.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 77,92%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 96%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng đạt 68%.

Đặc biệt, khi nói đến chuyển đổi số thường nói đến kinh tế số, chính quyền số và xã hội số, nhưng tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng nhiều cả vào chuyển đổi số trong công tác Đảng. Ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử được triển khai đồng loạt tại 16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và vừa được tôn vinh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022.

- Giữa tháng 7/2022, tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 11 quy định mức thu lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 bằng 50% mức thu lệ phí theo quy định hiện hành. Bà có thể lý giải việc này, nhất là trong bối cảnh thời điểm đó, có rất ít địa phương giảm lệ phí dịch vụ công trực tuyến?

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Mục đích của việc giảm 50% mức phí dịch vụ công trực tuyến nhằm triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số hiệu quả, thực chất, thực sự vì người dân, thực sự đi vào cuộc sống.

Khi mới thực hiện chuyển đổi số chỉ có 40% dịch vụ công cấp độ 4 đưa lên mạng. Sau 5 tháng, Thái Nguyên đã có 100% dịch vụ công cấp độ 4 đưa lên mạng. Nhưng thực tế số người dùng là bao nhiêu mới là vấn đề. Giống như một con đường hẹp chúng ta xây lên thành đại lộ, có người đi hay không, đó mới là hiệu quả. Câu chuyện chuyển đổi số cũng như vậy.

Thực tế, Thái Nguyên đã xây dựng các tổ hỗ trợ chuyển đổi số đến từng nhà dân để hướng dẫn bà con cài đặt ứng dụng, thực hiện thao tác trên điện thoại, tuyên truyền những lợi ích thiết thực khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Sự trợ giúp của hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp bà con hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Có những nơi địa bàn tự nhiên rất rộng, đường sá, hạ tầng khó khăn. Người dân trực tiếp đi làm thủ tục hành chính mất nửa ngày mới lên tới xã. Thay vì đó nếu làm trực tuyến, bà con không mất thời gian, không tốn tiền xăng xe, tránh ùn tắc giao thông, lại được giảm 50% phí thì thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn tránh tiếp xúc với cán bộ để hạn chế cơ hội nhũng nhiễu, hạch sách.

Sau 2 năm tiến hành chuyển đổi số, tỷ lệ hồ sơ phát sinh thực hiện trực tuyến của Thái Nguyên là 60%. Một số địa phương vùng sâu vùng xa có tỷ lệ phát sinh hồ sơ lên tới 85% - như Võ Nhai.

- Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Bí thư hài lòng nhất về điều gì?

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Việc ứng dụng nhiều cách làm mới, mô hình hay, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đảng, tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, các buổi tập huấn về phòng chống tham nhũng, tiêu cực… đã thu hút hàng chục nghìn đảng viên tham gia.

Đặc biệt trong lĩnh vực nội chính, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là chủ trương hết sức phù hợp với thực tiễn địa phương, giúp phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục những hậu quả do những hành vi tham nhũng tiêu cực gây ra, thể hiện tinh thần trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân hết sức ủng hộ

Có thể khẳng định rằng công tác xây dựng Đảng và hệ thống Chính trị luôn được Đảng bộ tỉnh tăng cường trên mọi mặt. Qua đó sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên rõ rệt, đồng thời có tác dụng lớn trong việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính, đạo đức có chuyên môn cao và đây chính là cơ sở, là tiền đề, là sức mạnh để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được các kết quả phát triển vượt trội trong lĩnh vực kinh tế - xã hội như đã nêu ở trên.

- Thái Nguyên giờ đã công nghiệp hoá hiện đại hoá, đã bắt đầu "rộn rã sơn khê" những "ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng", đã thấp thoáng những "phố phường như nấm như măng giữa trời", Bí thư nhận thấy còn có những tồn tại, hạn chế nào cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới?

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Thực tế, tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên vẫn chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; kinh tế tư nhân hiện còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Dự báo giá trị xuất khẩu năm 2023 sẽ gặp khó khăn vì các thị trường xuất khẩu chủ chốt có nhiều biến động, mức tiêu thụ hàng hóa giảm.

Cùng với đó, phát triển nông nghiệp và thương mại, dịch vụ và du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực dân cư trong tỉnh vẫn còn khá cao. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp còn khó khăn. Còn có cán bộ, đảng viên chưa thực hiện tốt việc nêu gương, vi phạm kỷ cương hành chính, đạo đức, lối sống, để xảy ra vi phạm đến mức phải kỷ luật, khởi tố do những vi phạm mắc phải từ nhiều năm trước.

Chúng tôi luôn tâm niệm rằng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phải luôn nỗ lực, quyết tâm, nhiệt huyết, phải Nóng nhưng không tuyệt đối không được Vội; Nhanh nhưng tuyệt đối không được Ẩu; và Chủ động trong mọi tình huống nhưng tuyệt đối không được Chủ quan. Có như vậy, cùng với chủ trương đúng, quyết tâm cao, hành động quyết liệt chắc chắn sẽ gặt hái được hoa thơm và trái ngọt.

Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh và khắc phục được những yếu kém, tồn tại để tiếp tục phát triển với một khát vọng vươn tầm cao mới đưa Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn năm xưa trở thành một cực tăng trưởng mới, phát triển nhanh và bền vững.

Thái Nguyên hiện thực hoá mục tiêu không những trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại nhất của khu vực trung du, miền núi phía Bắc mà còn khát vọng vươn tầm, bước cùng Thủ đô để trở thành trung tâm công nghiệp lớn của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 như đã được nhà thơ Tố Hữu kỳ vọng ở 2 câu thơ kết trong bài thơ Việt Bắc:

Cầm tay nhau hát vui chung,

Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô!

- Xin trân trọng cảm ơn Bí thư!

Anh Lê (thực hiện)

Văn Lâm (trình bày)