"Ấn Độ rơi nước mắt": Số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao kỷ lục, bình oxy cạn kiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao kỷ lục thế giới, 314.835 ca, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ hai có nguy cơ khiến cho hệ thống y tế nước này sụp đổ.
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày ở mức kỷ lục thế giới trong hôm 22/4 (Ảnh: API)
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày ở mức kỷ lục thế giới trong hôm 22/4 (Ảnh: API)

Giới chức y tế ở phía Bắc và phía Tây Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi, cho hay họ đang trong tình trạng khủng hoảng khi mà phần lớn các bệnh viện đã bị lấp đầy và bình oxy cạn kiệt.

Một số bác sĩ thậm chí khuyên bệnh nhân ở nhà, trong khi nhà tang lễ ở thành phố Muzaffarpur nói rằng họ phải tiếp nhận lượng lớn người chết, một nhà tang lễ khác ở Đông Delhi còn phải dựng các dàn hỏa táng ngay trong bãi đậu xe.

“Ngya ở hiện tại, chúng ta không có giường bệnh, không có bình dưỡng khí. Mọi thứ khác đều là thứ yếu” – Shadid Jameel, một chuyên gia virus học và là Giám đốc trường ĐH Khoa học sinh học Ashoka, nói.

6 bệnh viện ở New Delhi đã cạn bình oxy, theo thông báo mà chính quyền thành phố công bố, trong khi các bang lân cận cũng phải giữ vững kho dự trữ để phục vụ cho nhu cầu của riêng họ.

“Điều này khiến cho các bệnh viện rất khó cứu được mạng sống của bệnh nhân” – Manish Sisoda, Phó Thủ hiến New Delhi, nói trên truyền hình.

Chỉ tính riêng trong hôm 22/4, đã có thêm 2.101 người chết do COVID-19 ở Ấn độ, khiến tổng số ca tử vong do dịch ở nước này tăng lên 184.657; theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ. Con số kỷ lục trước đó được ghi nhận ở Mỹ, khi 297.430 ca nhiễm mới xuất hiện chỉ trong một ngày trong tháng 1 năm nay, mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh kể từ sau đó giảm mạnh.

“Ấn Độ lau nước mắt”

Số ca nhiễm tăng đột biến ngay giữa lúc Ấn Độ thiếu nguồn cung bình dưỡng khí (Ảnh: SCMP)

Số ca nhiễm tăng đột biến ngay giữa lúc Ấn Độ thiếu nguồn cung bình dưỡng khí (Ảnh: SCMP)

Kênh truyền hình Ấn Độ chiếu hình ảnh nhiều người dân với bình oxy trống rỗng đang chen chúc nhau trong các cơ sở y tế để chờ được nạp đầy, với hy vọng cứu người thân của mình trong bệnh viện.

“Thật bất lực”, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Menon Rao viết trên Twitter. “Ấn Độ lau nước mắt”.

“Chúng tôi chưa từng nghĩ một làn sóng dịch thứ hai lại ảnh hưởng nặng nề đến vậy” – Kiran Mazumdar Shaw, Chủ tịch của công ty chăm sóc sức khỏe Biocon, viết trên tờ Economic Times – “Sự tự mãn đã dẫn tới tình trạng thiếu trầm trọng thuốc men, nguồn cung y tế và giường bệnh”.

Người đứng đầu cơ quan y tế New Delhi, Satyendar Jain, nói rằng thành phố này cần thêm khoảng 5.000 giường bệnh chăm sóc tích cực.

Không chỉ ở Ấn Độ, tình trạng số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, đáng chú nhất là ở Nam Phi, cũng đang đe dọa hệ thống y tế của nhiều nước khác. Trung Quốc cho hay họ sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ, mặc dù chưa rõ là hỗ trợ về mặt nào.

Hiện chỉ có một bộ phận nhỏ người dân Ấn Độ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chính quyền nước này tuyên bố rằng vaccine sẽ sẵn có đối với bất cứ người nào trên 18 tuổi bắt đầu từ ngày 1/5/2021, nhưng giớichuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ không đủ vaccine để tiêm hết cho 600 triệu người dân trên 18 tuổi.

Giới chuyên gia y tế nói rằng Ấn Độ đã thiếu cảnh giác trong khoảng thời gian mùa Đông năm ngoái, khi mà số ca nhiễm hàng ngày vào khoảng 10.000 và dường như đã được kiểm soát. Bởi điều này mà họ đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế quá sớm, cho phép người dân tụ họp đông.

Thêm chủng biến thể nguy hiểm

Các chủng biến thể COVID-19 có sức lây lan nhanh hơn, đặc biệt là chủng biến thể “đột biến kép” bắt nguồn từ Ấn Độ, là tác nhân chính khiến số ca nhiễm tăng mạnh, nhưng nhiều người cũng đổ lỗi cho các chính trị gia.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã ra chỉ thị kéo dài lệnh phong tỏa, nhưng sau đó bắt đầu nhận ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Trong những tuần gần đây, chính phủ Ấn Độ hứng chỉ trích vì tổ chức nhiều cuộc vận động chính trị tập trung đông người để phục vụ cho bầu cử địa phương, và cho phép tổ chức một lễ hội Hindu quy tụ hàng triệu người tham gia.

“Làn sóng dịch thứ hai là hậu quả của sự tự mãn và các cuộc tụ tập đông người. Đừng đổ lỗi cho một chủng biến thể mới đã gây ra làn sóng thứ hai này” – Ramanan Laxminarayan thuộc Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế và Chính sách ở New Delhi, nói.

Tuần này, Thủ tướng Modi đã hối thúc chính quyền các bang sử dụng lệnh phong tỏa như một biện pháp cuối cùng. Ông yêu cầu người dân ở trong nhà và nói rằng chính phủ đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung vaccine, oxy.

Madhukar Pai, Giáo sư chuyên ngành bệnh dịch học tại ĐH McGill ở Canada, nói rằng Ấn Độ là một câu chuyện răn đe đối với toàn thế giới. “Nếu chúng ta tuyên bố thành công quá sớm, mở cửa mọi thứ, và không tiêm vaccine một cách nhanh chóng, các chủng biến thế mới sẽ rất hủy diệt” – ông nói.