Ngày 18/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2017, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giao lưu “Báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội”.
Tham dự buổi giao lưu có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện đơn vị truyền thông của các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường cùng đông đảo phóng viên và sinh viên tới từ các trung tâm đào tạo báo chí.
Tại buổi giao lưu, ông Hồ Quang Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, cho biết cuộc tọa đàm chọn ba chủ đề y tế, giáo dục, môi trường bởi trong năm vừa qua có nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực này trở thành điểm nóng trên báo chí như vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường, rượu chứa methanol, các vụ việc xâm hại trẻ em…
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết khoảng 3 năm trước đây, Bộ Y tế có gặp những trường hợp khủng khoảng truyền thông. Sau đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cấp coi truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Hiện, ngành y tế đã xây dựng được các tuyến để phối hợp cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bộ Y tế đang tiến hành tập huấn về kỹ năng truyền thông cho giám đốc các bệnh viện cũng như lãnh đạo sở. Bộ cũng chỉ đạo các bệnh viện lớn xây dựng các trung tâm quan hệ công chúng, báo chí.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết các cơ quan thuộc Bộ luôn lắng nghe những ý kiến phản biện từ báo chí, coi đó là thông tin quan trọng giúp điều chỉnh chính sách để đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của người dân, các em học sinh, sinh viên.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng báo chí luôn đồng hành cùng Bộ để giải quyết những bức xúc của dư luận cũng như chia sẻ thông tin từ cơ quan quản lý đến người dân và ngược lại để chính sách giáo dục được tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho rằng báo chí cũng không nên vì lượng truy cập mà làm méo mó sự thật.
Ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2016, Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để bạn đọc hiểu được công việc đang làm cũng như giải thích những việc chưa làm được. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng được mạng lưới để chia sẻ với các đầu mối thông tin kịp thời.
Tuy nhiên, hiện nay, có một số tờ báo dùng mọi cách để câu view, tăng số lượng quảng cáo, đã đưa thông tin sai lệch, cùng với đó, việc lan truyền rộng rãi các thông tin độc hại trên mạng xã hội khiến công chúng khó xác định thông tin thật – giả. Do vậy, theo lãnh đạo một số cơ quan báo chí, yếu tố cần quan tâm nhất hiện nay với báo chí là lấy lại niềm tin của công chúng. Vai trò của nhà báo không chỉ là săn tin mà cần thẩm định nguồn tin. Nhà báo cần phải xác định thông tin mà mình nhận được có chính xác không, có lợi ích cho công chúng hay không, từ đó mới quyết định việc nên đưa thông tin đó rộng rãi hay không.
Dẫn chứng vụ việc “nước mắm nhiễm arsen”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền, cho rằng vai trò của nhà báo không chỉ săn tin mà quan trọng hơn là thẩm định nguồn tin và đánh giá thông tin ấy khi công khai trên báo chí thì có tác động như thế nào đến đời sống, sản xuất.
“Tôi cảm giác đang có tình trạng nhiều vụ việc “bị đơ”, khi báo chí phản ánh rất nhiều nhưng các cơ quan chức năng lại không kịp thời vào cuộc để giải quyết”, ông Dững chia sẻ.