Bài 1: Hội chứng Tic gia tăng ở trẻ - "thủ phạm” là Internet?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Số trẻ bị bệnh Tic nhập viện gần đây tăng cao so với thời gian trước, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nhiều trẻ bị nặng với các biểu hiện rung giật toàn thân, mệt mỏi, căng thẳng.

Số các bé đến khám bệnh Tic ở Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày 10-15 cháu
Số các bé đến khám bệnh Tic ở Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày 10-15 cháu

Nhiều người mới lần đầu nghe đến bệnh Tic, nhưng thời gian qua, số trẻ mắc bệnh này nhập viện gia tăng, cả khu vực phía nam lẫn phía bắc. Một số bệnh viện nhi ở phía nam đã đưa ra cảnh báo về việc có trường hợp quá nặng phải nhập viện điều trị dài ngày, dễ gây các biến chứng thần kinh.

Bác sĩ Nguyễn Thành Danh - Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM - cho biết những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều rối loạn Tic ở trẻ em, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường.

Trên mạng xã hội, một số tài khoản của các bác sĩ ở phòng khám tư cũng đưa các clip về bệnh nhi bị Tic khá nặng và giải thích nguyên nhân là do nghiện game online/internet.

Các cháu bé bị Tic có các biểu hiện không kiểm soát được cơ thể với sự rung giật cơ toàn thân, hoặc mắt. Có cháu nằm đờ đẫn trên ghế, tay phải để tư thế như đang cầm điện thoại, còn tay trái liên tục vuốt vuốt vào không khí như vuốt màn hình điện thoại. Có bé tầm 5-6 tuổi bị nháy mắt, giật cơ hàm, lắc đầu kéo miệng lặp đi lặp lại không kiểm soát. Có bạn 16 tuổi giật mạnh cả hàm, mắt, nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, có lúc còn la hét, nói tục.

Theo BS. Nguyễn Thị Thùy Vân - Khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng I - thông thường khi cha mẹ nghe con bị rối loạn Tic thì rất bất ngờ, do chưa từng nghe đến bệnh này. Trẻ mắc rối loạn Tic thường do cha mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, internet, chơi game, chơi ipad... quá nhiều.

VT_ Tic2.jpeg
Ths. Bác sĩ nội trú Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương - đang khám cho trẻ mắc hội chứng Tic

Trao đổi với VietTimes, Ths. Bác sĩ nội trú (BSNT) Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: Mỗi ngày, Khoa Tâm thần khám cho 10-15 cháu bị Tic - một con số không hề ít.

Theo Ths. Quyết, Tic là những vận động hoặc âm thanh không hữu ý, xuất hiện nhanh, đột ngột, tái diễn, không có nhịp điệu. Cả Tic vận động và âm thanh có thể biểu hiện bằng các dạng đơn giản hoặc dạng phức tạp.

Tic đơn giản và phức tạp gặp khá phổ biến, chiếm từ 6%-20% ở trẻ em, còn Tic vận động thường khởi phát từ 3-8 tuổi. Tic thường gặp ở trẻ trai hơn trẻ gái với tỷ lệ khoảng 2 đến 4 lần. Tic thường trầm trọng nhất trong khoảng sau 10 tuổi và sau đó giảm dần ở cuối tuổi vị thành niên.

TS. Nguyễn Doãn Phương - Trưởng Khoa Sức khoẻ Tâm thần Bệnh viện Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng xác nhận Tic là bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biến là ở trẻ em, với các động tác và lời nói định hình. Có Tic nhất thời - diễn ra trong một giai đoạn ngắn, có Tic mạn tính là lời nói không kiểm soát và Tic hỗn hợp là kết hợp cả Tic lời nói với Tic vận động.

Cũng theo TS. Phương, từ sau dịch COVID-19, số bệnh nhân đến khám, điều trị ở Khoa Sức khoẻ Tâm thần tăng cao.

A222.png
Ảnh minh họa

Cháu Nguyễn Minh M. 14, tuổi ở Phú Yên, được đưa đến bệnh viện với tình trạng bị Tic hỗn hợp khá nặng.

Cháu bị rung giật cơ toàn thân, có lúc còn có hành động tự gây hại cho mình và luôn trong tình trạng rất mệt mỏi, suy kiệt. Mẹ cháu cho biết, đợt dịch COVID-19, cháu ở nhà học online nhiều, sau đó cháu tiếp tục chơi các trò chơi trên internet, mà gia đình không kiểm soát được, do vẫn nghĩ cháu học. Đến khi thấy cháu bị rung giật cả tay, chân và đầu, mới đưa cháu ra Hà Nội khám.

Chị Bùi Thị Lan ở Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, con trai chị mới 12 tuổi, liên tục bị nhếch miệng, nháy mắt và liếc mắt lặp đi lặp lại. Ba bốn tháng gần đây, cháu còn bị rung giật mạnh đầu. Đi khám một số nơi nhưng bác sĩ không xác định được bệnh, nên chị mới quyết định đưa ra Hà Nội để khám và điều trị. Bác sĩ kết luận cháu bị Tic do chơi trò chơi điện tử quá nhiều.

Còn ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, các bác sĩ cho biết mỗi tháng có khoảng 90-100 trẻ đến khám bệnh Tic với các triệu chứng lắc đầu, cổ, giật đầu … Các bệnh nhân đều có đặc điểm chung là tiếp xúc với TV, điện thoại quá nhiều thời gian mỗi ngày. Một số trường hợp dùng thuốc sau một thời gian ngắn có thể hồi phục. Nhưng cũng có những trường hợp vẫn tái phát, buộc phải nhập viện.

Theo các chuyên gia, các loại Tic có những biểu hiện không giống nhau: Tic đơn giản liên quan đến một nhóm cơ hoặc âm thanh đơn giản. Tic âm thanh đơn giản bao gồm: Thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét… Tic vận động đơn giản bao gồm: Nháy mắt, chun mũ Tic âm thanh phức tạp bao gồm nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh. Tic vận động phức tạp bao gồm hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn…

Hầu hết các bệnh nhân Tic đều dưới 18 tuổi, trong đó, khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học, mà trẻ ở độ tuổi 11-12 thường bị nặng hơn.

Đón đọc bài 2: Các chuyên gia nói gì?

.