Bất ngờ, mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức của con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà khoa học mới đây đã tiến hành một kiểm tra nhận thức có tên "marshmallow" trên một số các loài động vật và kết quả thu được khiến các nhà khoa học phải bất ngờ
Mực nang bất ngờ vượt qua bài kiểm tra nhận thức của con người (Ảnh: Science Alert)
Mực nang bất ngờ vượt qua bài kiểm tra nhận thức của con người (Ảnh: Science Alert)

Một thử nghiệm mới đây về trí thông minh của loài mực nang đã khiến cho các nhà khoa học cảm thấy bất ngờ. Chúng ta không nên xem thường trí thông minh của các loài động vật.

Thử nghiệm trên có tên là marshmallow. Thử nghiệm này khá đơn giản: một đứa trẻ được đặt trong một căn phòng với một viên kẹo marshmallow. Đứa trẻ có thể ăn viên kẹo hoặc chấp nhận không ăn viên kẹo trong vòng 15 phút để được thưởng thêm một viên kẹo nữa và có thể ăn cả 2 sau đó. Khả năng trì hoãn sự thỏa mãn thể hiện sự nhận thức cũng như lập kế hoạch cho tương lai. Thử nghiệm marshmallow được sử dụng để nghiên cứu cách thức phát triển nhận thức của con người. Cụ thể để tìm hiểu xem ở độ tuổi nào thì con người bắt đầu hình thành nhận thức, để có thể trì hoãn thỏa mãn nhất thời và nhận lấy kết quả tốt hơn sau này.

Chính bởi thử nghiệm marshmallow khá đơn giản, nên các nhà khoa học đã điều chỉnh để có thể tiến hành thử nghiệm trên các loài động vật. Tất nhiên, các nhà khoa học không thể nói để các loài vật hiểu được, nhưng họ có thể huấn luyện chúng để chúng biết được rằng nếu chờ đợi thì chúng sẽ có được nhiều thức ăn hơn. Một số loài linh trưởng đã vượt qua được thử nghiệm marshmallow một cách dễ dàng. Loài chó cũng có thể làm được nhưng tỷ lệ không được cao. Mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra loài quạ cũng có thể vượt qua thử nghiệm này.

Một nhóm các nhà khoa học, do nhà sinh thái học hành vi Alexandra Schnell thuộc Đại học Cambridge dẫn đầu đã tiến hành thử nghiệm bài test marshmallow trên loài mực nang. Sáu con mực nang được đặt trong một bể nước đặc biệt có hai buồng kín, được trang bị cửa trong suốt để chúng có thể nhìn thấy được bên trong. Một buồng được đặt một miếng tôm đông lạnh, buồng còn lại đặt những con tôm sống hấp dẫn hơn nhiều. Phía trước cánh cửa của hai buồng cũng có những dấu hiệu mà mực nang có thể nhận biết. Có tổng cộng 3 dấu hiệu: hình tròn tương ứng với việc cửa sẽ mở ra ngay lập tức, hình tam giác tương ứng với việc cửa sẽ mở ra sau khoảng thời gian 10 - 130 giây, hình vuông cho biết cửa sẽ đóng hoàn toàn.

Trong thử nghiệm, miếng tôm đông lạnh sẽ được đặt sau cánh cửa có hình tròn phía trên, đồng nghĩa với việc cửa này sẽ được mở ra ngay lập tức. Tuy nhiên nếu mực nang chọn đi vào trong cánh cửa này thì buồng bên cạnh chứa những con tôm sống hấp dẫn sẽ bị đóng chặt. Qua nhiều lần thử nghiệm, những con mực nang có vẻ như đã học được quy luật của những cánh cổng này. Chúng đã biết được rằng cánh cửa tam giác sẽ mở ra nếu chúng đợi trong khoảng 50 - 130 giây, thành quả của việc chờ đợi là chúng sẽ được "đánh chén" những con tôm sống hấp dẫn. Còn nếu chúng chọn buồng chứa những con tôm đông lạnh thì chúng sẽ không thể vào bên trong buồng có tôm sống được nữa.

Kể từ khi hiểu ra quy luật, những con mực nang này chỉ đợi đến khi cánh cửa có hình tam giác mở ra. Chúng biết trì hoãn sự thỏa mãn của mình, để nhận được phần thưởng hấp dẫn hơn. Tiến sĩ Alexandra Schnell chia sẻ: "Những con mực nang trong thử nghiệm có thể chờ từ 50 đến 130 giây để có thể nhận được phần thưởng hấp dẫn hơn. Điều này giống với những gì chúng ta thấy ở các loài linh trưởng lớn".

Theo Science Alert