Cái tên Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) không xa lạ với người dân Trung Quốc và giới công nghệ quốc tế bởi ông là người sáng lập và ông chủ của công ty ByteDance, công ty mẹ của nền tảng chia sẻ video TikTok.
Trương Nhất Minh sinh năm 1983, trong một gia đình công chức ở Long Nham, Phúc Kiến, cha là nhân viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ thành phố sau đó tới Đông Quản mở nhà máy gia công đồ điện tử, mẹ là y tá. Không giống như các bậc cha mẹ quản lý chặt chẽ con cái, cha mẹ ông là những người thích thử những điều mới mẻ, đã sớm tạo cho con một môi trường thoải mái, cho phép Trương Nhất Minh độc lập quyết định hướng đi của cuộc đời mình từ khi còn nhỏ.
Suốt thời thơ ấu của Trương Nhất Minh, hầu hết chủ đề mà cha mẹ ông nói với nhau là bạn bè ở nước ngoài ai đã phát triển công nghệ gì hay tạo ra sản phẩm nào. Xu hướng đổi mới nảy sinh trong gia đình nhỏ này đã ảnh hưởng đến con đường tương lai của Trương Nhất Minh; việc gia đình kinh doanh giúp ông từ nhỏ đã tiếp xúc với thế giới kinh doanh và sự đổi mới.
Trương Nhất Minh kể: “Khi đang học đại học, tôi muốn tạo ra thứ gì đó có giá trị, chẳng hạn như có thể tạo ra một con chip. Con chip là một thứ rất đặc biệt, nó có thể tạo ra dược phẩm và sự đột phá”.
Đón đầu xu hướng
Năm 2001, Trương Nhất Minh thi đỗ vào Đại học Nam Khai, ban đầu học chuyên ngành Điện tử, sau chuyển sang Công nghệ phần mềm. Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2005, ông gia nhập trang web du lịch trực tuyến Kuxun, 3 năm sau gia nhập Microsoft. Nhưng với ý chí khởi nghiệp, năm 2009 ông đã lập ra Công ty khởi nghiệp 99fang.com chuyên về tìm kiếm bất động sản trực tuyến. Khi nhận thấy đông đảo cư dân mạng chuyển từ máy tính sang dùng smartphone, ông từ bỏ chức vụ ở 99fang, lập ra công ty ByteDance và trang tổng hợp tin tức Toutiao.
Năm 2015, Trương Nhất Minh kể lại với các sinh viên Đại học Nam Khai: "Năm 2011, tôi nhận thấy ngày càng ít người đọc báo trên tàu điện ngầm. Doanh số bán điện thoại thông minh ở Trung Quốc lại tăng trưởng bùng nổ. Tôi nghĩ điện thoại thông minh sẽ thay thế báo chí như phương tiện phổ biến thông tin quan trọng nhất".
Ứng dụng Toutiao ra đời sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra một nền tảng cung cấp thông tin dựa trên sở thích của người dùng, đây chính là điều khác biệt so với các kênh tìm kiếm tin tức khác.
Trương Nhất Minh cho rằng AI có thể được sử dụng để đề xuất nội dung mà người đọc quan tâm. "Giống như Facebook kết nối mọi người và Uber kết nối con người với ô tô, sản phẩm của tôi sẽ kết nối con người với thông tin", ông nói.
ByteDance cho ra mắt Toutiao, ứng dụng giới thiệu tin tức, vào tháng 8/2012. Nền tảng này nghiên cứu những nội dung người dùng đọc và tìm kiếm rồi đề xuất thông tin và bài viết dựa trên những thói quen đó.
Chỉ trong vòng 2 năm, Toutiao đã thu hút hơn 13 triệu người dùng hàng ngày. Trong vòng tài trợ năm 2012, nhà đầu tư ban đầu của ByteDance là Tập đoàn Quốc tế đầu tư mạo hiểm Susquehanna với khoản đầu tư 3 triệu USD, cung cấp nguồn vốn cần thiết cho sự đột phá của công ty. Sau khi số người dùng tăng mạnh, Sequoia Capital, ban đầu từ chối đầu tư, đã dẫn đầu vòng tài trợ Series C trị giá 100 triệu USD.
Sự trỗi dậy của TikTok
Tháng 9/2016, ByteDance cho ra mắt ứng dụng chia sẻ video Douyin (phiên bản quốc tế là TikTok) cho phép người dùng quay và chỉnh sửa các video ngắn 15 giây, thêm bộ lọc và chia sẻ chúng trên các nền tảng như Weibo hoặc WeChat.
Định dạng này đã thu hút sự chú ý của giới trẻ và lập tức trở thành ứng dụng ăn khách ngay khi ra mắt, đến mức WeChat sau đó đã chặn quyền truy cập trực tiếp vào ứng dụng. Năm 2017, ByteDance mua lại Musical.ly, một ứng dụng di động do người Trung Quốc thành lập tại Mỹ, với giá 800 triệu USD. ByteDance cho rằng có hiệu ứng hiệp đồng giữa Musical.ly và Douyin nên đã hợp nhất làm một.
ByteDance là công ty khởi nghiệp đầu tiên không tìm kiếm sự bảo vệ hoặc tài trợ từ Alibaba, Tencent hay Baidu. Ngược lại, Bytedance được coi là có mối quan hệ cạnh tranh mạnh mẽ với hai gã khổng lồ, bởi nguồn vốn của Bytedance chủ yếu đến từ doanh thu quảng cáo từ TikTok và Toutiao.
Ngoài ra, so với Alibaba, Baidu và Tencent, ByteDance còn thành công hơn trong việc thu hút người dùng trẻ tuổi ở nước ngoài. ByteDance được người dùng ở Mỹ, Đông Nam Á, Nhật Bản và nhiều nơi khác ưa chuộng và được coi là trường hợp mở rộng ra nước ngoài thành công nhất của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Bên cạnh Apple, ByteDance cũng là công ty công nghệ duy nhất trên thế giới có hơn 100 triệu người dùng ở cả Trung Quốc và các nước phương Tây.
Các sản phẩm của Bytedance bao gồm Toutiao, Huoshan Video, Xigua và TikTok. Vào tháng 3/2018, Trương Nhất Minh lần đầu được xướng tên trong danh sách tỉ phú của Forbes, với giá trị tài sản ròng được ước tính ở mức 4 tỉ USD. TikTok phát triển nhanh chóng mặt, là ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
Tính đến năm 2018, các ứng dụng di động của ByteDance có hơn 1 tỉ người dùng hàng tháng và được định giá 75 tỉ USD, vượt qua Uber để trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới. Năm 2019, Trương Nhất Minh đứng thứ 10 trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc của Forbes với khối tài sản 114,55 tỉ NDT (16,037 tỉ USD).
Vào tháng 3/2020, Bytedance đã có 60.000 nhân viên, các nhà đầu tư và nguồn tin nội bộ nói doanh thu năm 2019 của công ty ở mức 104 tỉ đến 140 tỉ NDT, vượt qua tổng doanh thu của Uber, Snapchat và Twitter. Thu nhập quảng cáo cũng vượt qua Tencent và chỉ đứng sau Alibaba. Số lượng tải xuống của Douyin là 115 triệu lần và có gần 1 tỉ người dùng cố định.
Ngày 20/5/2021, Trương Nhất Minh tuyên bố từ chức CEO Bytedance, người thay thế là Lương Nhữ Ba, bạn ông; đến tháng 11, ông trao nốt chức Chủ tịch HĐQT cho ông Lương Nhữ Ba. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đó chỉ là động thái đối phó chính sách siết chặt quản lý của chính quyền đối với các công ty công nghệ; ông vẫn là người chủ và kiểm soát thực tế của ByteDance./.
Sẽ quản lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trên TikTok
Công ty mẹ TikTok lãi đậm quý 1/2023, định giá công ty hơn 200 tỉ USD
Theo Baidu, Sohu
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu