Một thợ cơ khí làm việc trên chiếc F-16 tại căn cứ Không quân Hill ở Ogden, bang Utah, Mỹ (Ảnh: Getty) |
Tờ WSJ dẫn lời các quan chức ở Washington đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bác bỏ kế hoạch của Lầu Năm Góc gửi các nhà thầu Mỹ đến Ukraine để bảo trì các loại vũ khí mà phương Tây viện trợ, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16.
Cuộc tranh luận kéo dài về việc triển khai công dân Mỹ đến Ukraine để bảo trì phần cứng do các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Kiev đã trở nên căng thẳng kể từ khi Mỹ chuyển lô 6 chiếc F-16 đầu tiên cho Ukraine vào cuối tháng 7, tờ WSJ cho biết trong một bài báo đăng tải hôm 30/8.
Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đã xem xét đề xuất của quân đội nhưng cho rằng kế hoạch này quá rủi ro, các quan chức nắm rõ cuộc thảo luận nói với WSJ.
“Cộng đồng tình báo nêu lên mối lo ngại về khả năng Nga nhắm mục tiêu vào các nhà thầu Mỹ ở Ukraine”, một trong những nguồn tin nói với hãng tin này.
Bài viết cho biết, chính quyền Tổng thống Biden không loại trừ hoàn toàn việc gửi các nhà thầu Mỹ đến Ukraine, nhưng điều đó sẽ không sớm xảy ra.
Hiện tại, Washington hy vọng các đồng minh NATO ở châu Âu sẽ chịu trách nhiệm bảo trì các máy bay phản lực do Mỹ thiết kế.
Hà Lan, cùng với Na Uy, Đan Mạch và Bỉ hứa sẽ cung cấp hơn 80 chiếc F-16 cho Kiev, đã thông báo rằng họ sẽ tài trợ cho một hợp đồng tư nhân giữa một công ty bảo trì dân sự và Không quân Ukraine.
“Chúng tôi hỗ trợ tài chính cho chính phủ Ukraine để thực hiện các hợp đồng đó với các đối tác tư nhân nhằm xem liệu họ có thể tiếp tục vận hành máy bay trong tương lai hay không”, Tướng Onno Eichelsheim, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, hôm thứ Tư tuần này cho hay.
WSJ lưu ý rằng, Ukraine trước đây gặp khó khăn trong việc bảo trì các vũ khí khác do Mỹ cung cấp, chẳng hạn như xe tăng Abrams M1, phải vận chuyển ra ngoài nước để sửa chữa. Tờ báo này chỉ ra rằng một chiếc F-16 yêu cầu “số giờ bảo trì cho mỗi giờ bay” với hàng chục nhân viên hỗ trợ thường làm việc trên mỗi máy bay.
Đầu tuần này, Kiev xác nhận mất chiếc F-16 đầu tiên, được cho là đã bị rơi hôm 26/8 khiến phi công thiệt mạng. Truyền thông Ukraine cho biết các nhà điều tra đang xem xét các vấn đề kỹ thuật và lỗi của phi công có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Tuy nhiên, nghị sĩ Mariana Bezuglaya khẳng định chiếc máy bay bị bắn hạ do "hỏa lực phe mình" từ một trong những hệ thống phòng không Patriot do Mỹ tài trợ Ukraine. Báo cáo của Nga cho rằng F-16 có thể đã bị tên lửa Iskander phá hủy lúc đang ở trên mặt đất trong cuộc tấn công vào một sân bay ở miền Tây Ukraine.
Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc sử dụng F-16 trong cuộc xung đột sẽ khiến chúng trở thành “mục tiêu hợp pháp” của lực lượng Nga, đồng thời cảnh báo rằng các máy bay này sẽ bị tấn công ngay cả tại các sân bay bên trong các nước NATO nếu chúng hoạt động từ đó.