Báo Canada: Trung Quốc ‘khoét’ Biển Đông xây đảo, hiểm họa khôn lường

Lời giải thích từ phía Trung Quốc không đáng tin cậy. Dù động lực và mục tiêu của Trung Quốc có thực sự tốt đẹp như nước này cam kết đi chăng nữa thì những hành động đó cũng tiếp tục gây căng thẳng trên toàn khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng đường băng được cho là dùng vào các mục đích quân sự ở bãi Đá Chữ Thập.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng đường băng được cho là dùng vào các mục đích quân sự ở bãi Đá Chữ Thập.

National Post cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, cải tạo nhiều rạn san hô nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông.

Để làm như vậy, Bắc Kinh đã sử dụng những chiếc tàu nạo vét lớn để đưa một lượng cát và san hô lớn lên từ đáy đại dương, san bằng nhiều bãi đá để xây dựng những hạ tầng quân sự.

Rất nhiều những tiền đồn mà Trung Quốc đang ngang nhiên xây dựng gần với Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei. 

Chuẩn đô đốc Harry B. Harris Jr., chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang xây dựng “vạn lý trường thành” bằng cát trên Biển Đông. Phát biểu ở Australia hồi đầu tháng Tư, ông cho biết Trung Quốc đã tạo ra "hơn bốn cây số vuông đất nhân tạo" ở Biển Đông. Ông khẳng định, những dự án này đặt ra những nghi ngại lớn về các ý đồ của Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang can thiệp vào khu vực và khẳng định sẽ vẫn tiếp tục hành động như những gì mình muốn bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.

Theo National Post, những động thái của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý đang làm phức tạp tình trạng pháp lý vốn chưa rõ ràng trong khu vực. Hiện luật hàng hải vẫn chưa có định nghĩa hay sự đồng thuận rõ ràng về khi nào hay liệu một mỏm đá vượt nhẹ lên mặt biển có được tính là một phần lãnh thổ của một quốc gia khi được mở rộng bằng các biện pháp nhân tạo hay không.

Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự, các hệ thống radar và một sân bay quân sự giữa đại dương. Tạp chí quân sự Jane Defence Weekly của Anh ước tính, vùng đất mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có chiều dài tới 3000 mét, có khả năng sử dụng cho những loại máy bay lớn bao gồm cả máy bay ném bom tầm xa và các máy bay trinh sát.

Hôm 16/4, một Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lý giải các hòn đảo này được xây dựng để cung cấp cho các tàu một nơi ẩn náu trong trường hợp gặp bão.

Reuters dẫn lời ông này cho hay: "Chúng tôi đang xây dựng nơi trú ẩn, hỗ trợ cho việc chuyển hướng, tìm kiếm và cứu hộ cũng như các dịch vụ dự báo khí tượng hàng hải, đánh cá và nhiều dịch vụ khác" cho cả Trung Quốc và các nước láng giềng.

Theo National Post, lời giải thích này từ phía Trung Quốc không đáng tin cậy. Dù động lực và mục tiêu của Trung Quốc có thực sự tốt đẹp như nước này cam kết đi chăng nữa thì những hành động đó cũng tiếp tục gây căng thẳng trên toàn khu vực.

National Post nhận định, mặc dù hiện những căng thẳng chưa đến mức có thể dẫn đến một cuộc xung đột ngay lập tức ở phía tây Thái Bình Dương, nhưng các dự án xây đảo nhân tạo và các hành động hung hăng khác của Trung Quốc là một phần chiến lược địa chính trị và địa kinh tế nhằm thay đổi lại cán cân quyền lực tại châu Á, thay thế ảnh hưởng và vị trí của Mỹ trong khu vực.

Hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước láng giềng lo ngại và tăng cường khả năng quân sự cũng như kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Mỹ.

Nhằm đối phó với chiến đấu cơ tàng hình mà Trung Quốc đang phát triển, Hàn Quốc và Nhật Bản đang mua chiến đấu cơ F-35 và các hệ thống radar của Mỹ.

Hình ảnh vệ tinh chụp bãi Đá Chữ Thập hồi tháng 8/2014 (ảnh trên) và tháng 1/2015 (ảnh dưới) cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo với tốc độ cao.
Hình ảnh vệ tinh chụp bãi Đá Chữ Thập hồi tháng 8/2014 (ảnh trên) và tháng 1/2015 (ảnh dưới) cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo với tốc độ cao.

Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang rũ bỏ những hạn chế quân sự sau chiến tranh. Hồi cuối năm 2014, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này sẽ mua 3 máy bay do thám Global Hawk, cùng với 4 máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye của Mỹ.

Bộ quốc phòng Nhật sẽ bắt đầu triển khai Global Hawk tới căn cứ không quân Misawa tại tỉnh Aomori ở miền bắc Nhật Bản vào năm 2019. Chính phủ Nhật cho biết muốn tăng cường các khả năng giám sát để đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc tại các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất hợp tác với chính quyền Australia nghiên cứu, phát triển và sản xuất tàu ngầm.

Việt Nam đã mua 4 tàu ngầm của Nga. Ấn Độ, đất nước cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cũng bổ sung thêm nhiều máy bay vận tải, máy bay giám sát của Mỹ và chiến đấu cơ của Pháp. Đồng thời, New Delhi cũng đang xây dựng một đội gồm 150 tàu chiến, bao gồm 2 tàu sân bay.

Philippines cũng đang tích cực xây dựng khả năng quốc phòng. Kể từ năm 1995, nước này không hề có chiến đấu cơ để phòng thủ, nhưng gần đây Manila đã tích cực mua 36FA-50 từ Hàn Quốc và mua một vài tàu được tân trang lại từ hải quân Australia.

Philippines cũng tích cực hợp tác quân sự với Mỹ để đối phó với những đe dọa từ phía Trung Quốc. Hàng ngàn binh sỹ Mỹ và Philippines sẽ bắt đầu cuộc tập trận thường niên Balikatan kéo dài 10 ngày với quy mô gấp đôi trên biển Đông bắt đầu từ ngày 20/4 tới.

Truyền thông phương Tây cho rằng, đây là hoạt động thể hiện sự liên minh quốc phòng sâu rộng hơn giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc đang cải tạo phi pháp một cách đáng báo động trên biển Đông.

Theo Infonet