Dù số lượng các doanh nghiệp bán vốn nhà nước theo lô chưa nhiều nhưng giá trị bán lại rất lớn nên người ta e ngại những khoảng trống xuất hiện.
Việc tập đoàn Thai Group của ông Nguyễn Đức Thụy bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để mua trọn lô 52% cổ phần tại khách sạn Kim Liên do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán ra đã gây một cú sốc lớn trên sàn chứng khoán vì giá mua cuối cùng đã cao hơn giá bán khởi điểm tới chín lần. Người ta bàn nhiều vì cú đặt giá rất lớn này với một công ty kinh doanh khách sạn hàng năm chỉ lãi cao nhất hơn 20 tỉ đồng, có tổng tài sản chưa đầy 100 tỉ đồng. Nhưng ai cũng hiểu, giá trị của khách sạn Kim Liên là 3,5 héc ta đất thuê 50 năm với giá thuê rất rẻ và nếu các cổ đông đồng thuận, họ có thể kinh doanh kiếm lời từ đó.
Nhưng khoan vội nhìn cú trả giá nhảy vọt ở khách sạn Kim Liên để nhận định rằng, tại sao việc bán theo lô có lời đến thế mà phương thức bán này không được sớm áp dụng hơn?
Bởi ngay sau thời điểm bán cổ phần theo lô ở khách sạn Kim Liên, là đến đợt thoái 97% vốn nhà nước theo lô tại Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) với giá khởi điểm 1.250 tỉ đồng. Giá trúng đấu giá cuối cùng mà nhà đầu tư - Công ty TNHH Motor NA Việt Nam - mua được chỉ cao hơn giá khởi điểm có... 2 triệu đồng.
Trước phiên đấu giá này, giới thạo tin đã đặt câu hỏi về sự liên hệ giữa hai nhà đầu tư cùng đủ điều kiện đăng ký mua cổ phần Vinamotor là Công ty NA và Công ty cổ phần Phát triển TN. Cho dù đến nay, chưa có một bằng chứng nào cho thấy cổ đông của cả hai doanh nghiệp nói trên chính là một song dường như hai công ty này có quan hệ khá gắn bó. Công ty TNHH NA tài trợ nhiều hoạt động do BRG tổ chức và trên trang web của doanh nghiệp in nhiều logo của các công ty thuộc tập đoàn BRG hoặc có liên quan đến cổ đông lớn của tập đoàn BRG như SEA bank, khách sạn Hilton. Trong khi đó, Công ty TN là đơn vị quản lý tòa nhà Oriental Palace, một dự án do BRG phát triển và quản lý.
Mặt khác, người ta càng có quyền đặt câu hỏi khi cả hai doanh nghiệp nói trên đăng ký đấu giá, một doanh nghiệp mất công làm hồ sơ làm gì chỉ để trả đúng giá khởi điểm và doanh nghiệp còn lại, dường như “đoán” được điều này nên chỉ cần trả thêm 2 triệu là mua được trọn lô, thay vì chạy đua vất vả như cuộc đấu giá tại khách sạn Kim Liên.
Với hai dẫn chứng nêu trên, có thể thấy rằng, thoái vốn theo lô, dù đã diễn ra theo kịch bản nào thì cũng hấp dẫn. Hấp dẫn do bán được giá cao hoặc hấp dẫn với những nghi vấn chưa có lời đáp.
Vấn đề ở đây là Nhà nước thoái vốn theo lô không nhằm mục đích tung hàng ra thị trường để bán được giá cao nhất nhưng cũng không muốn món hàng mình mang ra lại trở thành các cuộc “dàn xếp” giữa các nhà đầu tư, hoặc dàn xếp giữa bên bán và bên mua. Cần làm sao kêu gọi được càng nhiều nhà đầu tư quan tâm với các quy định càng rõ ràng càng tốt.
Trong Quyết định 41/2015 và các văn bản hướng dẫn quy định đối tượng áp dụng là tất cả doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thuộc diện phải thoái vốn, chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCom do các bộ, ngành, UBND tỉnh và các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước quản lý. Như vậy, một đối tượng cũng cần được thoái vốn theo lô đã bị bỏ sót, đó là vốn đầu tư trên 51% của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các công ty con, công ty cổ phần. Ví dụ như vốn của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) tại nhiều công ty cổ phần, vốn của Vietnam Airlines tại nhiều công ty con. Nếu quyết định 41 không đưa việc thoái từ 51% vốn công ty mẹ nhà nước vào yêu cầu thoái vốn theo lô, để các doanh nghiệp này bán thỏa thuận thì khác nào “trốn” đấu giá qua sàn giao dịch?
Hơn nữa, thoái vốn theo lô cũng chỉ là một trong số các hình thức thoái vốn nhà nước nói chung và không phải với các doanh nghiệp, cứ bán theo hình thức này là đạt được hiệu quả cao nhất. Bởi không ai kiểm soát và yêu cầu nhà đầu tư giải trình về nguồn tiền lớn họ đã bỏ ra mua cả lô.
Muốn gì chăng nữa, không thể quên được mục tiêu lớn nhất là các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch và dần niêm yết trên sàn chứng khoán. Bởi chỉ có niêm yết trên sàn, trách nhiệm giải trình với cổ đông, cơ quan quản lý và đường đi của dòng tiền mua bán doanh nghiệp mới có thể được làm rõ.
Theo TBKTSG