Theo Tổng cục Thuế, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo 8 mô hình kinh doanh sau sẽ thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan Thuế gồm: trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác.
Các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ cần đáp ứng các điều kiện sau để được áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền: Có thể thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử (như: có chữ ký số và đăng ký để được cơ quan thuế cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử); có hạ tầng công nghệ thông tin (như: máy tính hoặc thiết bị điện tử có kết nối internet, email).
Ngoài ra, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh cũng phải sử dụng phần mềm lập hóa đơn điện tử. Đây là phần mềm có thể lập hóa đơn điện tử đồng thời có thể truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan Thuế.
Trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh lựa chọn hình thức hóa đơn điện tử từ máy tính tiền thì còn cần thay đổi phần mềm hóa đơn điện tử đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu hóa đơn theo quy định tại Quyết định 1510/QĐ-TCT ngày 21/9/2022.
Hiện tại, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình để triển khai thành công hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Việc triển khai hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền được coi là bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi số của ngành Thuế.
Ngoài ra, với việc xuất hóa đơn có mã xác thực nhanh chóng sẽ khuyến khích hơn nữa người tiêu dùng lấy hóa đơn, tham gia tích cực vào chương trình “Hóa đơn may mắn”, từ đó giúp cho người nộp thuế và cơ quan Thuế trong quản lý hóa đơn điện tử, quản lý doanh thu bán lẻ, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.