Tìm lại niềm tin
Từng có thời gian dài bệnh nhân chưa hài lòng khi đến Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Nam– Cuba Đồng Hới (VN - CB ĐH) do chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) không đáp ứng yêu cầu, cả về trình độ chuyên môn, lẫn trang thiết bị. Vì thế, người dân thường vào Huế hoặc ra Hà Nội để điều trị.
“Chúng tôi xác định để lấy lại niềm tin của người dân, phải nâng cao chất lượng KCB. Vì thế, BV mạnh dạn xây dựng đề án mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc và được tỉnh ủng hộ. Điều này giúp thay đổi chất lượng KCB nhanh chóng, do các chuyên gia đều sẵn có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm” - BS.CKII. Dương Thanh Bình – Giám đốc BV Hữu nghị VN - CB ĐH - chia sẻ.
Đại sứ Herminio López Díaz trong lần đến thăm BV Hữu Nghị VN - CB ĐH do Chủ tịch Fidel Castro tặng
|
Thực tế, có mặt ở BV mới gần 2 năm, các chuyên gia Cu-ba đã thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật tim mạch, ung bướu, cột sống vv… giúp người dân được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại quê hương. Đặc biệt, phong cách phục vụ “chuẩn quốc tế” đang dần hình thành trong toàn BV.
GS. Piter Martinez Beniter - Trưởng nhóm chuyên gia công tác tại BV - cho biết ông làm việc ở BV từ đầu năm 2018 và đã cùng các thầy thuốc của BV Hữu Nghị VN - CB ĐH thực hiện gần 300 ca can thiệp tim mạch – một dấu ấn của BV trong những năm qua.
Piter là giáo sư chuyên về tim mạch và can thiệp tim mạch của Viện Tim mạch – Phẫu thuật tim mạch Havana (Cuba). Ông từng làm việc ở Venezuena, Guatemala và nhiều nước khác. Không chỉ trực tiếp KCB, ông còn giảng dạy và nghiên cứu khoa học với nhiều công bố quốc tế. GS. Piter đang từng bước giúp đỡ BV phát triển về can thiệp tim mạch, điện tim, siêu âm tim.
“Để BV phát triển về lĩnh vực tim mạch, phải đào tạo thêm cho bác sĩ và y tá. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh ở Việt Nam, mọi người ít quan tâm đến phòng bệnh, nên bệnh nhân tim mạch, huyết áp khá nhiều, mà lúc đến BV thì thường bệnh đã nặng nên khó kiểm soát”.
Nhóm chuyên gia cũng đang hỗ trợ BV phát triển về điều trị ung bướu, trong đó, vai trò chủ chốt là GS. Jesús De Los Santos Renó Céspedes. Ông là giáo sư hàng đầu về phẫu thuật ung bướu ở Viện Ung bướu Quốc gia Hanava. Trước khi đến Việt Nam, GS. Renó đã có 35 năm kinh nghiệm làm việc tại Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Úc, Mexico, Brazin, Panama, Ấn Độ vv…
Theo GS. Renó, ở Cuba, kỹ thuật hóa trị liệu ung bướu đã là thường quy, còn ở BV Hữu Nghị VN - CB ĐH mới chỉ chăm sóc giảm nhẹ. Vì thế, ban ngày, GS. Renó KCB cho người dân, tối đến, ông lại giảng dạy chuyên môn, nhất là về hóa trị liệu ung bướu cho các bác sĩ, với mong muốn BV phát triển lĩnh vực này trong thời gian ngắn nhất.
Các chuyên gia Cuba đang làm việc tại BV Hữu nghị VN - CB ĐH
|
Khác với Cuba, ở Việt Nam, số người mắc ung thư phổi, dạ dày, đại tràng rất nhiều. Các chuyên gia phải luôn phối hợp giữa các chuyên khoa, để có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. “BV cần xây dựng Liên khoa ung bướu – tim mạch, vì những bệnh này có mối liên quan. Tôi mong muốn BV Hữu Nghị VN - CB ĐH sẽ triển khai sớm và trở thành mô hình đầu tiên ở Việt Nam” - GS. Renó bày tỏ.
Trả lời câu hỏi của VietTimes về việc các chuyên gia có gặp khó khăn gì về trang thiết bị y tế hiện có của BV hay không, GS. Renó cho biết thiết bị y tế của BV được trang bị khá đầy đủ và hiện đại, thậm chí, hiện còn chưa khai thác hết các tính năng.
GS. Annet Ramos Plasencia – nữ chuyên gia duy nhất đang làm việc tại BV cởi mở: “Được làm việc với các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt. Họ chăm chỉ và có nhiều phương pháp sáng tạo, luôn biết vượt qua mọi thử thách. Hàng ngày, chúng tôi làm việc cùng nhau, trao đổi thông tin. Nếu biết tiếng Anh, họ sẽ học hỏi kinh nghiệm được nhiều hơn”.
GS. Piter Martinez Beniter - Trưởng nhóm chuyên gia công tác tại BV - trao đổi với báo chí
|
GS. Annet là thành viên Hiệp hội Nhi khoa Cuba với 24 năm kinh nghiệm. Có thế mạnh về kiểm soát nhiễm khuẩn nhi, bà mong muốn sẽ giúp cho BV Hữu Nghị VN - CB ĐH phát triển mạnh về nhi nhiễm.
Nhóm chuyên gia còn có GS. Crescencio Aneiro Alffonso, thành viên Hiệp hội thần kinh và phẫu thuật thần kinh Cuba – điểm tựa để BV phát triển về phẫu thuật thần kinh.
Với kinh nghiệm trong nội soi tiêu hóa, BSCKII. Mario Garcia Ayala vừa phục vụ người bệnh, vừa tiếp tục đào tạo các thầy thuốc ở BV Hữu Nghị VN - CB ĐH về chuyên ngành này.
Là chuyên gia có bề dày kinh nghiệm về chấn thương chỉnh hình ở nhiều nước, BS. Aracelio Pérez Guevara đã phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh rất phức tạp ở BV Hữu Nghị VN - CB ĐH. Còn BS. Alfredo Garcia Mirete lại có thế mạnh về phẫu thuật ung bướu, nên đã giành giật được nhiều người bệnh khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Mong muốn sẽ sớm thành hiện thực
Từ một nền y tế thuộc top đầu thế giới, các chuyên gia đã đến một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Bình làm việc, là một sự hy sinh đầy ân tình của họ. Mỗi năm, họ chỉ về thăm nhà một lần. Còn lại, họ liên tục bận rộn với những buổi khám bệnh, lịch mổ dày đặc. Nhưng, điều đặc biệt mà chúng tôi tận mắt chứng kiến là, với mỗi người bệnh, các chuyên gia đều chu đáo, yêu quý đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, như văn hóa, ngôn ngữ, khí hậu, nhưng họ tuyệt đối không phàn nàn, mà trò chuyện với chúng tôi, họ chỉ cười rất hiền: “Khó khăn nhất là nỗi nhớ nhà thường trực…”
Chuyên gia Cuba phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại BV Hữu Nghị VN - CB ĐH
|
Để “giữ chân” các chuyên gia, Giám đốc Dương Thanh Bình đã đề xuất với phía Cuba kéo dài thời hạn hợp đồng của các chuyên gia từ 2 năm lên 4 năm, đồng thời, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các chuyên gia làm việc, từ nơi ăn ở, làm việc, đến các cơ chế chính sách phù hợp nhất. BS. Bình còn cho biết, BV vẫn tiếp tục có kế hoạch mời thêm các bác sĩ Cuba sang làm việc.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia, với những nỗ lực tự thân mạnh mẽ như đã có, mục tiêu phát triển thành một BV đa khoa hoàn chỉnh của BV Hữu Nghị VN - CB ĐH chắc chắn sẽ thành hiện thực. Khi đó, không chỉ người dân địa phương, mà sẽ có thêm nhiều người nước ngoài tìm đến đây KCB, bởi Quảng Bình đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.
Với một chủ trương đúng cùng bước đi táo bạo, BV Hữu Nghị VN - CB ĐH đã không chỉ phục vụ tốt nhân dân địa phương, mà còn tiệm cận với chủ trương “dây rút ngược” mà Bộ Y tế đề ra, là kéo bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam KCB.