Theo đó, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính triển khai Đề án hóa đơn điện tử và đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2017 đến 2018), trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm đối với 200 doanh nghiệp tại TP Hà Nội và TPHCM, tiếp tục mở rộng thí điểm tại hai địa bàn này và 8 tỉnh thành phố khác, với số lượng dự kiến khoảng 12.000 doanh nghiệp.
Giai đoạn 2 (từ 2018 đến 2020), trên cơ sở pháp lý đã được hoàn thiện đầy đủ, Tổng cục Thuế sẽ triển khai mở rộng toàn bộ người nộp thuế bao gồm các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh theo hướng: thu thập dữ liệu hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp tự triển khai hóa đơn điện tử, thu nhập dữ liệu từ máy tính tiền, phần mềm bán hàng của nhà hàng, siêu thị, khách sạn...
Cơ sở pháp lý thực hiện các giải pháp nói trên được Tổng cục Thuế dẫn từ quy định của Khoản 12, điều 5 Nghị định số 12 năm 2015 của Chính phủ: người nộp thuế (bao gồm cả cá nhân và tổ chức) kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, siêu thị và một số hàng hóa, dịch vụ khác có sử dụng hệ thống máy tính tiền, hệ thống cài đặt phần mềm bán hàng để thanh toán thì thực hiện kết nối với cơ quan thuế để gửi thông tin cho cơ quan thuế theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, tổ chức và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì lập hóa đơn điện tử và gửi thông tin trên hóa đơn bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế để nhận mã xác thực hóa đơn từ cơ quan thuế. Các trường hợp cụ thể phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế do Bộ Tài chính quy định.
Mới đây, ngành thuế cho biết, đến 28/4, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 13.890 doanh nghiệp, đạt 13,7% kế hoạch (kế hoạch năm 2017 là 101.706 doanh nghiệp) và tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2016. Số thu tăng qua thanh, kiểm tra hơn 5.166 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ.
Việc siết chặt rà soát, chống thất thu thuế được thực hiện trong bối cảnh bội chi NSNN tháng 4 ở mức 2.700 tỷ đồng và lũy kế 4 tháng bội chi hơn 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, theo Chỉ thị của Chính phủ, hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ không được quá 1 lần/năm để tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định.