Beyoncé ủng hộ bà Kamala Harris: Người nổi tiếng có tạo ra sự khác biệt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Beyoncé Knowles-Carter cuối cùng cũng gia nhập đội hình với chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Beyoncé dự kiến sẽ xuất hiện tại một cuộc vận động tranh cử của bà Kamala Harris ở Houston hôm 25/10 (Ảnh: Business Insider)
Beyoncé dự kiến sẽ xuất hiện tại một cuộc vận động tranh cử của bà Kamala Harris ở Houston hôm 25/10 (Ảnh: Business Insider)

Trong tháng 8 vừa qua, cộng đồng mạng đã được phen xôn xao sau khi xuất hiện những thông tin sai sự thật về sự xuất hiện của nữ ca sĩ nổi tiếng Beyoncé tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ - nhưng giờ đây, Beyoncé thực sự đã quyết định ủng hộ bà Kamala Harris tại Houston.

Nữ ca sĩ dự kiến sẽ xuất hiện cùng mẹ mình, bà Tina Knowles, và huyền thoại nhạc đồng quê Willie Nelson, tại một sự kiện diễn ra ngày 25/10 (giờ Mỹ), The Washington Post đưa tin.

Mặc dù ca khúc "Freedom" (Tự do) của cô đã trở thành bài hát chủ lực trong chiến dịch tranh cử của bà Harris, nhưng Beyoncé đến nay vẫn chưa chính thức ủng hộ Phó Tổng thống.

Nhưng khi sự chú ý của dư luận đang đổ dồn vào Taylor Swift và Beyoncé trong năm nay, liệu sự ủng hộ của những người nổi tiếng có thực sự tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng?

Mark Harvey, tác giả cuốn sách “Ảnh hưởng của người nổi tiếng: Chính trị, thuyết phục và vận động dựa trên vấn đề”, cho biết: “Câu trả lời ngắn gọn là chúng tôi không biết chắc chắn - và có lẽ là không”.

Harvey cho biết, sự ủng hộ của người nổi tiếng bắt nguồn từ sự ủng hộ của Al Jolson dành cho Warren Harding trong cuộc bầu cử năm 1920, nhưng hầu hết mọi người dân Mỹ đều đi bỏ phiếu vì họ quan tâm tới bản sắc của mỗi đảng, hệ tư tưởng và các vấn đề khác.

Cayce Myers, giáo sư quan hệ công chúng tại Virginia Tech, nói rằng sự ủng hộ của người nổi tiếng có xu hướng có “tác động tối thiểu”. Chúng có thể tăng cường sự chú ý và làm tăng sự nhiệt tình, nhưng "điều đó sẽ không khiến bạn thích một ứng viên mà bạn vốn không thích".

Harvey cho biết, đảng Dân chủ ngày càng nhận được sự ủng hộ của những người nổi tiếng. Nhưng chiến thắng của ông Donald Trump vào năm 2016 đã chứng minh rằng các yếu tố khác chiếm ưu thế như thế nào.

Có thể có ngoại lệ trong năm nay

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm nay có thể xuất hiện ngoại lệ khi người nổi tiếng có thể tạo được ảnh hưởng nhất định tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, do tỷ lệ ủng hộ của cả hai ứng viên đang hết sức sít sao.

Myers cho biết, nếu cuộc bầu cử diễn ra với số lượng phiếu bầu nhỏ, sự ủng hộ của người nổi tiếng vào phút cuối có thể đóng vai trò quan trọng đối với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và mặt trận gây quỹ.

Mặc dù có rất ít dữ liệu về vấn đề này, nhưng Harvey cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự ủng hộ của người nổi tiếng có tác động rõ rệt đến một tranh cử: khi Oprah Winfrey ủng hộ ông Barack Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008.

Loren Kajikawa, giáo sư âm nhạc và văn hóa tại Đại học George Washington, cho biết âm nhạc có thể mang đến một góc nhìn độc đáo về tính cách của mỗi ứng viên Tổng thống.

Bà Harris "có thể không thực sự thành công với các chiến dịch quảng bá với cử tri", ông nói, nhưng việc liên kết với Beyoncé - "một phụ nữ da màu mạnh mẽ khác" - có thể củng cố khả năng vận động của bà theo cách mà sự ủng hộ của Taylor Swift không làm được.

Harvey cho biết, chiến dịch của bà Harris cũng mang tính chiến lược bằng cách tổ chức các sự kiện ở quê hương của những người nổi tiếng, như với rapper Eminem ở Detroit, Julia Roberts ở Georgia và Beyoncé ở Houston.

Sự kiện vận động tranh cử hôm 25/10 vẫn chưa được xác nhận, nhưng dường như nó có tất cả các yếu tố tạo nên sự bất ngờ, với những chi tiết được chọn lọc một cách khéo léo để chuẩn bị cho màn xuất hiện của Beyoncé.