Nhà tỉ phú lâm nguy
Thông tin do trang Tianyancha tiết lộ cho thấy, Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên gần đây đã bị thêm một vụ phong tỏa quyền sở hữu cổ phần. Được biết, số tiền liên quan vụ đến phong tỏa này lên tới 16 tỉ 205 triệu NDT, công ty phải thi hành là Tân Đạt Minh Đại Liên.
Thời hạn phong tỏa số cổ phần này là từ ngày 20/3/2024 đến ngày 19/3/2027, Tòa án Nhân dân quận Hàn Giang, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô là nơi ra và thi hành phán quyết này.
Điều đáng chú ý là, công ty này vừa mới thành lập 2 tháng trước. Khi đó giới phân tích thị trường cho rằng đây là cách bài bố mới của ông Vương Kiện Lâm.
Tư liệu cho thấy, công ty quản lý thương mại Tân Đạt Minh Đại Liên thành lập ngày 12/1/2024, đại diện pháp lý là Tiêu Quảng Thụy; vốn đăng ký là 16,2 tỉ NDT, lĩnh vực kinh doanh chính là dịch vụ thương mại.
Tianyancha cho biết, cổ đông của công ty gồm Công ty TNHH Tập đoàn Quản lý Thương mại Vạn Đạt Đại Liên và Công ty TNHH Quản lý Doanh nghiệp Vạn Vũ (Wanyu) Đại Liên, tỷ lệ sở hữu cổ phần là 99,9938% và 0,0062%. Trong đó, người kiểm soát thực tế cổ phần của Vạn Đạt Đại Liên là Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tịch tập đoàn, với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hữu ích là 49,2888% và quyền biểu quyết thực tế là 100%.
Đáng chú ý, trước đó vài ngày, Vạn Đạt Đại Liên cũng thu hút sự chú ý của dư luận, nguyên nhân là số lượng lớn cổ phần của họ tại Công ty Vạn Đạt Chu Hải bị phong tỏa. Theo mạng thông tin tín dụng doanh nghiệp quốc gia, có tới 5 tỉ 072 triệu NDT cổ phần bị niêm phong.
Nguyên nhân phong tỏa là để “bảo toàn tài sản”, pháp nhân bị thi hành là Vạn Đạt Đại Liên, đại cổ đông của Vạn Đạt Chu Hải. Tòa án thi hành là Tòa án Trung cấp Số 1 Thượng Hải; thời hạn phong tỏa từ 4/3/2024 đến 3/3/2027. Đáng chú ý là 5 tỉ 072 triệu NDT cổ phần này đã từng bị phong tỏa hồi tháng 7/2023, nhưng sau đó được dỡ bỏ.
Theo tìm hiểu, Công ty Quản lý Thương mại Vạn Đạt Chu Hải được thành lập ngày 23/3/2021, với vốn đăng kí là 7 tỉ 248 triệu NDT, người đại diện pháp lý là Tiêu Quảng Thụy. Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên và các đại lý chiếm 78,83% quyền cổ phần (khoảng 5 tỉ 714 triệu NDT); nhưng công ty Vạn Đạt Chu Hải cho đến cuối năm 2023 vẫn chưa hoàn tất việc IPO sau 4 lần thất bại nên một số nhà đầu tư chiến lược đã "bỏ của chạy lấy người".
Qua tính toán sơ bộ, 5 tỉ 072 triệu NDT cổ phần bị phong tỏa lần này chiếm khoảng 88,8% quyền sở hữu cổ phần của Wanda Đại Liên trong Vạn Đạt Chu Hải.
Liên tục bán tháo tài sản
Hiện nay, hành trình “Bán, bán nữa, bán mãi” của Vương Kiện Lâm là không thể dừng bước, thậm chí tốc độ bán còn nhanh hơn.
Vào giữa tháng 3 năm nay, Công ty TNHH Thương mại Wanda Plaza ở quận Kế Châu, thành phố Thiên Tân đã xảy ra biến đổi quyền sở hữu. Công ty TNHH Tập đoàn Quản lý Thương mại Vạn Đạt Đại Liên sở hữu 100% vốn đã thoái vốn toàn bộ, Công ty TNHH Công nghệ Tianding (Thiên Đỉnh) Bắc Kinh trở thành cổ đông sở hữu toàn bộ cổ phần, vốn đăng ký tăng từ 10 triệu NDT lên 290 triệu NDT, cả đại diện pháp nhân và chủ sở hữu đều thay đổi. Nhà đầu tư Vạn Đạt Đại Liên đổi thành Tianding (Thiên Đỉnh) Bắc Kinh.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến hiện nay, tính cả Wanda Plaza Kế Châu Thiên Tân, Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên đã bán tổng cộng 14 Wanda Plaza (Thành phố Du lịch - văn hóa - thương mại Wanda Plaza). Trong đó, các Wanda Plaza ở các thành phố hạng nhất Thượng Hải, Quảng Châu cũng đều đã bị bán.
Hiện tại Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên đang ôm 9 khoản nợ trái phiếu, tổng quy mô là 6 tỉ 902 triệu NDT; trong đó tổng số kì phiếu đáo hạn thanh toán trong năm nay là 1tỉ 878 triệu NDT. Đồng thời, nợ nước ngoài hiện có 3 khoản, tổng số tiền là 1tỉ 240 triệu USD; trong đó năm nay có hai khoản đáo hạn với số tiền phải trả lên tới 940 triệu USD.
Từ đó có thể thấy áp lực nợ của Wanda là rất lớn. Cuối năm 2023, phương án điều chỉnh trả khoản nợ 600 triệu USD trái phiếu phát hành năm 2015 đáo hạn đã được các chủ nợ chấp thuận; thời hạn trả nợ được điều chỉnh từ ngày 29/1/2024 sang 29/12/2024, số tiền trả nợ được phân thành 4 đợt. Để ứng phó với nguy cơ vỡ nợ, bán tháo tài sản rõ ràng là phương thức thu hồi tiền trực tiếp nhất và nhanh nhất.
Bán tháo tài sản, thu hồi vốn trước nay là thao tác thường thấy của ông Vương Kiện Lâm. Lần bùng phát nguy cơ vỡ nợ đợt trước, Vương Kiện Lâm cũng đã phải giải cứu bằng cách bán tháo tài sản. Theo Sina, có năm ông phải bán đi 13 dự án văn hóa du lịch, 77 khách sạn và một số tòa Wanda Plaza để lấy tiền trả nợ.
Vương Kiện Lâm (sinh năm 1954), chủ tịch Tập đoàn Vạn Đạt, từng sở hữu hệ thống rạp chiếu phim AMC (Mỹ) lớn nhất thế giới. Ông cũng từng nắm giữ 20% cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atletico Madrid, là người giàu nhất Trung Quốc các năm 2013, 2015, 2016; người Hoa giàu nhất thế giới năm 2016; người giàu nhất châu Á năm 2017…
Vương Kiện Lâm trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2013 và năm 2015, ông đã vượt qua tỉ phú Lý Gia Thành (Li Ka-shing), người giàu nhất Hong Kong, để trở thành người Trung Quốc giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, vào năm 2017 có tin Vương Kiện Lâm bị hạn chế xuất cảnh vì mắc các khoản nợ lớn của các ngân hàng trong nước Trung Quốc và chuyển tài sản của mình ra nước ngoài. Do dịch bệnh COVID-19 năm 2020, sự nghiệp bất động sản và điện ảnh của Vương Kiện Lâm sa sút, tài sản sụt giảm trên diện rộng và dần dần lâm vào khủng hoảng nợ. Chỉ trong 3 năm ông đã phải trả các khoản nợ lên tới 60 tỷ NDT (8,4 tỷ USD).
Năm 2022 ông đã tụt xuống vị trí thứ 39 trong top 100 người giàu nhất Trung Quốc của Forbes, hiện vẫn đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và phải tiếp tục bán các tài sản để trả nợ.
Từng là người giàu nhất Trung Quốc, tỉ phú Vương Kiện Lâm đang phải bán dần tài sản để trả nợ
Thêm một "đại gia" bất động sản Trung Quốc lâm nguy, có thể nối gót Evergrande
2 lính Mỹ đã được xác nhận bị Nga bắt, dư luận rúng động, Washington lâm vào tình thế khó xử
Theo STCN