Becamex IDC “cắm” ngân hàng gần 5 km2 đất Bình Dương

Gần 5 km2 đất đã được Becamex IDC mang “cắm” nhà băng, tức là lớn gấp 2,5 lần diện tích của công quốc Monaco (1,9 km2) – một con số tương đối… giật mình (!). Trong khi  theo ghi nhận tại BCTC, tổng giá trị quyền sử dụng đất của Becamex IDC chỉ là hơn 30 tỷ đồng
Becamex IDC “cắm” ngân hàng gần 5 km2 đất Bình Dương

Như đã đề cập, với quy mô tài sản lên đến hàng tỷ USD, địa hạt hoạt động trải khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) không chỉ là siêu doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương mà còn là một “chaelbol” cỡ bự của khu vực Đông Nam Bộ và thậm chí là của cả nước.

Theo Báo cáo tài chính tổng hợp 2014, trong năm, Becamex IDC chỉ ghi nhận mức lợi nhuận ròng 508 tỷ đồng, bằng phân nửa so với con số tương ứng của một năm trước đó (1.184 tỷ đồng).

Đà suy thoái vẫn chưa dừng lại khi mà mới nhất, theo thông tin trong BCTC Quý II/2015, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của tổng công ty trong 6 tháng đầu năm chỉ là 95 tỷ đồng, sụt giảm 56% so với cùng kỳ 2014 (215 tỷ đồng), một con số tương đối thiếu thuyết phục nếu so với “tầm” của Becamex IDC.

Dù rằng, so với thời điểm đầu năm, tổng tài sản của Becamex đã kịp tăng 12%, lên cán mốc 37.129 tỷ đồng.

“Cắm sổ đỏ” ngót 5 km2 đất tỉnh Bình Dương

Xét riêng dư nợ tại các nhà băng, tính đến ngày 31/12/2014, Becamex IDC đang vay ngắn hạn ngân hàng tổng cộng 3.136 tỷ đồng và thêm vào đó là 1.274 tỷ đồng vay dài hạn.

Đặc biệt, công ty còn huy động 7.200 tỷ đồng khác từ các NHTM thông qua việc phát hành trái phiếu có bảo đảm.

Vậy, điều gì đã khiến các định chế tài chính có thể mạnh dạn cấp những khoản tín dụng khổng lồ vừa nêu cho “chaelbol” đất Thủ?

Mục đích vay vốn, tư cách vay vốn, phương án sử dụng vốn, khả năng trả nợ,… - đó đều là những yếu tố không thể thiếu mà các nhà băng cần thiết phải xem xét trước khi thông qua quyết định giải ngân. Nhưng ngoài ra, vẫn có một yếu tố khác, đó là hình thức bảo đảm tiền vay – chiếc khóa rủi ro “chốt hậu” cho quyền đòi nợ của các ngân hàng.

Trên nguyên tắc này, quan hệ tín dụng giữa Becamex IDC với bên cấp vốn được “chốt” khá chặt bằng các hợp đồng thế chấp, cầm cố.

Chủng loại tài sản thế chấp mà công ty đem “cắm” tại các ngân hàng cũng khá đa dạng: từ quyền kinh doanh và khai thác dự án, hợp đồng tiền gửi có kì hạn, quyền thu cổ tức, tài sản hình thành từ vốn vay… đến các khoản thu theo hợp đồng kinh tế.

Và tất nhiên, không thể thiếu trong số đó là các quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”).

Chẳng hạn như để bảo đảm cho các khoản vay ngắn hạn với tổng giá trị 2.240 tỷ đồng tạiBIDV Bình Dương, ngoài việc, thế chấp Quyền kinh doanh và khai thác dự án KCN Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, Becamex IDC còn phải “các” thêm Quyền sử dụng 140.116,8 m2 đất ở Khu Thành phố mới Bình Dương (định giá 1.541.000 triệu đồng), Quyền sử dụng 77.859,7 m2 đất dịch vụ tại phường Lái Thiêu, Thị xã Thuận An (định giá 269.390 triệu VND), Quyền sử dụng 991.743,2 m2 đất tại Lai Uyên, huyện Bến Cát (định giá 1.090.883 triệu VND).

Thống kê của ANTT.VN căn cứ trên Báo cáo tài chính tổng hợp năm 2014 của Becamex IDC cho thấy, tại thời điểm kết niên, “cheabol” đất Thủ đang thế chấp, cầm cố tại các ngân hàng “sổ đỏ” của tổng cộng 4,888,030.1 m2 đất tại tỉnh Bình Dương để bảo đảm cho các khoản vay vốn, phát hành trái phiếu cũng như cam kết bảo lãnh phát hành trái phiếu của các công ty con.

Gần 5 km2  đất “cắm” nhà băng, tức là lớn gấp 2,5 lần diện tích của công quốc Monaco (1,9 km2) – một con số tương đối… giật mình (!).

Câu hỏi đặt ra là quyền sử dụng diện tích đất “vĩ đại” mà Becamex IDC đã đem cầm cố, thế chấp tại các ngân hàng thực sự có nguồn gốc từ đâu? Ai là người sở hữu lượng “sổ đỏ” khổng lồ này? Liệu rằng Becamex IDC có “mượn” đất của chính quyền (Becamex IDC là Công ty TNHH MTV thuộc UBND tỉnh Bình Dương) thế chấp cho các dự án của mình khi mà theo ghi nhận tại BCTC, tổng giá trị quyền sử dụng đất của công ty chỉ là hơn 30 tỷ đồng?...

Để giải đáp thắc mắc, phóng viên ANTT.VN đã nhiều lần liên hệ với Becamex IDC qua đường dây nóng (84)650.382.2655, đề nghị được trao đổi với người có thẩm quyền, tuy nhiên, chỉ nhận được câu trả lời như: “lãnh đạo đang bận”, “lãnh đạo đi vắng”, “lãnh đạo đang không có ở công ty”…

Sắp cổ phần hóa Becamex IDC

Ngày 4-11-2014, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn số 3836/UBND-KTTH trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh Bình Dương. Sau đó một tháng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký công văn số 2444/TTg-ĐMDN đồng ý với phương án của tỉnh Bình Dương.

Theo kế hoạch này, Nhà nước sẽ chỉ còn giữ 75% vốn điều lệ Becamex IDC, thay vì 100% vốn như hiện nay, ông Trần Thanh Liêm -Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh này và báo chí vào ngày 9-3-2015.

Phát biểu tại thời điểm đó, ông Liêm cho hay, ban chỉ đạo cổ phần hóa, định giá tài sản Becamex IDC đã được thành lập và đang làm việc để chuẩn bị cho việc cổ phần hóa trong thời gian sớm nhất (dự kiến là trong năm 2015).

Theo ANTT