Đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý
Thưa ông, đúng như ông từng dự đoán trước khi PCA ra phán quyết, Tòa đã bác yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về kết quả phán quyết này?
-Trước tiên tôi muốn tóm tắt lại mấy điểm chính trong phán quyêt của PCA. Một là, Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông. Hai là, “Đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển.
Ba là, không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Bốn là, Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough.
Năm là, Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo. Sáu là, Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.
Việc PCA tuyên bố “yêu sách của Trung Quốc dựa trên quyền lịch sử đối với tài nguyên nằm trong vùng biển “Đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý” là điểm mấu chốt quan trọng thứ nhất.
Bởi vì Trung Quốc luôn luôn cho rằng họ có quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông (tức là nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”). Phán quyết của Tòa quốc tế khẳng định rằng các yêu sách của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp.
Điểm thứ 2, Tòa cũng đã quyết rằng, trong vùng biển mà Trung Quốc yêu sách “Đường lưỡi bò” thì không có một thực thể nào có quyền mở ra EEZ cả.
Vấn đề này quan trọng ở chỗ nó khẳng định sự tự do hàng hải, tự do hàng không và đồng thời bác bỏ đòi hỏi kiểm soát các vùng biển xung quanh các thực thể cấu trúc mà Trung Quốc lấn chiếm như các đảo chìm, các bãi đá ngầm.
Qua phán quyết của Tòa cho thấy những vấn đề pháp lý gì trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế trên biển hiện nay, theo ông?
-Qua phán quyết của PCA chúng ta có thể thấy mấy vấn đề như thế này: Trước hết, phải khẳng định đây là thắng lợi không phải chỉ dành riêng cho Philippines, mà là thắng lợi của công lý quốc tế.
Nghĩa là phán quyết của PCA khẳng định trật tự pháp luật quốc tế căn cứ vào Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật biển (UNCLOS) 1982, tính đến nay đã có 157 nước ký kết, trong đó có Việt Nam) và bác bỏ những giải thích, áp dụng công ước này một cách sai trái.
Vì vậy phán quyết của PCA còn có ý nghĩa quốc tế, và đặc biệt là, có ý nghĩa với các nước có liên quan như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Bruney. Tức là những nước trong khu vực Biển Đông.
Chúng ta đều biết “Đường lưỡi bò” (mà Trung Quốc yêu sách) bao trùm toàn bộ các EEZ của hầu hế các nước ven khu vực Biển Đông. Thế nhưng phán quyết mà Tòa quốc tế đưa ra khẳng định rằng, yêu sách này của Trung Quốc là không có căn cứ pháp lý.
Thực chất đây là sự khẳng định căn cứ pháp lý về quyền, chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa cũng như đối với EEZ. Liên quan đến thềm lục địa Tòa cũng nói rõ rằng, những yêu sách dựa trên quyền lịch sử, Trung Quốc không có quyền đối với các tài nguyên nằm ở trong vùng biển này, tức là vùng biển “đường 9 đoạn”.
Tòa cũng phán quyết rằng, Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào dựa vào quyền lịch sử để đòi lại chủ quyền hay là khai thác tài nguyên ở cái vùng biển này. Đấy là phán quyết rất có ý nghĩa đối với các nước ven Biển Đông cũng như đối với Việt Nam về vấn đề quyền, chủ quyền, EEZ, cũng như thềm lục địa.
Còn vấn đề tự do hàng hải, tự do hàng không thì sao, thưa ông?
- Tuy Tòa không nói thẳng về tự do hàng hải, hàng không, nhưng với những thông tin ban đầu mà chúng ta có được thì có thể hiểu rằng, thông qua phán quyết của Tòa cho thấy, không một cấu trúc nào ở “Đường lưỡi bò” có thể mở rộng ra là EEZ.
Vì vậy Trung Quốc không thể nào dựa vào các đảo chìm, bãi đá mà họ đã chiếm để hòng kiểm soát cả một vùng biển rộng lớn về tự do đi lại trên biển, trên không. Đó là điều mà quốc tế không thể chấp nhận được!
Đối với các nước không nằm trong khu vực Biển Đông thì sao, họ được lợi gì sau phán quyết này?
-Liên quan nhiều chứ. Đó là vấn đề về tự do hàng không, tự do hàng hải như tôi vừa nói ở trên. Phán quyết của Tòa không chỉ đem lại thuận lợi cho các nước trong khu vực mà các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc, Australia, thậm chí là cả các nước EU trong vấn đề tự do hàng hải và hàng không. Có thể nói đây là lợi ích toàn cầu của các quốc gia.
Một điều cũng hết sức quan trọng nữa, theo tôi, sự phán quyết này như là một tâm điểm để tập trung sự đoàn kết của các quốc gia có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại những hành vi xâm phạm, phá rối luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuẩn bị mọi tình huống, kể cả kiện Trung Quốc
Ngay sau khi có phán quyết của PCA, đúng như dự đoán, Trung Quốc đã lập tức tuyên bố “không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa án liên quan đến tranh chấp”. Đồng thời chỉ trích đây là “mưu đồ của Mỹ”. Theo ông Mỹ sẽ trả đũa như thế nào?
-Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kirby đã tuyên bố phán quyết của PCA “là một sự đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung tìm cách giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình”. Ông cũng kêu các nước tham gia UNCLOS chấp nhận quá trình giải quyết và phán quyết từ tòa là cuối cùng, có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc.
Thái độ của Mỹ là như vậy và, theo tôi, Mỹ là quốc gia có trách nhiệm đối với trật tự pháp lý quốc tế. Cho nên tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ “trả đũa” phản ứng này của Trung Quốc.
Có một thưc tế là, thế giới ngày nay đã thấy rõ, người vi phạm luật pháp quốc tế và phá rối ở Biển Đông là ai. Trung Quốc lập luận như vậy là đang mưu toan “chính trị hóa” vấn đề vi phạm luật pháp quốc tế, tung hỏa mù để làm giảm giá trị phán quyết của PCA. Đấy không phải là cách ứng xử đàng hoàng.
Những quốc gia có trách nhiệm với trật tự quốc tế thì điều cần làm là phải sống đàng hoàng và tôn trọng luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế và hợp tác với nhau, giải quyết những tranh chấp phát sinh bằng biện pháp hòa bình. Những hành vi đã được luật pháp quốc tế phân xử trắng đen rõ ràng thì phải có ý thức chấp hành.
Vụ kiện của Philippines lần này có tạo thuận lợi hơn cho các nước muốn kiện Trung Quốc không, thưa ông?
-Tôi cho rằng phán quyết của PCA bác yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn, hay nói đúng hơn là thời cơ thuận lợi hơn nữa để các quốc gia muốn kiện Trung Quốc, trong đó có Việt Nam chúng ta, có thể tiến hành khởi kiện.
Phán quyết của Tòa cũng cho chúng ta thấy cần bổ sung thêm những chứng cứ gì cho các hồ sơ của chúng ta liên quan đến quyền, chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta.
Về mặt tâm lý, vụ kiện của Philippines cũng làm cho các nước, trong đó có Việt nam, muốn khởi kiện Trung Quốc tự tin hơn và khi tự tin hơn thì khởi kiện sẽ thuận lợi hơn.
Giờ thì ai cũng đều rõ kẻ vi phạm ở Biển Đông là ai. Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng, nếu Philippines không kiện thì chúng ta không có thuận lợi.
Chúng ta có điều kiện thuận lợi kể cả trong quá khứ, khi mà Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào lãnh thổ nước ta, chúng ta cũng đã có đủ cơ sở để triển khai được ngay chứ không cần đợi đến bây giờ.
Còn bây giờ chúng ta càng có thuận lợi hơn. Vì vậy, theo tôi, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, đã đến lúc chúng ta cần chuẩn bị mọi tình huống, kể cả kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế.
Xin cám ơn ông!
Diễn biến vụ kiện
-20/8/2013, Tòa Trọng tài đưa ra án lệnh số 1 thông qua Quy tắc tố tụng của vụ kiện.
-27/8/2013, Tòa Trọng tài đưa ra án lệnh số 2: 30/3/2014 Philippines phải nộp bản lập luận.
-16/12/2014 Trung Quốc phải nộp bản phản biện.
-28/2/2014, Philippines đề nghị Tòa cho phép sửa đổi lại nội dung Thông báo và tuyên bố khởi kiện, bổ sung thêm bãi Cỏ Mây và nội dung vụ kiện. Ngày 11/3/2014, Tòa đồng ý.
-30/3/2014, Philippines đã đệ trình Hồ sơ gồm 4.000 trang tài liệu cho Tòa.
-20/4/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan gửi Công hàm cho Tòa đề nghị Tòa cung cấp bản sao các văn bản tố tụng và các tài liệu có liên quan khác,
-24/4/2014, Tòa cung cấp các tài liệu liên quan trong đó có Bản lập luận của Philippines.
-30/7/2014, Philippines gửi Công hàm cho Tòa đề nghị quan tâm việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa.
-5/12/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Tuyên bố về lập trường của Việt Nam đối với vụ kiện: Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; đề nghị Tòa quan tâm lợi ích pháp lý của Việt Nam.
-7/12/2014, TQ công bố Văn kiện lập trường về vấn đề thẩm quyền của Tòa; khẳng định Tòa không có thẩm quyền.
-16/12/2014, Tòa xác nhận Trung Quốc không đệ trình văn bản Phản biện; ra Án lệnh số 3 y/c Philippines cung cấp bổ sung lập luận trước ngày 15/3/2015.
-16/3/2015, Philippines đệ trình Bản lập luận bổ sung, trả lời 26 câu hỏi của Tòa, gồm 12 chương với 3.000 trang, trong đó có 200 bản đồ.
-21/4/2015, Tòa ra Án lệnh số 4, chia vụ kiện làm 2 giai đoạn (xem xét thẩm quyền và xem xét nội dung thực chất).
-22/4/2015, Tòa ghi nhận Việt Nam đã gửi tuyên bố đến Tòa và Philippimes đã đưa Tuyên bố của Việt Nam vào Phụ lục số 468 trong lập luận bổ sung.
-11/6/2015, Đại sứ quán Malaysia tại Hà Lan cho rằng lợi ích của Malaysia bị ảnh hưởng, đề nghị Tòa cung cấp các bản sao hồ sơ và tham dự tranh tụng với tư cách quan sát viên.
-26/6 và 29/6/2015, ĐSQ Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia đề nghị tham dự với tư cách QSV và được chấp nhận.
Phiên tranh tụng về thẩm quyền từ 7 đến 14/7/2015 tại cung điện Hòa Bình, trụ sở của ICJ và PCA. Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái và Nhật Bản dự (vai trò quan sát viên).
- Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài chính thức bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông cùng việc làm rõ các quy chế được hưởng đối với các thực thể dạng đảo, đá ở khu vực.
PCA là gì?
PCA là tổ chức liên chính phủ lâu đời nhất thế giới, chuyên xử lý các vụ tranh chấp quốc tế thông qua biện pháp trọng tài "và các biện pháp hoà bình khác".
PCA được thành lập năm 1899 trong Hội nghị Hoà bình Hague, do Sa Hoàng Đệ Nhị của Nga tổ chức. Cơ quan này dẫn chiếu tới các hợp đồng, các thoả thuận đặc biệt, và nhiều hiệp ước khác nhau của Liên hợp quốc để phân xử tranh chấp.
PCA cũng hiện diện thường trực tại Mauritius, và có thể tiến hành các phiên tranh tụng trên toàn thế giới.
"Đường Chín Đoạn" là gì?
Bắc Kinh tuyên bố "chủ quyền không thể chối cãi" đối với khoảng trên 85% diện tích Biển Đông, tương đương 3 triệu trên tổng số 3,5 triệu cây số vuông toàn bộ vùng biển này.
"Đường Chín Đoạn" chạy có những chỗ cách xa khỏi Trung Hoa lục địa tới 2.000km và vào sát bờ biển Philippines, Malaysia và Việt Nam vài trăm cây số.
"Đường Chín Đoạn" ban đầu xuất hiện trên một bản đồ của Trung Quốc hồi 1947 với 11 đoạn đứt quãng, khi lực lượng hải quân của Trung Hoa Dân Quốc thuộc Quốc Dân đảng khi đó kiểm soát được một số đảo vốn do Nhật chiếm đóng trong thời Đại chiến Thế giới lần thứ hai.
Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và Quốc Dân đảng phải bỏ chạy ra Đài Loan, chính quyền cộng sản đã tự tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và thừa kế toàn bộ các tuyên bố về biển đảo của nước này trong khu vực.
Sau đó, đầu thập niên 1950, hai "đoạn đứt quãng" được bỏ đi ở khu vực Vịnh Bắc Bộ như một hành động thân thiện của Bắc Kinh với chính quyền miền Bắc Việt Nam.