Bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng có xét nghiệm âm tính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sáng nay (20/10), bác sĩ Võ Thu Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ đã âm tính với chủng virus. Tuy nhiên, bệnh nhận vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng có xét nghiệm âm tính (ảnh minh hoạ)
Bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đà Nẵng có xét nghiệm âm tính (ảnh minh hoạ)

Sáng nay (20/10), bác sĩ Võ Thu Tùng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng - cho biết, bệnh nhân nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đã âm tính với chủng virus. Tuy nhiên, bệnh nhận vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

"Đây là tình huống xử lý đối với ca bệnh nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP báo cáo lên Sở Y tế. Kết quả xét nghiệm được Viện Pasteur Nha Trang thực hiện bằng phương pháp RT-PCR. Mẫu bệnh phẩm này âm tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ và dương tính với virus gây bệnh Tay chân miệng" - bác sĩ Tùng cho hay.

Cũng theo bác sĩ Tùng, kết quả này cũng trùng hợp với nhận định ban đầu của các bác sĩ, chuyên gia y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng khi chẩn đoán những triệu chứng lâm sàng ban đầu, nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh Tay chân miệng bị bội nhiễm. Tuy nhiên, để chủ động trong công tác dự phòng, CDC Đà Nẵng đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng cách ly tạm thời bệnh nhân theo đúng quy định, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm đậu mùa khỉ tại bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã lập danh sách, khoanh vùng đối với tất cả nhân viên, người tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện để tư vấn, hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối hoặc đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (nếu có).

Liên quan đến công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế Đà Nẵng đã xây dựng phương án với các tình huống để chủ động ứng phó phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn TP. Các tình huống được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh, đáp ứng khẩn cấp, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát ra cộng đồng.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngành y tế Đà Nẵng đã xây dựng các kịch bản, tình huống nhằm phát hiện, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

nguoi nhap canh vao viet nam se khong phai xet nghim covid 19.jpeg
Lực lượng kiểm soát dịch bệnh giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu sân bay Đà Nẵng

Trước đó, ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Việt Nam được Bộ Y tế xác nhận vào ngày 3/10/2022. Bệnh nhân là nữ, thường trú tại TP HCM và khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9/2022, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và được nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP HCM. Tại đây, bác sĩ khám và cũng nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, nên cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TP HCM).

Ngay khi xác định ca nhiễm, Bộ Y tế cũng lập tức đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.