Thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính Phủ, Bộ Tài chính vừa có ý kiến trả lời doanh nghiệp về trường việc xử lý hóa đơn bị thu hồi do cưỡng chế nợ thuế.
Theo đơn đề nghị hướng dẫn của Công ty Tiến Thịnh (TP. HCM) gửi qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Công ty Tiến Thịnh cho biết, tháng 9/2016, Công ty này mua hàng của Công ty APT, trị giá 3 tỷ đồng, thuế GTGT là 300 triệu đồng.
Sau đó, Công ty Tiến Thịnh xuất bán hàng cho đơn vị khác với doanh thu 3,1 tỷ đồng, thuế GTGT đầu ra là 310 triệu đồng. Công ty Tiến Thịnh đã khai thuế trong tháng 9/2016. Nhưng đến 3/11/2016, Công ty APT đã có thông báo những hóa đơn đã xuất cho Công ty Tiến Thịnh trong tháng 9/2016 đã không còn giá trị sử dụng do cưỡng chế nợ thuế và đề nghị thu hồi những hóa đơn đã xuất. Đến tháng 11/2016, Công ty APT đã nộp thuế đầy đủ và đang làm thủ tục để sử dụng hóa đơn (Công ty APT sẽ xuất lại những hóa đơn khác thay thế cho những hóa đơn đã thu hồi trong tháng 9/2016).
Liên quan đến việc này, Bộ Tài chính viện dẫn Khoản 5, Điều 11 và Khoản 2, Điều 12 Thông tư số 10/2014/TT- BTC ngày 17/1/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Theo đó, ““Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 11 Thông tư này)”.
Như vậy, theo căn cứ trên, trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn trong thời gian cơ quan thuế có quyết định về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế thực hiện truy thu số thuế phát sinh (nếu có) do sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Các hóa đơn nêu trên không còn giá trị sử dụng, đơn vị bán hàng và mua hàng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; đơn vị mua hàng không được kê khai khấu trừ thuế GTGT và tính chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; đơn vị bán hàng và đơn vị mua hàng phải lập biên bản thu hồi các hóa đơn đã lập sai quy định
Sau khi quyết định cưỡng chế hết hiệu lực hoặc chấm dứt hiệu lực, qua xác minh cơ quan thuế xác định thực tế có hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan thuế hướng dẫn đơn vị bán hàng xuất hoá đơn, căn cứ các hóa đơn này đơn vị bán hàng, mua hàng thực hiện kê khai thuế theo quy định.
Bộ Tài chính đề nghị Công ty Tiến Thịnh làm rõ các thông tin về hoạt động giao dịch với Công ty APT (nêu rõ tên, địa chỉ, mã số thuế của Công ty APT, tên loại hàng hóa mua bán giữa các bên, việc thanh toán tiền hàng....), nguyên nhân Công ty APT sử dụng hóa đơn trong thời gian cơ quan thuế có quyết định về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và liên hệ với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để được hướng dẫn thực hiện.