Cảnh giác với những loại ung thư chỉ ở trẻ em
PV: Thưa bác sĩ, quá đông bệnh nhân kéo đến nườm nượp khám chữa, điều trị ung thư mỗi ngày từ sáng sớm tại BV Ung bướu và dường như các bác sĩ gặp quá nhiều trường hợp buộc phải đối mặt với căn bệnh này ngay cả ở những người còn rất trẻ?
BS. Đặng Huy Quốc Thịnh: Trước đây, ung thư là loại bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Với từng loại ung thư khác nhau có đỉnh tuổi khác nhau, chẳng hạn ung thư tiền liệt tuyến thì đỉnh tuổi từ 65-75 tuổi, ung thư vú và ung thư cổ tử cung đỉnh tuổi từ 45-55 tuổi.
Phải thừa nhận rằng ngày nay ung thư xuất hiện ở người trẻ nhiều hơn so với trước kia. Chẳng hạn như căn bệnh ung thư vú ngày nay có thể gặp ở độ tuổi từ 25-30; ung thư cổ tử cung cũng đã gặp ở những phụ nữ trước 30 tuổi. Ung thư ở vùng miệng lưỡi trước đây hay gặp ở người trung niên hoặc cao tuổi, có thói quen hút thuốc, uống bia rượu, nhưng giờ đây đã gặp những ca ung thư lưỡi ở độ tuổi 20-30 tuổi, cả nam lẫn nữ.
Tuy ung thư có thể gặp ở người trẻ tuổi nhiều hơn nhưng không phải là hiện tượng nổi trội. Chưa có lý giải nào thực sự rõ ràng, nhưng có thể do các bệnh nhân này từ nhỏ đã tiếp xúc quá sớm với các tác nhân gây ung thư, như hút thuốc lá quá sớm, uống rượu quá sớm, tiếp xúc quá sớm với những thực phẩm không an toàn và có nhiều hóa chất như thuốc trừ sâu, diệt rầy...
Cũng có những loại ung thư chỉ gặp ở trẻ em, như ung thư nguyên bào võng mạc mắt chỉ gặp ở các bé dưới 5 tuổi, rất hiếm có bệnh nhân trên 5 tuổi; ung thư nguyên bào thận chỉ gặp ở những bé từ 5 đến dưới 10 tuổi. Rất cần các cha mẹ có ý thức về các loại bệnh này.
Đừng nghe lời các thầy “lang vườn”
PV: Điều đáng buồn là trong xã hội vẫn đang tồn tại những góc nhìn sai lệch về bệnh ung thư. Nhiều người vẫn nghĩ ung thư là án tử, đã chẩn đoán mắc ung thư là chết. Ngoài ra, còn những nhận thức sai lầm nào khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân ung thư, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh – Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
|
BS. Đặng Huy Quốc Thịnh: Đó chính là nguyên nhân một số bệnh nhân từ chối điều trị vì nghĩ rằng có phẫu trị, xạ trị, hóa trị hay làm gì thêm nữa thì cũng chết, mà các điều trị này đều đau đớn, có tác dụng phụ tác động nặng nề lên toàn bộ cơ thể.
Một số bệnh nhân khác thì nghĩ rằng ung thư mà “đụng dao kéo” thì sẽ di căn nhanh hơn, cho nên tự điều trị bằng các phương thức không chuẩn mực về mặt y khoa. Ví dụ như đắp lá cây cỏ, uống nước thánh, cúng bái dị đoan.
Trong thực tế, một khối ung thư mà đắp lá lên thì vô tình sẽ tạo điều kiện để tế bào ung thư phát triển nhanh hơn bình thường. Thực tế cho thấy khi các bệnh nhân này quay trở lại thì đều đã muộn, đáng tiếc là không thể cứu chữa được nữa.
Nhiều người nhịn đói, không cung cấp các chất bổ dưỡng vào cơ thể, do suy nghĩ muốn “bỏ đói” tế bào ung thư. Nhưng thực tế nếu thiếu chất bổ dưỡng, cơ thể bệnh nhân sẽ suy kiệt, không còn sức để chống chọi với căn bệnh.
Ung thư không phải là án tử. Nếu tầm soát đúng, phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị triệt để ngày nay cao hơn hẳn các trước kia.
PV: Để hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị hiệu quả, BV Ung bướu có những thiết bị, phương tiện hoặc các chiến lược đặc biệt nào thưa bác sĩ?
BS. Đặng Huy Quốc Thịnh: Là một trong các trung tâm ung thư đầu ngành của cả nước, nên BV Ung bướu được đầu tư ở mức độ cao nhất với các thiết bị hiện đại và đã chinh phục được nhiều kỹ thuật cao trong điều trị ung thư.
Chẳng hạn như với phẫu thuật ung thư vùng đầu cổ, bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình, vi phẫu tái tạo lại hình dạng cơ thể sau khi cắt bỏ ung thư; phẫu thuật tái tạo và bảo tồn hình dáng tuyến vú cho bệnh nhân, tùy theo từng giai đoạn bệnh.
Một số bệnh lý khác như phẫu thuật nội soi qua đường miệng cho các loại bệnh lý của tuyến giáp không để lại sẹo, phẫu thuật nội soi đường tiêu hóa, lồng ngực.
Về kỹ thuật xạ trị, mới đây, trong cuộc thi KHCN sáng tạo lần thứ nhất của TP.HCM, BV Ung bướu đoạt giải Ba với kỹ thuật xạ trị định vị thân SBRT, tránh được những biến chứng cho người bệnh nhưng đạt được kết quả điều trị tối đa.
BV Ung bướu đoạt giải Ba cấp thành phố (Giải thưởng KHCN sáng tạo lần thứ nhất của TP.HCM) với kỹ thuật xạ trị định vị thân
|
Hầu hết các loại thuốc hóa trị hiện đại nhất đều được nhập về. BV có đơn vị sinh học phân tử có thể giải mã gien phần lớn các loại ung thư thường gặp. BV Ung bướu có trang bị các máy MRI, máy xạ hình, CT, dự kiến cuối năm nay sẽ đầu tư PET-CT tại cơ sở 1. Ngoài ra, cơ sở 2 của BV Ung bướu đang xây dựng với các thiết bị tối tân nhất sắp hoàn thành, sẽ trở thành một trong những trung tâm điều trị ung thư lớn trong khu vực.
BV Ung bướu có mối quan hệ quốc tế tốt. Nhiều bác sĩ của BV Ung bướu đã được đào tạo ở các nước Mỹ, Nhật, Đức, Nga, Hàn Quốc… về các kỹ thuật điều trị ung thư hiện đại nhất. BV cũng có nhiều chương trình phối hợp với các BV lớn trên thế giới về chuyển giao công nghệ, huấn luyện đào tạo và hợp tác đa phương.
PV: Nhiều thiết bị hiện đại và phương pháp tiên tiến, nhưng bệnh nhân đa phần vừa chấp nhận phác đồ điều trị của bác sĩ, vừa uống thêm các loại thuốc gia truyền khác, bởi lối nghĩ “có bệnh thì vái tứ phương”. Theo bác sĩ, có nên điều trị kết hợp như vậy?
BS. Đặng Huy Quốc Thịnh: Bệnh nhân cần hiểu rằng chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học nào trên thế giới khẳng định các loại thuốc gia truyền có thể chữa khỏi ung thư.
Một số bệnh nhân ung thư đã được điều trị tây y, xạ trị, hóa trị tại bệnh viện, nhưng vẫn thấy có những khối còn nổi rõ, sau khi xuất viện về nhà thì uống thêm thuốc gia truyền, hoặc nghe người này người kia mách thì đi cúng bái, lễ lạt, vài tháng sau thấy mất cục bướu, nên rất tin tưởng vào các “thầy lang”, “thầy cúng” và các phương thức gia truyền.
Nhưng thực ra, bệnh nhân không hiểu rằng đó là diễn tiến hết sức tự nhiên của khoa học điều trị. Phải sau khi kết thúc điều trị vài tháng, các u bướu, khối ung thư mới có thể biến mất hoàn toàn.
Cho tới hiện tại, toàn bộ các phương thức không chuẩn mực về y khoa đều không được thế giới phê chuẩn.
PV: Thưa bác sĩ, bệnh nhân có được phép vừa điều trị theo phác đồ, vừa uống kèm các loại thảo dược như Nấm Linh Chi, Sâm đỏ, nghệ Nano, Fucoidan… ?
BS. Đặng Huy Quốc Thịnh: Về mặt khoa học thì chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định các loại thảo dược có thể chữa khỏi ung thư. Nhưng nói như thế không có nghĩa là bác bỏ tác dụng tăng cường thể lực của người bệnh khi dùng các loại thảo dược này bổ sung các dưỡng chất cần thiết, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, chi phí cho các loại thảo dược như Fucoidan, Nấm Linh Chi, Sâm đỏ, … đều rất tốn kém. Gia đình người bệnh phải tự cân nhắc chứ các bác sĩ không khuyến khích. Xin nói rõ rằng các thảo dược này có giá trị hỗ trợ thể lực bệnh nhân trong quá trình điều trị chứ không phải là thuốc điều trị để khỏi bệnh.
Thế hệ máy xạ trị hiện đại trong điều trị ung thư tại BV Ung bướu
|
Chuyện “cổ tích có thật”
PV: Thưa bác sĩ, dù thông tin khoa học đã khẳng định ung thư không phải là án tử nhưng thực tế quá khắc nghiệt vẫn khiến nhiều bệnh nhân khó tìm thấy niềm tin sống khi mắc bệnh ung thư?
BS. Đặng Huy Quốc Thịnh: 30 năm công tác tại BV Ung bướu tôi đã chứng kiến những thay đổi vượt bậc trong khoa học điều trị ung thư. Ngày càng thấy tỷ lệ điều trị triệt để thành công cao hơn trước.
Cách đây hơn 20 năm, tôi từng điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị H. hồi đó mới 18 tuổi bị ung thư phần mềm. Sau khi xuất viện hai năm, bệnh nhân này quay lại và đã bị di căn xương cột sống. Nếu không can thiệp đúng mức, đúng kỹ thuật thì bệnh nhân sẽ liệt tủy sống, nằm liệt trong thời gian cuối đời; thậm chí có thể di căn sang các bộ phận khác, ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng.
Vậy mà sau quá trình điều trị xạ trị vào vùng di căn xương cho bệnh nhân, thật kỳ diệu là đôi chân bị liệt của cô gái trẻ dần hồi phục. Bệnh nhân H được xuất viện nhưng tôi cũng không thể đoán được tương lai của cô gái trẻ sẽ ra sao.
Thật bất ngờ, chừng sáu, bảy năm sau tôi gặp lại H. thì thấy cô khỏe mạnh, vui vẻ báo tin đã lập gia đình và là mẹ của hai đứa trẻ. Lúc điều trị cho bệnh nhân này, tưởng chừng tuyệt vọng, vậy mà H đã may mắn chiến thắng ung thư. Cho đến hiện tại câu chuyện về H dường như vẫn là “cổ tích có thật”.
Bên cạnh việc bất lực trước các tình huống ung thư đã quá trễ, thì vẫn có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo này nhờ phát hiện sớm. Giành lại niềm vui sống và hạnh phúc bình dị mà biết bao người bình thường có thể có được chính là động lực để các bác sĩ ngành y tiếp tục cống hiến.