Hy Lạp đuổi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ sau bài giảng chủ quyền của Ankara
Theo tờ Ekathimerini ngày 30-12, sau khi hàng loạt máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận nước mình tới 9 lần, không quân Hy Lạp đã tung chiến đấu cơ lên truy đuổi 8 chiếc tiêm kích của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 2 chiếc trang bị vũ khí.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh tuy là đồng minh NATO nhưng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có mâu thuẫn từ nhiều thế kỷ, với nhiều cuộc giao tranh đẫm máu và hiện hai bên vẫn còn đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ.
Hy Lạp tuyên bố chủ quyền 10 dặm không phận quanh một quần đảo nằm dọc bờ biển phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara chỉ công nhận có 6 dặm, phần còn lại họ coi là thuộc “lãnh hải quốc tế”.
Đã có nhiều sự cố xảy ra trong vòng bán kính 4 dặm tranh chấp nhưng không có đụng độ lớn, chủ yếu là do Hy Lạp nhường nhịn. Tuy Athens đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này để nhờ NATO phân xử nhưng khối đồng minh này vẫn cứ làm ngơ.
Theo Bộ Ngoại giao Hy Lạp, hầu như ngày nào máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vi phạm không phận Hy Lạp, trong vùng tranh chấp ở biển Aegean, với khoảng trên dưới 1.000 vụ việc mỗi năm, khiến không quân nước này liên tục phải điều máy bay đánh chặn.
Theo số liệu thống kê của Đại học Thessaly dựa trên thông tin từ các báo cáo của quân đội Hy Lạp, năm 2014 là đỉnh điểm của hành động vi phạm không phận nước này của phía Ankara, với 2244 vụ, tăng đột biến so với năm 2013 là 636 vụ .
Bước sang năm 2015, chỉ tính đến cuối tháng 10, tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ đã 1.233 lần xâm phạm không phận, trong đó có 31 lần vào sâu trong lãnh thổ Hy Lạp. Trong tháng 11, tính đến trước vụ bắn rơi Su-24 Nga, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ cũng “kịp”có thêm 50 lần xâm phạm nữa.
Không chỉ xâm phạm vùng trời, Ankara còn nhiều lần vi phạm lãnh hải của Athens.
Theo giới truyền thông Athens, chỉ trong vòng 7 tháng, từ tháng 1-7/2015, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã có 175 lần xâm nhập vào hải phận Hy Lạp. Riêng trong tháng 6, chiến hạm Gelibolu đã liên tục “tuần tra” tại vùng biển của Hy Lạp, gây phẫn nộ cho người dân nước này.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết, họ hiểu động cơ những hành động mang tính khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ, khi thường xuyên xâm phạm không phận Hy Lạp trong những năm qua. Ankara đang muốn buộc Anthens phải chấp nhận những đòi hỏi chủ quyền phi lý để độc chiếm các quần đảo tranh chấp.
Một sỹ quan phòng không Hy Lạp điều khiển radar tên lửa phòng không Patriot tại căn cứ Tatoi, phía bắc Athens
Nếu làm giống Ankara, Hy Lạp sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ hết sạch máy bay
Điều đáng nói là vụ việc này xảy ra sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 Nga hôm 24-11 trên vùng trời Latakia, khi nó đang truy quét các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), với những tuyên bố hùng hồn về quyền bất khả xâm phạm không phận của mọi quốc gia.
Ankara đã cáo buộc máy bay Nga liên tiếp vi phạm không phận nước này và ngày hôm đó, chiếc Su-24 đã phớt lờ 10 cảnh báo trong vòng 5 phút của các tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ, nên đã bị bắn hạ, trong khi Moscow khẳng định chiếc Su-24 luôn bay trong không phận Syria.
Sau đó, Anakara cương quyết không xin lỗi Moscow và tiếp tục khẳng định “quyền bảo vệ không phận bất khả xâm phạm”, sẵn sàng bắn rơi bất cứ máy bay nào của Nga, nếu tiếp tục tái diễn hành vi của chiếc Su-24 bị bắn rơi.
Sau khi nghe tổng thống và thủ tướng nước láng giềng hùng hồn tuyên bố về quyền bất khả xâm phạm không phận, Athens đã mỉa mai rằng, nếu nước này lấy lý do bắn rơi Su-24 giống Ankara thì đến giờ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chẳng còn cái máy bay chiến đấu nào.
Thậm chí, hôm 29-11, Thủ tướng Hy Lạp đã đăng các dòng trạng thái lên Twitter để châm chọc việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga, đồng thời nhắc nhở Ankara rằng, chính máy bay họ cũng đã nhiều lần xâm phạm không phận nước này nhưng không bị bắn rơi.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khen ngợi phi công Thổ Nhĩ Kỳ “rất lanh lợi”
Theo The Guardian, dòng trạng thái Twitter đầu tiên của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras là lời ngợi khen gửi tới Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu về việc các phi công nước này “rất lanh lợi” khi bắn rơi máy bay Nga và cho biết, phi công nước mình không nhanh nhẹn được như thế.
Thủ tướng Tsipras cho rằng, những gì đã xảy ra ở Aegean (chỉ những vụ xâm phạm không phận nước này của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ) là quá tồi tệ. Đồng thời, ông Tsipras răn đe rằng, Hy Lạp đã chi hàng tỉ USD cho vũ khí và sẽ không để yên cho bất cứ ai cố ý xâm phạm không phận nước mình.
Sau sự cố bắn rơi chiếc Su-24 Nga và bài giảng về chủ quyền bất khả xâm phạm, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Hy Lạp cho biết, Ankara đã ngừng các vụ xâm phạm không phận Hy Lạp từ ngày 25-11. Tuy nhiên, đến thời gian gần đây, hành động này lại tiếp tục tái diễn.
Theo tờ Independent của Anh, cuộc chạm trán hôm 30-12 xảy ra trong phạm vi 4 dặm mà 2 bên cùng công nhận thuộc chủ quyền của Athens. Do đó, việc các chiến đấu cơ Hy Lạp đuổi máy bay tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn đúng với yêu cầu “bảo vệ không phận đất nước”.
Theo ANTD