Minh Kính, Hồng Kông: Phán quyết PCA đã đẩy Trung Quốc vào tình thế “bị động chiến lược”.

VietTimes -- Tờ Minh Kính Hồng Kông ngày 12/7 cho rằng, đây là một thất bại to lớn của Bắc Kinh, đẩy Bắc Kinh vào tình cảnh “bị động chiến lược”. 
Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Tự do, Đài Loan.
Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Tự do, Đài Loan.

Ngày 12/7, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Phán quyết của PCA phủ định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Phán quyết của PCA còn khẳng định các thực thể ở quần đảo Trường Sa là những bãi đá, do đó nó không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). Đồng thời, PCA kết luận Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ của một nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Đây thực sự là một thắng lợi to lớn của Philippines và một chiến thắng lịch sử của cộng đồng quốc tế trước mưu toan biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.

Tờ Minh Kính Hồng Kông ngày 12/7 cho rằng, đây là một thất bại to lớn của Bắc Kinh, đẩy Bắc Kinh vào tình cảnh “bị động chiến lược”. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU. Ảnh: Chinanews
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU. Ảnh: Chinanews

Trước thất bại này, Bắc Kinh đã tỏ thái độ bất mãn, tuyên bố bất chấp luật pháp quốc tế, ra sức phê phán phán quyết minh bạch, công bằng, hợp pháp của PCA, đồng thời đưa ra tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.

Ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết, cũng trong ngày 12/7, Trung Quốc đã đưa ra một loạt tuyên bố cứng rắn.

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc đã ngang nhiên nói: “Các đảo trên Biển Đông từ xưa đến nay đã là "lãnh thổ Trung Quốc". Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của PCA trong bất cứ tình hình nào. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết của PCA…”.

Ông Tập Cận Bình cũng đưa ra các tuyên bố về “bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông”, đồng thời tái khẳng định yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng con đường “đàm phán” (song phương). 

Trong khi đó, Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cũng nói lại quan điểm của ông Tập Cận Bình, đồng thời kêu gọi nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan cùng bảo vệ cái gọi là "tài sản tổ tông” ở Biển Đông. 

Lục Khảng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Lục Khảng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ngoài ra, Lục Khảng lập luận cho rằng "PCA che đậy sự thật “Philippines xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc”". Việc thành lập PCA cũng do một thẩm phán người Nhật, ý là cho rằng ông này thiên vị, nên Trung Quốc mới nhận được một phán quyết không công bằng. 

Lục Khảng mặc nhiên lặp lại quan điểm của Bắc Kinh nói rằng việc thành lập PCA không hợp pháp, PCA đã “vượt quyền”, cho nên phán quyết “vô giá trị”. 

Trong phản ứng của Bắc Kinh, đáng chú ý, Bộ Ngoại giao nước này đã đưa ra đến hai “tuyên bố”, một cái tuyên bố về phán quyết của PCA và một cái tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” và “quyền lợi biển” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuyên bố về phán quyết của PCA

Khi đưa ra tuyên bố về phán quyết của PCA đối với vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh nhìn lại các thời điểm quan trọng diễn ra vụ kiện của Philippines và những việc họ đã làm để bảo vệ cho yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp.

Bắc Kinh lại trình bày các quan điểm cũ nhằm khẳng định PCA không có “thẩm quyền” đối với vụ kiện của Philippines, nhất là việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố theo Điều 298 để tránh ảnh hưởng đến việc áp đặt yêu sách “đường chín đoạn” sau này của họ. Điều này thể hiện sự “khôn lỏi” trong việc lợi dụng luật pháp quốc tế. 

Bắc Kinh ra sức chỉ trích PCA – Tòa trọng thường trực Liên hợp quốc, chỉ trích PCA (gồm những thẩm phán uy tín trên thế giới) có nhiều yếu kém trong khâu xử lý, thụ lý vụ kiện. 

Bắc Kinh chỉ trích một cách thiếu cơ sở, tạo điều kiện để lập luận rằng, phán quyết của PCA là “không công bằng”, thậm chí “bất hợp pháp”.

Trung Quốc khẳng định lại họ sẽ không chấp nhận bên thứ ba tham gia giải quyết tranh chấp Biển Đông, tức là “kiên trì cùng các nước đương sự liên quan trực tiếp… giải quyết tranh chấp… bằng đàm phán”.

Tuyên bố đòi “chủ quyền” và “quyền lợi biển”

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói: “Bất kể kết quả trọng tài thế nào, 	Quân đội Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, ứng phó mọi mối đe dọa, thách thức”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói: “Bất kể kết quả trọng tài thế nào, Quân đội Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, ứng phó mọi mối đe dọa, thách thức”.

Khi đưa ra tuyên bố khẳng định cái gọi là “chủ quyền”, Trung Quốc vẫn nhắc lại các quan điểm cũ, đặc biệt là thể hiện trong “Văn kiện lập trường” (tháng 12/2014). Trung Quốc đưa ra tài liệu này nhằm phản bác PCA không có “thẩm quyền” đối với vụ kiện của Philippines trong thời điểm trước đây. 

Bắc Kinh tuyên bố, họ đã “thu hồi các đảo ở Biển Đông bị Nhật Bản xâm chiếm” bất chấp thực tế lịch sử được ghi nhận là từ thời đại nhà Nguyễn, Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng các văn bản pháp lý đường hoàng và vẫn còn được lưu giữ.

Và Bắc Kinh cũng cũng cố tình quên luôn lịch sử của chính Trung Quốc, thể hiện rõ trong các bản đồ của triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc – nhà Thanh. Bản đồ của họ khẳng định như đinh đóng cột rằng cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. 

 

                                                             Diễn biến vụ kiện

-20/8/2013, Tòa Trọng tài đưa ra án lệnh số 1 thông qua Quy tắc tố tụng của vụ kiện.

-27/8/2013, Tòa Trọng tài đưa ra án lệnh số 2: 30/3/2014 Philippines phải  nộp bản lập luận.

-16/12/2014 Trung Quốc phải nộp bản phản biện.

-28/2/2014, Philippines đề nghị Tòa cho phép sửa đổi lại nội dung Thông báo và tuyên bố khởi kiện, bổ sung thêm bãi Cỏ Mây và nội dung vụ kiện. Ngày 11/3/2014, Tòa đồng ý.

-30/3/2014, Philippines đã đệ trình Hồ sơ gồm 4.000 trang tài liệu cho Tòa.

-20/4/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan gửi Công hàm cho Tòa đề nghị Tòa cung cấp bản sao các văn bản tố tụng và các tài liệu có liên quan khác,

-24/4/2014, Tòa cung cấp các tài liệu liên quan trong đó có Bản lập luận của Philippines.

-30/7/2014, Philippines gửi Công hàm cho Tòa đề nghị quan tâm việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa.

-5/12/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Tuyên bố về lập trường của Việt Nam đối với vụ kiện: Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; đề nghị Tòa quan tâm lợi ích pháp lý của Việt Nam.

-7/12/2014, TQ công bố Văn kiện lập trường về vấn đề thẩm quyền của Tòa; khẳng định Tòa không có thẩm quyền. 

-16/12/2014, Tòa xác nhận Trung Quốc không đệ trình văn bản Phản biện; ra Án lệnh số 3 y/c Philippines cung cấp bổ sung lập luận trước ngày 15/3/2015.

-16/3/2015, Philippines đệ trình Bản lập luận bổ sung, trả lời 26 câu hỏi của Tòa, gồm 12 chương với 3.000 trang, trong đó có 200 bản đồ.

-21/4/2015, Tòa ra Án lệnh số 4, chia vụ kiện làm 2 giai đoạn (xem xét thẩm quyền và xem xét nội dung thực chất).

-22/4/2015, Tòa ghi nhận Việt Nam đã gửi tuyên bố đến Tòa và Philippimes đã đưa Tuyên bố của Việt Nam vào Phụ lục số 468 trong lập luận bổ sung.

-11/6/2015, Đại sứ quán Malaysia tại Hà Lan cho rằng lợi ích của Malaysia bị ảnh hưởng, đề nghị Tòa cung cấp các bản sao hồ sơ và tham dự tranh tụng với tư cách quan sát viên.

 -26/6 và 29/6/2015, ĐSQ Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia đề nghị tham dự với tư cách QSV và được chấp nhận.

Phiên tranh tụng về thẩm quyền từ 7 đến 14/7/2015 tại cung điện Hòa Bình, trụ sở của ICJ và PCA. Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái và Nhật Bản dự (vai trò quan sát viên).

- Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài chính thức bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông cùng việc làm rõ các quy chế được hưởng đối với các thực thể dạng đảo, đá ở khu vực.