Ấn Độ phản ứng gì sau phán quyết Biển Đông của Tòa thường trực Liên Hợp Quốc?

VietTimes -- Trang Sputnik cũng dẫn lời của N N Jha, từng là một nhà ngoại giao của Ấn Độ cho hay: “Quyết định của Tòa án quốc tế có ý nghĩa quan trọng nhưng..."
Biển Đông là cửa ngõ ra vào Ấn  Độ Dương - nơi New Delhi coi là sân sau của mình (hình minh họa: Hải quân Ấn Độ)
Biển Đông là cửa ngõ ra vào Ấn Độ Dương - nơi New Delhi coi là sân sau của mình (hình minh họa: Hải quân Ấn Độ)

Tờ Spunik đã dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Vikas Swarup :“Ấn Độ đã ghi nhận tuyên bố của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục chương 7, Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 về vấn đề liên quan đến Philippines, Trung Quốc và nước này đang nghiên cứu cẩn thận.”

Trước đó, Tòa trọng tài The Hauge đã bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Tòa trọng tài thường trực tuyên bố vào thứ Ba vừa qua rằng : “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong yêu sách "đường chín đoạn".” 

Ông Rajeswari Rajagopalan, chuyên gia cao cấp tại Quỹ nghiên cứu quan sát đã trả lời phỏng vấn của tờ Sputnik : “Rõ ràng đây là một cú tát đối với Trung Quốc, nhưng tôi cho rằng đây là điều mà họ đã chuẩn bị từ trước. Họ biết rằng những tuyên bố của họ sẽ là vô giá trị và không hợp pháp. 

Tuyên bố của họ trên Biển Đông dựa trên những dẫn chứng lịch sử không xác thực và điều này không có giá trị đối với Tòa quốc tế. Đây là một chiến thắng lớn đối với Philippines vì rõ ràng lời phán quyết nhấn mạnh chủ quyền của Philippines đã bị xâm phạm, quyền đánh bắt cơ bản của họ bị Trung Quốc cản trở...

Tờ Sputnik cũng dẫn lời của N N Jha, từng là một nhà ngoại giao của Ấn Độ cho hay: “Quyết định của Tòa án quốc tế có ý nghĩa quan trọng nhưng điều được trông chờ nhất vẫn là thái độ của Trung Quốc. Trung Quốc rất hung hăng và có tính sở hữu cao về Biển Đông, nên nước này sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Hiện nay Mỹ và đồng minh của họ, cùng với các quốc gia ven biển khác sẽ tạo áp lực cho Trung Quốc buộc phải tuân theo phán quyết của Tòa án quốc tế.”

Trung Quốc vẫn hết sức cứng rắn về lập trường ban đầu và lên án phán quyết của tòa án quốc tế. Nước này nói rằng họ không chấp nhận và không công nhận bản án của tòa The Hauge. 

Theo Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc :“ Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ cái gọi là "chủ quyền, an ninh, quyền hàng hải và lợi ích quốc gia", và "Trung Quốc sẽ đương đầu với mọi lời đe dọa, thử thách.”

Trung Quốc đã tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" theo tấm bản đồ tự vẽ và xuất bản năm 1947 - yêu sách này cũng đã bị các quốc gia khác coi là vi phạm Luật biển Liên hợp quốc. 

Năm ngoái, Philippines đã khởi kiện tuyên bố của Trung quốc, sử dụng Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 được ký kết bởi cả Philippines và Trung Quốc làm căn cứ khởi kiện Bắc Kinh ra tòa.