Biên bản ghi nhớ (MoU) có nội dung thiết lập quan hệ đối tác đổi mới và xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong khuôn khổ Đối thoại Thương mại Ấn Độ-Mỹ, được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Piyush Goyal ký kết tại hội nghị Đối thoại Thương mại.
Theo tuyên bố chung, hai bên đồng ý thành lập một tiểu ban bán dẫn, đứng đầu là Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin (MeitY) và Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.
Ủy ban chất bán dẫn sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên vào giữa năm 2023 nhằm xem xét những khuyến nghị từ lực lượng đặc biệt công nghệ chung do ngành bán dẫn dẫn đầu, thành lập cùng với Sáng kiến về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi (iCET).
Bà Raimondo, đang thực hiện chuyến công du 4 ngày tới Ấn Độ, được các giám đốc điều hành của 10 công ty Mỹ hộ tống. Bà đã gặp một số bộ trưởng Ấn Độ ngoài tham gia các cuộc họp với ông Goyal.
MoU đặt mục tiêu thiết lập một cơ chế hợp tác giữa hai chính phủ nhằm phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn theo quan điểm của Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ cũng như Sứ mệnh bán dẫn của Ấn Độ.
Đạo luật Khoa học và CHIPS được tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào năm 2022, tăng cường mức tài trợ cho sự phục hồi và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bản địa của Mỹ.
MoU đặt mục tiêu tận dụng những thế mạnh bổ sung của hai quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho những cơ hội thương mại và phát triển hệ sinh thái đổi mới chất bán dẫn trên cơ sở những cuộc thảo luận về các khía cạnh khác nhau của chuỗi giá trị chất bán dẫn. MoU cũng dự kiến các chương trình phát triển R&D, tài năng và kỹ năng công nghệ đôi bên cùng có lợi.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung, Goyal cho biết MoU sẽ mở rộng sự hợp tác lẫn nhau và phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn linh hoạt.
Bà Raimondo tuyên bố, mong muốn mở rộng các ngành sản xuất tiên tiến của Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với mong muốn và mục tiêu của Mỹ là xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn cầu linh hoạt hơn.
Với MoU, bà cho biết Mỹ muốn thấy Ấn Độ đạt được mục tiêu, có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng linh kiện và sản phẩm điện tử.
Bà nói: “Chúng tôi đã bắt đầu hành động theo tinh thần của Biên bản ghi nhớ, giao nhiệm vụ cho cả ngành công nghiệp bán dẫn Ấn Độ và Mỹ chuẩn bị đánh giá về những khoảng trống và những điểm thiếu khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng, kết quả đó sẽ điều hướng công việc tiếp theo của chúng ta”.
Bà Raimondo cho biết, cùng với linh kiện bán dẫn, các bên còn có cơ hội tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như tất cả các loại phần cứng trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử. Trong phát biểu của mình, bà giải thích:
“Chúng tôi cũng muốn làm rõ rằng Mỹ không tìm cách tách khỏi Trung Quốc cũng như không tìm cách tách khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.
"Những gì chúng ta đang làm là đảm bảo một số công nghệ nhất định mà Mỹ đang dẫn đầu và chiến lược cụ thể của Trung Quốc là tìm cách sở hữu những công nghệ này và triển khai ứng dụng trong bộ máy quân sự của Trung Quốc. Đây chính là những công nghệ mà Mỹ đã sử dụng những biện pháp kiểm soát xuất khẩu để cấm bán cho Trung Quốc. ", bà nói với các phóng viên và lưu ý, phần lớn kinh doanh thương mại với Trung Quốc là những sản phẩm phù hợp dân sự, xu hướng này sẽ và nên tiếp tục.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ nhấn mạnh: “Vì vậy, đây không phải là tách rời, mà là mở rộng góc nhìn trước thực tế Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận công nghệ Mỹ để sử dụng trong quân đội, chúng ta cần bảo vệ đất nước và các đồng minh và đối tác của chúng ta khỏi những nguy cơ có thể xảy ra."
Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc đã đầu tư hơn 140 tỉ USD nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất chip trong nước, tìm giải pháp vượt qua những hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã phê duyệt một kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình trong nước nhằm đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất công nghệ cao, thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất chip lớn.
Những ưu đãi được đưa ra đối với các công ty, hoạt động sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn silicon, thiết bị hiển thị kỹ thuật số, chất bán dẫn hỗn hợp, quang tử silicon, thiết bị cảm biến, bao bì bán dẫn và thiết kế linh kiện bán dẫn.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) John Neuffer, trong một phát biểu trước báo giới cho biết: "Ấn Độ hiện là một trung tâm lớn về nghiên cứu chất bán dẫn, thiết kế chip và kỹ thuật thiết bị, nhưng tiềm năng tương lai của quốc gia này thậm chí còn lớn hơn. Lực lượng đặc nhiệm do ngành công nghiệp bán dẫn dẫn đầu sẽ giúp xác định những phương thức hữu hình nhằm khai mở tiềm năng trong nỗ lực tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ nhằm phát triển hệ sinh thái chip toàn cầu linh hoạt và ổn định."
Ý định của chính quyền tổng thống Joe Biden rất rõ ràng, tăng cường liên kết với các đồng minh châu Á, giảm thiểu sự thống trị của Trung Quốc trong những công nghệ tiên tiến. Ấn Độ, mặc dù không có các công ty bán dẫn bản địa nhưng chiến lược của chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi là tập trung thu hút các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ nước ngoài. Chiến lược này, theo các chuyên gia, làm gia tăng sự cạnh tranh kinh tế của Ấn Độ với Trung Quốc.
Sau đại dịch, một số lĩnh vực như sản xuất ô tô và viễn thông chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự gián đoạn nguồn cung chip bán dẫn. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu các linh kiện bán dẫn từ Trung Quốc và Đài Loan.
Theo Business-Standard