An ninh gắt gao như ĐHĐCĐ Vinaconex

VietTimes – Tương tự phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, phiên họp ĐHĐCĐ năm 2020 của Vinaconex tiếp tục diễn ra trong bối cảnh an ninh thắt chặt. Để vào được phòng họp, các cổ đông phải trải qua nhiều vòng kiểm tra.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ Vinaconex 2020
Toàn cảnh ĐHĐCĐ Vinaconex 2020

Sáng nay (29/6), Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020. Đây là phiên họp được truyền thông và thị trường đặc biệt quan tâm.

Tương tự năm trước, phiên họp được tổ chức tại trụ sở Vinaconex trên đường Láng Hạ (Hà Nội) tiếp tục diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Để vào được phòng họp, các cổ đông phải trải qua nhiều vòng kiểm tra.

Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Vinaconex diễn ra trong bối cảnh an ninh
Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Vinaconex diễn ra trong bối cảnh an ninh "thắt chặt"

Các cổ đông tham dự đại hội được hướng dẫn kiểm tra thông tin ngay từ cửa ra vào, có lối đi riêng, sử dụng thang máy riêng để lên phòng họp ở tầng số 21. Tại đây, các cổ đông tiếp tục được kiểm tra tư cách cổ đông thêm 1 lần nữa, được cấp thẻ và đánh số vị trí ghế ngồi. 

"Hơn cả họp quốc hội. Mấy vòng kiểm tra" - một nữ cổ đông bày tỏ.

Theo cập nhật từ ĐH đang diễn ra, có dấu hiệu phá sóng điện thoại và sóng internet. ĐH năm ngoái cũng xảy ra hiện tượng "phá sóng", khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Doanh nghiệp xây lắp muốn xoay trục đầu tư

Kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, số lượng cổ đông tham gia đại hội được báo cáo lần đầu tương ứng với 88,9% vốn điều lệ của Vinaconex.

Các cổ đông đã biểu quyết thông qua loạt nội dung để bắt đầu đại hội như Đoàn Chủ tịch, ban thư ký, Ban kiểm phiếu biểu quyết, chương trình đại hội và quy chế làm việc. 

Vinaconex chinh phục niềm tin các cổ đông?
Vinaconex chinh phục niềm tin các cổ đông?

Tại đại hội, HĐQT Vinaconex trình cổ đông kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2020 là 9.530 tỷ đồng, giảm gần 4% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận sau thuế ước đạt 820 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019, chủ yếu đến từ công ty mẹ. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2020 là 12% và cho năm 2019 là 6%.

Trình bày báo cáo tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông cho biết Vinaconex sẽ từng bước nâng cao tỷ trọng đầu tư kinh doanh bất động sản trong cơ cấu doanh thu của tổng công ty. 

Năm 2019, doanh thu của Vinaconex đạt 9.891 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận đạt 787 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2018. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, khi mảng xây lắp có dấu hiệu "hụt hơi".

Tại báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận khác của công ty tăng 45 tỷ đồng so với năm 2018 do công ty hoàn nhập dự phòng bảo hành các tòa chung cư, lãi do thanh lý tài sản cố định và xây dựng cơ bản dở dang.

Dòng tiền kinh doanh âm của Vinaconex

Đáng chú ý, công ty mẹ Vinaconex ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 1.123 tỷ đồng trong năm 2019, nguyên nhân đến từ sự đột biến về khoản phải thu, hàng tồn kho và khoản phải trả. Ở chiều hướng ngược lại, công ty thu tiền từ đi vay là 2.980 tỷ đồng trong năm 2019, gần gấp 3 lần năm 2018.

Còn trên báo cáo hợp nhất, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex âm tới 1.493,1 tỷ đồng năm 2019 (cùng kỳ năm trước âm hơn 50 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản phải thu trong năm 2019 tăng mạnh, lên tới 2.417 tỷ đồng, trong khi cả năm 2018 cũng mới chỉ tăng hơn 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vinaconex còn có các khoản trả trước người bán cho các doanh nghiệp "lạ", mới thành lập như: Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Royal Hà Nội (Royal Hà Nội) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Long Việt (Long Việt).

Ngoài ra, HĐQT Vinaconex cũng trình cổ đông thông qua việc chuyển sàn niêm yết HOSE.

Người của Hùng Túy rút khỏi Ban Kiểm soát Vinaconex

Tài liệu cho cổ đông dự họp được cung cấp tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; HNX: VCG) đã cho thấy một thông tin rất đáng chú ý: Đơn từ chức thành viên Ban Kiểm soát của ông Trần Trung Dũng.

“Vì lý do hoàn cảnh cá nhân, tôi không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Thành viên Ban Kiểm soát Tổng công ty Vinaconex”, đơn xin từ chức của ông Dũng viết.

Tại tờ trình 0940/2020/TTr-HĐQT gửi tới các cổ đông (không đề ngày lập), HĐQT Vinaconex đã trình các cổ đông thông qua đơn từ chức trên và bầu bổ sung kiểm soát viên nhiệm kỳ 2017– 2022. Tuy nhiên chưa rõ ứng viên này là ai và là đại diện của nhóm nào.

Được bổ sung vào Ban Kiểm soát Vinaconex tại phiên ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, ông Trần Trung Dũng được cho là người của nhóm Hùng Túy (Tập đoàn Picenza), đại gia nội thất nổi tiếng tại thủ đô Hà Nội.

Lý lịch của ông Trần Trung Dũng thời điểm đó cho biết, trước ngày vào Ban Kiểm soát VCG, ông này là Trưởng bộ phận kế toán xây dựng cơ bản của Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam. “Nhóm Hùng Túy chắc có góp vốn nên mới cử người vào như vậy để giám sát”, một thành viên thị trường từng đặt vấn đề.

Người của Hùng Túy rút khỏi Ban Kiểm soát Vinaconex
Người của Hùng Túy rút khỏi Ban Kiểm soát Vinaconex
Tờ Trình miễn nhiệm ông Trần Trung Dũng không đề ngày tháng lập và cũng không dự kiến ứng viên thay thế
Tờ Trình miễn nhiệm ông Trần Trung Dũng không đề ngày tháng lập và cũng không dự kiến ứng viên thay thế

Hùng Túy là một trong những đại gia được thị trường đồn đoán là đã góp vốn cùng “cá bé” An Quý Hưng tạo nên thương vụ thâu tóm kinh điển “cá lớn” Vinaconex. Không kể phần đứng chung này, có nguồn tin còn cho biết, nhóm Hùng Túy – thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Picenza Việt Nam và một lãnh đạo công ty này (ông Nguyễn Văn Hùng) – đã gom vào lượng cổ phiếu VCG lớn, tương đương với 7,8% vốn điều lệ Vinaconex.

Động thái từ nhiệm của đại diện Trần Trung Dũng chưa rõ có phát đi tín hiệu về sự thoái lui của nhóm Hùng Túy trong“game” Vinaconex hay không. Nếu đúng, thì đây là một diễn biến rất đáng chú ý, đặc biệt về sự bền vững của liên minh An Quý Hưng.

Đảo người chứ không phải rút!

Cập nhật mới nhất từ Đại hội cho thấy, ứng viên thay thế ông Trần Trung Dũng tham gia Ban Kiểm soát Vinaconex cũng là một người của Hùng Túy, cụ thể là ông Nguyễn Mạnh Quỳnh.

Ông Quỳnh sinh năm 1987, hiện là Kế toán tổng hợp mảng Bất động sản của CTCP Tập đoàn Picenza Việt Nam.

Như vậy có nghĩa, nhóm Hùng Túy chỉ thay đại diện tại Ban Kiểm soát Vinaconex chứ không phải là rút người. Qua đó, có thể hiểu rằng, đại gia nội thất Hùng Túy vẫn là một tay chơi của "game" Vinaconex./.