Bảo mật kém – bài học xương máu của quân Nga trên chiến trường Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới truyền thông quân sự của Mỹ qua nghiên cứu, phân tích công tác bảo mật của Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kết luận, với tình báo nguồn mở, vẫn có thể thu thập đủ thông tin, chả cần đến tình báo bí mật
Công tác bảo mật kém khiến Nga chịu nhiều thiệt hại trên chiến trường. (Ảnh: QQ).
Công tác bảo mật kém khiến Nga chịu nhiều thiệt hại trên chiến trường. (Ảnh: QQ).

Cho đến nay, cuộc chiến Ukraine đã diễn ra hơn trăm ngày. Các chuyên gia các bên khác nhau có những đánh giá rất khác nhau về thể hiện của quân đội Nga trên chiến trường. Tuy nhiên, họ có một điểm chung trong quan điểm đối với quân đội Nga, đó là công tác giữ bí mật chiến trường của quân đội Nga thực sự không được thực hiện tốt, nếu không nói là rất kém.

Các cơ quan truyền thông quân sự của Mỹ cho biết: chỉ cần sử dụng thông tin tình báo nguồn mở đều có thể theo dõi và dự đoán các hành động của quân đội Nga, vậy cần phải có một cơ quan tình báo chuyên trách để làm gì? Một ý kiến khác thậm chí cho rằng: "Nga nằm ngoài cuộc cách mạng tình báo nguồn mở toàn cầu, đã phát động một cuộc tấn công vào Ukraine, hoàn toàn không chuẩn bị để tiến hành một cuộc chiến thông tin trong môi trường tình báo của thế kỷ 21".

Tất nhiên, tuyên bố này hơi quá mức, nhưng những lỗ hổng trong việc giữ bí mật của quân đội Nga là điều hiển nhiên dễ nhận thấy. Điều này thể hiện trên một số khía cạnh.

Công tác ngụy trang chống vệ tinh của Nga được cho là không tốt.

Công tác ngụy trang chống vệ tinh của Nga được cho là không tốt.

Thứ nhất là công tác ngụy trang chống vệ tinh do thám không được Nga thực hiện tốt. Theo thống kê, cho đến nay, Mỹ và Tây Âu có hơn 200 vệ tinh viễn thám dân dụng, cộng thêm các vệ tinh quân sự, về cơ bản chúng đã phủ sóng toàn bộ trái đất. Bất kể ngày hay đêm, chúng có thể cung cấp khả năng quan sát liên tục các khu vực quan trọng. Ban ngày chúng sử dụng ánh sáng nhìn thấy và có thể sử dụng radar khẩu độ tổng hợp vào ban đêm. Hiệu quả của việc quan sát vệ tinh là không cần bàn cãi. Nhưng quân đội Nga rất ít khi thực hiện các biện pháp ngụy trang khi tập kết và cơ động. Trước khi chiến tranh bùng nổ vào ngày 24/2, việc tập kết quân đội Nga ở biên giới Nga-Ukraine và biên giới Belarus-Ukraine đều đã bị các vệ tinh viễn thám của phương Tây nắm bắt hết. Mỹ đã thống kê rất chính xác quân số và vũ khí mà Nga sắp tham chiến và điểm tập kết cuối cùng của chúng. Đây là điều đại kỵ đối với việc dụng binh của một nước.

Máy bộ đàm quân Nga sử dụng trên chiến trường mà Ukraine thu được (trái) cho thấy đây là loại dân dụng có thể mua qua mạng.

Máy bộ đàm quân Nga sử dụng trên chiến trường mà Ukraine thu được (trái) cho thấy đây là loại dân dụng có thể mua qua mạng.

Thứ hai là bảo mật liên lạc vô tuyến kém. Vì thiếu các loại máy được bảo mật nên quân đội Nga đã mua một số lượng lớn máy bộ đàm dân dụng để trang bị cho quân đội ở tiền tuyến. Những máy bộ đàm dân dụng này không được thiết kế cho mục đích quân sự và rất nhiều linh kiện, đặc biệt là IC, đều là sản phẩm của Mỹ hoặc sử dụng giao thức liên lạc mở. Có nghĩa là, các máy bay trinh sát điện tử và vệ tinh trinh sát điện tử của Mỹ có thể chặn bắt được và phân tích nội dung các cuộc gọi trong một khoảng thời gian rất ngắn để có được thông tin tình báo liên quan. Ngay cả khi cơ quan chỉ huy cấp cao của quân đội Nga được trang bị một số thiết bị liên lạc bí mật, thì bằng cách xử lý và phân tích nội dung các cuộc liên lạc vô tuyến của các đơn vị ở cơ sở, cũng có thể hiểu được ý định chiến đấu, các kế hoạch và động thái hành động chiến dịch và chiến thuật của quân đội Nga. Hơn nữa, các mạch IC được nhập khẩu từ phương Tây trong thiết bị liên lạc được bảo mật của Nga, liệu có bị cài đặt “cửa hậu” nào không cũng không thể biết chắc?

Binh sĩ Nga được sử dụng điện thoại di động cũng là nguồn gây lộ bí mật.

Binh sĩ Nga được sử dụng điện thoại di động cũng là nguồn gây lộ bí mật.

Thứ ba là kém cỏi trong việc kiểm soát các cơ quan truyền thông. Đầu tiên là truyền thông truyền thống, Nga kiểm soát rất kém hoạt động của các nhà báo và không kiểm duyệt đủ mức nội dung tin tức được phát. Vào giữa tháng 5, khi một phóng viên Nga đưa tin về cuộc chiến ở thành phố Severodonetsk, để thể hiện hỏa lực mạnh mẽ của quân đội Nga, anh ta đã quay cảnh một khẩu súng cối tự hành hạng nặng 240mm khai hỏa, thậm chí còn sử dụng flycam để thể hiện toàn cảnh thực địa chiến trường từ trên không. Bằng cách phân tích địa hình và địa vật trong video, các nhân viên tình báo Ukraine đã xác định chính xác vị trí khẩu cối được triển khai ở Nhà máy hóa chất Zoriya. Sau khi sử dụng máy bay không người lái để trinh sát và xác nhận mục tiêu, quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc phản kích bằng hỏa lực pháo binh, không chỉ phá hủy khẩu cối tự hành của Nga mà còn khiến đạn dược trên xe chở đạn phát nổ, cảnh tượng rất bi thảm.

Thứ nữa là không kiểm soát được các phương tiện truyền thông xã hội. Cho đến nay, Nga vẫn chưa cắt đứt hoàn toàn được mạng liên lạc dân sự ở Ukraine, dù là dân thường hay binh lính Ukraine, thậm chí là lính Nga vẫn có thể sử dụng bình thường điện thoại di động của họ. Điều này mang đến mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn đối với công tác bảo mật. Người dân Ukraine được tự do quay phim các hoạt động quân sự của Nga, đăng lên các trang mạng xã hội và thậm chí cung cấp thông tin tình báo trực tiếp cho chính phủ Ukraine. Ngoài ra, những chiếc điện thoại di động mà binh sĩ Nga mang theo cũng là nguồn phát tín hiệu vô tuyến, ngay cả khi nó không được sử dụng để thực hiện các cuộc gọi. Chỉ cần anh ta ở trong phạm vi phục vụ của một trạm BTS nào đó, cơ quan viễn thông Ukraine có thể phát hiện và chặn bắt.

Cối tự hành 240mm bị lộ do cách đưa tin của phóng viên Nga.

Cối tự hành 240mm bị lộ do cách đưa tin của phóng viên Nga.

Những tình huống trên đã cung cấp cho các cơ quan tình báo phương Tây nguồn thông tin dồi dào, khiến nhiều cơ quan được gọi là cơ quan tình báo nguồn mở thấy như đào được núi vàng. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy quân đội Nga thực hiện các biện pháp cải thiện nào về vấn đề giữ bí mật chiến trường. Nếu quân đội Ukraine tìm ra các chiến thuật và chiến pháp mới có thể đối phó hiệu quả với chiến thuật bám chắc và tiến chắc của quân đội Nga, thì quân đội Nga có khả năng tiếp tục chịu thiệt hại do vấn đề sơ hở trong giữ bí mật chiến trường.

Những bài học này của quân đội Nga đều phải trả giá bằng xương máu, đáng để quân đội các nước rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình trong tương lai, nếu xảy ra chiến tranh.