Đó là những nội dung trong dự thảo "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025" mà Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương xây dựng.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - chia sẻ, một trong những nội dung quan trọng của Đề án này là xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các bộ, ngành. Để thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, các bộ, ngành đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ giúp cơ quan quản lý nắm được đối tượng kinh doanh là ai, ở đâu, khi nào?
Bên cạnh đó, Đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% các cơ sở kinh doanh, các sàn giao dịch thương mại điện tử… phải ký cam kết chống hàng giả và 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục về chống hàng giả… Các sàn giao dịch điện tử phải ràng buộc trách nhiệm, như ký cam kết với người bán hàng, cũng như sử dụng công nghệ vào công tác quản lý; tuyên truyền, phổ biến, định hướng cho người tiêu dùng không sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hoá do Việt Nam sản xuất.
Trước đây, hàng giả, hàng nhái thẩm lậu từ nước ngoài vào, tập kết ở các kho trong khu vực đông dân cư, đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và được bày bán qua các kênh truyền thống. Hiện nay thì bất kể ai, ở bất cứ đâu cũng có thể kinh doanh qua mạng, với quy mô lớn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý.
“Để xảy ra thực trạng trên có nguyên nhân do các sàn giao dịch điện tử không có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát chất lượng hàng hoá. Ngoài ra, khác với kinh doanh truyền thống, kinh doanh qua thương mại điện tử có sự tham gia của “bên thứ ba” là đơn vị vận chuyển, ngân hàng… Trong đó, đơn vị vận chuyển mặc dù đóng vai trò quan trọng vào quá trình, nhưng hầu như không quan tâm đến hàng hoá và vô hình trung tiếp tay, vận chuyển trái phép hàng giả, thậm chí hàng cấm”, ông Trần Hữu Linh lý giải.