Đa Chiều ngày 13/7 cho hay Philippines đã giành chiến thắng, Trung Quốc đã thất bại trong vụ kiện trọng tài Biển Đông, thể hiện trong phán quyết được Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) công bố ngày 12/7.
Đối với phán quyết này, Bắc Kinh giãy nảy, tỏ thái độ kiên quyết không chấp nhận. Mỹ đã lập tức cảnh cáo nhắc nhở, kêu gọi Bắc Kinh phải thừa nhận kết quả trọng tài.
Điểm nổi bật trong phán quyết này của PCA là chỉ rõ cho công luận thấy rằng Trung Quốc không hề có chủ quyền "mang tính lịch sử" đối với phần lớn vùng nước và tài nguyên của Biển Đông, yêu sách "đường chín đoạn" của Bắc Kinh không có bất cứ căn cứ pháp lý nào.
Phán quyết cho rằng, quyền lợi lịch sử của Trung Quốc không có cơ sở; bãi đá (san hô) không có vùng đặc quyền kinh tế; Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines; Trung Quốc xây dựng (trái phép) đảo nhân tạo gây thiệt hại cho môi trường biển; hoạt động của Trung Quốc không có lợi cho giải quyết tranh chấp.
PCA còn tiến hành lên án một loạt hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm xây dựng đảo nhân tạo và quấy rối hoạt động nghề cá.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/7 sớm đưa ra tuyên bố về kết quả về phán quyết của PCA, ủng hộ kết quả phán quyết. Tuyên bố cho biết, quyết định hôm nay của PCA về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một cống hiến to lớn cho giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.
Tuyên bố còn cho biết Mỹ ủng hộ mạnh mẽ "pháp trị". Mỹ ủng hộ các nỗ lực giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ và "lãnh hải" ở Biển Đông, bao gồm sử dụng cơ chế trọng tài.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết, khi gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), các bên đều đồng ý trình tự giải quyết tranh chấp mang tính cường chế của UNCLOS.
Chính như UNCLOS đã quy định, quyết định của tòa trọng tài (PCA) là cuối cùng, có khả năng ràng buộc về pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Mỹ hy vọng và trông đợi hai bên đều tuân thủ nghĩa vụ của mình.
Sau quyết định quan trọng này của PCA, Mỹ thúc giục các bên yêu sách tránh các tuyên bố và hành động mang tính khiêu khích.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ và thượng nghị sĩ Sulivan thuộc Đảng Cộng hòa đến từ bang Arkansas ngày 12/7 đã ra tuyên bố bày tỏ hoan nghênh phán quyết của PCA đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines, cho rằng kết quả phán quyết này có khả năng ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan.
Tuyên bố cho biết nếu Philippines không nỗ lực sử dụng phương thức hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và sử dụng cơ chế trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển thì không có kết quả phán quyết hôm nay.
Tuyên bố của ông McCain và Sulivan khuyến khích các bên đương sự khác ở Biển Đông giải quyết tranh chấp trên biển bằng trọng tài và các phương thức tham vấn khác trong thời gian tới.
Cùng ngày, thượng nghị sĩ Bob Corker Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ra tuyên bố cho biết phán quyết này đã bác bỏ tham vọng khống chế khu vực tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc, hy vọng các bên có liên quan không được có bất cứ hành động nào phá hoại an ninh và ổn định khu vực.
Bob Corker cho biết, tương ứng, Mỹ cần mở rộng hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh với các đồng minh và đối tác hợp tác, thông qua tuần tra thường lệ ở biển Hoa Đông và Biển Đông, tiếp tục các nỗ lực bảo vệ quyền tự do đi lại.
Tiểu ban Đông Á, Thái Bình Dương và An ninh mạng quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 13/7 sẽ tổ chức điều trần về sự lựa chọn chính sách của Mỹ đối với hành vi “xâm lược” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, kết quả trọng tài lại gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến truyền thông nhà nước Trung Quốc đều đồng thanh chỉ trích vụ kiện trọng tài, ngang nhiên tuyên bố sẽ không chấp nhận, không công nhận phán quyết của PCA.
John Kerry kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, cảnh cáo Trung Quốc bằng ngôn từ khéo léo
Ngày 6/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tập trung trao đổi ý kiến về vấn đề trên biển.
Ông Vương Nghị cố ý phê phán PCA “nhào nặn” và có “thiếu sót” về thủ tục, pháp lý và sử dụng chứng cứ khi thụ lý vụ kiện Biển Đông của Philippines. Trên cơ sở đó, Vương Nghị phê phán PCA "vượt quyền", "mở rộng quyền" và "không có thẩm quyền", từ đó cho rằng phán quyết của PCA "không có sức ràng buộc".
Trong khi đó, ông Vương Nghị tự khen cách làm của Trung Quốc (không tham gia, không chấp nhận vụ kiện này) là "bảo vệ các quy tắc và pháp trị quốc tế, bảo vệ tính nghiêm túc và tính hoàn chỉnh của UNCLOS", rồi mạnh miệng nói việc thụ lý của PCA là "trò hề" đến lúc cần kết thúc.
Những nỗ lực "không biết mệt mỏi" của Trung Quốc để tránh gánh hậu quả trước công luận cuối cùng đã trở nên vô nghĩa khi PCA đã ra phán quyết đúng theo thông báo và Trung Quốc đã thua kiện - một thất bại to lớn.
Cho dù Bắc Kinh có phê phán như thế nào thì cũng không làm thay đổi được phán quyết của PCA. Cơ sở pháp lý dựa trên UNCLOS đã được PCA chỉ rõ cho tranh chấp Biển Đông và tạo cơ sở pháp lý cụ thể, đầy đủ cho các bên ngồi lại đàm phán với nhau, giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Trong cuộc điện đàm với Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã khuyên Bắc Kinh là cần "giữ kiềm chế". Ông nhấn mạnh hai bên có "lợi ích chung" trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định Biển Đông và Mỹ ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng con đường ngoại giao.
Trong cuộc họp báo ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng đã tái khẳng định lập trường của ông John Kerry về vấn đề Biển Đông, cho rằng bất kể kết quả thế nào, Mỹ thúc giục các bên có thái độ kiềm chế, thể hiện sự tôn trọng đối với luật pháp, không nên để tình hình căng thẳng, không nên để Biển Đông trở nên bất ổn.
Như vậy, từ ngày 12/7, cái gọi là “ưu thế pháp lý, đạo đức” mà báo chí Trung Quốc hay đề cập không còn thuộc về Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nhiều nước trong cộng đồng quốc tế đã lên tiếng ủng hộ phán quyết lịch sử của PCA về vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Cộng đồng quốc tế đang đổ dồn mọi con mắt vào từng thái độ, lời nói và hành vi của Trung Quốc. Trung Quốc cần phải biết “thượng tôn pháp luật”, tuân thủ phán quyết của PCA, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Những tuyên bố về “chủ quyền” và “quyền lợi biển” do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra vào ngày 12/7 ngay sau phán quyết của PCA rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS và phán quyết của PCA. Sẽ không có nước nào trong cộng đồng quốc tế thừa nhận yêu sách bành trướng, tham lam và phi pháp này.