Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Nam tích cực chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành, bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Việc triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số từ cuối năm 2020 là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội. VssID được tích hợp nhiều tính năng tiện ích giúp người dùng có thể tra cứu thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của mình. Ứng dụng còn có dịch vụ hỗ trợ 24/7 như hỗ trợ qua hệ thống chatbox, trả lời tự động hoặc tổng đài của ngành bảo hiểm…

Thêm vào đó, người dùng có thể dùng hình ảnh thẻ trên ứng dụng để khám chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Đến cuối tháng 7/2022, toàn tỉnh có trên 148.000 lượt cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số.

100% công chức, viên chức, người lao động bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện dịch vụ công có trình độ từ đại học trở lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ tại bộ phận “một cửa” bảo hiểm xã hội tỉnh và bảo hiểm xã hội cấp huyện có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng công việc, chuyển tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tại các đơn vị sử dụng lao động, hầu hết đều được trang bị máy tính, đường truyền Internet và có chứng thư số nên có thể tiếp cận và sử dụng kê khai hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử thông qua Cổng dịch vụ công ngành bảo hiểm xã hội hoặc qua các nhà IVAN (dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ, phục hồi thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội giữa đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội thay thế cho hồ sơ giấy.

Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 06) của Chính phủ, bảo hiểm xã hội tỉnh đã phổ biến, quán triệt đầy đủ mục tiêu, nội dung Đề án 06 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn ngành. Ban hành văn bản về việc kê khai số Căn cước công dân gắn chíp điện tử, số định danh cá nhân đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gửi đến các đơn vị sử dụng lao động; UBND xã, phường, thị trấn; các cơ sở giáo dục; đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh để phối hợp đề nghị người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kê khai số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân để cơ quan bảo hiểm xã hội nhập vào cơ sở dữ liệu.

Tính đến ngày 15/7/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 326.968 Căn cước công dân gắn chíp điện tử đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn giá trị đi khám chữa bệnh. Có 36 cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử để khám chữa bệnh và đã có 393 lượt người tra cứu dữ liệu bảo hiểm y tế qua Căn cước công dân gắn chíp điện tử, trong đó 142 lượt được hệ thống thông tin giám định ghi nhận. Bổ sung dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 55.070 lượt người, trong đó nội trú 4.576 lượt; ngoại trú 50.494 lượt người. Hiệu chỉnh, bổ sung thông tin cá nhân cho 28.479 người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Với tỷ lệ 92,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế, cùng với số lượt khám chữa bệnh, chi phí thanh toán ngày càng tăng, áp lực quản lý ngày càng lớn, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là yêu cầu cấp thiết.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh - ông Lê Quang Ngọc, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành, bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng, tăng mức độ chính xác, giảm tối đa làm việc trực tiếp. Trên địa bàn tỉnh có hơn 70% đơn vị sử dụng lao động giao dịch qua phần mềm quản lý thu, sổ thẻ; 99% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử giải quyết chế độ, chính sách. Việc triển khai ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, Đề án 06 sẽ từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó sử dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp với thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Như vậy, người có thẻ bảo hiểm y tế có thể sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử để đăng ký khám chữa bệnh mà không cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế giấy.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Có nhiều số định danh không tồn tại trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin không chính xác về họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính. Số lượng Căn cước công dân gắn chíp điện tử chưa được đồng bộ với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh còn cao (khoảng 67%). Đầu quét mã vạch tại các cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng chưa tốt nên không nhận diện được thông tin trên Căn cước công dân gắn chíp điện tử dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử để khám chữa bệnh còn thấp. Cán bộ tư pháp xã chưa thực hiện gửi hồ sơ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí do đó bảo hiểm xã hội tỉnh chưa thực hiện liên thông thủ tục này.

Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xác thực thông tin người tham gia với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa ra giải pháp xử lý. Tăng cường tuyên truyền người có thẻ bảo hiểm y tế cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số. Phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về phần mềm tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh khi sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo Báo Công thương