Liên kết để giảm tỷ lệ chi tiền túi cho y tế
Theo Vụ trưởng Lê Văn Khảm, tuy tỷ lệ bao phủ BHYT tự nguyện bắt buộc (hay còn gọi là BHYT xã hội) hiện đã lên tới 80% – 90%, nhưng tỷ lệ chi tiền túi của các hộ gia đình cho y tế còn rất cao, ở mức 38 – 39%. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, nếu một quốc gia đạt đến sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thì tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho y tế phải ở mức dưới 20%.
Vụ trưởng Lê Văn Khảm lý giải, tỷ lệ chi tiền túi cho y tế của người dân Việt còn cao, là bởi quỹ BHYT tự nguyện bắt buộc hiện nay còn hạn chế: Mức đóng thấp hơn mức chi khiến việc duy trì bảo hiểm toàn dân phải dựa vào quỹ BHYT dự phòng tích lũy từ nhiều năm trước, gây khó khăn khi mở rộng thêm các gói quyền lợi của BHYT; người dân phải đồng chi trả cho một số danh mục thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật ngoài danh mục do Bộ Y tế ban hành. Ngay cả một số loại thuốc có trong danh mục, nhưng BHYT chỉ chi trả một phần, người dân phải đồng chi trả; các dịch vụ y tế khác như khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán bệnh sớm và nhiều dịch vụ khác cũng chưa được BHYT chi trả; BHYT bắt buộc chỉ chi trả một phần khi người dân tới khám, chữa bệnh nội trú trái tuyến…
Người dân nhận thuốc theo diện bảo hiểm y tế.
|
Theo Vụ trưởng Lê Văn Khảm, khi cơ chế BHYT hiện nay không thể đáp ứng nhu cầu về bảo vệ người dân trước các rủi ro về tài chính khi có nhu cầu khám, chữa bệnh, BHYT thương mại sẽ đóng góp thêm cơ chế tài chính khác.
Các doanh nghiệp BHYT thương mại có thể cung cấp các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi BHYT hiện nay; khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, khám sức khỏe định kỳ, thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục; giúp người dân có tài chính để cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi của BHYT đang có; phần cùng chi trả của một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế có trong danh mục nhưng chỉ được hưởng theo tỷ lệ nhất định…
Vẫn còn nhiều thách thức
Trong báo cáo về BHYT thương mại của Hiệp hội Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các chuyên gia bảo hiểm cho biết, vẫn còn nhiều thách thức khi lưu hành BHYT thương mại trong nước.
BHYT thương mại sẽ góp thêm cơ chế tài chính cho người dân
|
Đó là tỷ lệ bồi thường bảo hiểm sức khỏe cao, giá trị bảo hiểm từ khoảng 40 triệu đồng trở lên, dẫn tới khó kiểm soát tình trạng trục lợi bảo hiểm; phần mềm quản lý còn hạn chế, dữ liệu chưa đầy đủ, khó thực hiện đánh giá rủi ro, định phí, xây dựng sản phẩm; chi phí quản lý, chi phí bán hàng cao nhưng lợi nhuận thấp; nhiều thách thức đặt ra trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hóa chất lượng bảo hiểm,…
Những thách thức này là bài toán mà những đơn vị kinh doanh BHYT thương mại đang phải khắc phục hàng ngày, đồng thời, cản trở việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội.
Vụ trưởng Lê Văn Khảm cũng đặt ra vấn đề về hiệu quả và tính minh bạch của bảo hiểm thương mại, làm sao để sử dụng nhiều kênh tài chính khác nhau nhưng vẫn đảm bảo quản lý tốt, mang lại lợi ích cho người dân, thiết kế hành lang pháp lý phù hợp. Đây đều là những vấn đề khó, cần sự chung sức, phối hợp của nhiều bộ ngành và các tổ chức xã hội để giải quyết.
Vì vậy, mặc dù Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương ban hành năm 2017 đã quy định rõ về việc cần phải đa dạng các gói BHYT và tăng cường sự tham gia, liên kết giữa bảo hiểm xã hội, BHYT xã hội và BHYT thương mại, nhưng chưa thể thực hiện được ngay chính sách này.
“Đây là một lĩnh vực rất mới, Bộ Y tế đang cùng các bên liên quan bàn thảo về cách thức thiết kế, sự tham gia của các doanh nghiệp,… để đảm bảo tính công bằng, xã hội của BHYT đồng thời đáp ứng được nhu cầu của người dân” – Vụ trưởng Lê Văn Khảm cho hay.