Cũng càng ít người biết thực sự Becamex là công ty nào, “tầm” ra sao. Trên thực tế, Becamex thực sự là một “Chaebol” kín tiếng tại Việt Nam
Ông “bầu” kém danh
Giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (Vleague ) lâu nay vẫn là sân chơi hẹp, nơi thể hiện đẳng cấp của những ông “bầu” lắm tiền nhiều của. Chẳng hạn như “bầu” Long của Hòa Phát Hà Nội, “bầu” Kiên của Hà Nội ACB, “bầu” Trường của Vissai Ninh Bình, “bầu” Thụy của Xuân Thành Sài Gòn.
“Sắt son” nhất với bóng đá có thể kể tới “bầu” Đức của Hoàng Anh Gia Lai, “bầu” Thắng của Đồng Tâm Long An, “bầu” Hiển của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.
Mô hình thành công “kinh điển” của Vleague là một CLB bóng đá được chống lưng bởi một tập đoàn kinh tế tư nhân, giống như cách đội bóng “xứ Thanh” FLC Thanh Hóa đang được hồi sinh với sự hậu thuẫn từ CTCP Tập đoàn FLC của ông “bầu” Trịnh Văn Quyết.
Nhưng ngạc nhiên là, không như những “cự phú” có đội bóng nổi tiếng ngang với doanh nghiệp, lại không có nhiều người biết về Becamex. Hiếm người biết Becamex là một doanh nghiệp “khủng” thế nào đã là một thực tế.
Càng ít người biết tới “đại danh” của ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Kiêm Tổng giám đốc Becamex IDC cũng lại là sự thực khác.
Sự kín tiếng của Becamex và “ông chủ” của doanh nghiệp này thật tương phản với những thành tích của CLB do doanh nghiệp này đỡ đầu đạt được.
Trong lịch sử ngắn ngủi 15 năm của Vleague 2015, Becamex Bình Dương là CLB có nhiều chức vô địch nhất, với 4 lần vô địch, CLB hiện đang là đương kim vô địch Vleague
Cuối tháng 10-2015 vừa qua, ông Cao Văn Chóng - Tổng Giám đốc của CLB Becamex Bình Dương - đã được bầu làm Tổng giám đốc của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Ngày nhậm chức, ông Chóng đã chia sẻ thế này:
“Được sự ủng hộ từ gia đình và đặc biệt là sự động viên của lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC, tôi quyết định dấn thân, chấp nhận thách thức mới trong vai trò TGĐ VPF. Nhân đây tôi cũng xin gửi lời tri ân đến lãnh đạo Becamex IDC mà đặc biệt là cá nhân ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm TGĐ Becamex IDC - người đã dìu dắt tôi có bước tiến quan trọng và có những ý kiến tư vấn rất hữu ích cho tôi trong thời gian qua”.
Người đã “dìu dắt” một CLB mạnh, đã bồi dưỡng cho tân tổng giám đốc của công ty chi phối cả nền bóng đá Việt Nam, đã “xuất hiện” ngắn gọn và đầy bí ẩn như thế
“Chaebol” đất Thủ
Thông tin cần biết, là khác với những “đại gia” làm bóng đá trứ danh có nguồn gốc tư nhân như Tập đoàn T&T, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay Tập đoàn FLC, “ông lớn” Becamex IDC lại là một doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% của nhà nước.
Theo đó, Becamex IDC có tên đầy đủ là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp, hoạt động theo mô hình công ty TNHH Một thành viên với chủ sở hữu duy nhất là UBND tỉnh Bình Dương.
Được thành lập từ năm 1976 trên cơ sở là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex) với hoạt động kinh doanh chính là thu mua nông sản, sau nhiều lần sáp nhập và đổi mới, tính đến nay, Becmex IDC đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh với 28 công ty thành viên trải rộng trên các lĩnh vực: chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông – công nghệ thông tin, sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, dược phẩm, y tế và giáo dục.
Năm 2010, Becamex IDC từng khiến thị trường “tròn mắt” khi “liều lĩnh” bắt tay vào thực hiện dự án Thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, với những mục tiêu tham vọng mà nhiều người cho là không tưởng.
Theo quy hoạch, đô thị mới cách trung tâm Thủ Dầu Một khoảng 8 km, có tổng diện tích 1.000ha, nằm trên địa bàn phường Phú Mỹ, Phường Định Hòa của thành phố Thủ Dầu Một và các xã Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp thuộc huyện Tân Uyên và phường Hòa Lợi thuộc thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, có khả năng phục vụ cho khoảng 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.
Để thực hiện siêu dự án này, Becamex IDC tính toán tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.
Hiện tại, đã có một số hạng mục của dự án được đưa vào sử dụng. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến Trung tâm hành chính tập trung tỉnh được khánh thành vào ngày 20/2/2014 (khởi công ngày 19/11/2010) với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, đưa Bình Dương trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tập trung các cơ quan hành chính tại một cơ ngơi.
Với những dự án “vô tiền khoáng hậu” và tầm ảnh hưởng đặc biệt sâu rộng trong đời sống kinh tế khu vực Bình Dương và Đông Nam Bộ, đâu đó người ta đã bắt đầu gọi Tổng công ty Becamex IDC là một “chaebol” - tên thường dùng để chỉ những tập đoàn kinh tế chủ lực của Hàn Quốc.
Nhưng cũng giống như tên gọi ấy, những số liệu tài chính về Becamex IDC cũng “khổng lồ” không kém. Và đương nhiên, những số liệu tài chính ấy cũng “kín tiếng”, hệt như thông tin về tập đoàn này
Những khoản vay khổng lồ
Theo thông tin trong BCTC gần nhất được Becamex IDC công bố, tính đến ngày 31/12/2014, Becamex IDC (Công ty mẹ) đang có tổng tài sản 32.885 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 7.772 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Becamex IDC duy trì một khối lượng tiền và các khoản tương đương tiền khá lớn, lên tới 2.5749 tỷ đồng, dù đã giảm đáng kể so với con số 4.687 tỷ đồng của một năm trước đó.
Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đang được cầm cố để đảm bảo cho khoản vay tại các ngân hàng.
Giá trị đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, liên doanh cũng chiếm một một tỷ trọng đáng kể (25%) trong cơ cấu tài sản của tổng công ty với số tiền 8.122 tỷ đồng. Trong đó, 2 khoản đầu tư lớn nhất được dành cho CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (2.171 tỷ đồng) và Công ty TNHH Becamex Tokyu (3.010 tỷ đồng).
Tất nhiên, Becamex IDC cũng là “con nợ” khủng của các nhà băng.
Cụ thể, tính đến hết năm 2014, “chaebol” đất Thủ đang vay ngắn hạn ngân hàng tổng cộng 3.136 tỷ đồng, trong đó, 2.240 tỷ đồng từ BIDV – chi nhánh Bình Dương.
Còn nếu tính cả phần vay ngắn hạn các tổ chức và cá nhân, vay dài hạn đến hạn trả, trái phiếu phát hành đến hạn trả thì tổng nghĩa vụ chi trả ngắn hạn của Becamex IDC lên đến 4.546 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Becamex IDC cũng vay dài hạn 1.274 tỷ đồng từ các NHTM, 95 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư và phát triển Bình Dương. Đặc biệt, công ty còn huy động thêm 7.200 tỷ đồng khác từ các nhà băng thông qua việc phát hành 7.200 tỷ đồng trái phiếu có bảo đảm; trong đó, ba trái chủ lớn nhất là: BIDV Bình Dương (2.000 tỷ đồng), Vietinbank Đồng Nai (2.000 tỷ đồng), Maritime Bank (1.000 tỷ đồng).
Với những khoản vay khổng lồ ấy, Becamex IDC đã phải chi tới 185 tỷ đồng để trả lãi trong năm 2014.
Kỳ tới: “Chaebol” đất Thủ đã “cắm” ngân hàng bao nhiêu hecta đất ở Bình Dương?
Theo Ninh Giang - ANTT