Một chuyên gia viễn thông ví von băng tần như đường cao tốc và các tập dữ liệu được download, upload giống như xe tải chạy trên đó. Từ góc độ đặc điểm công nghệ, băng tần cao thì băng thông lớn, tốc độ nhanh, độ trễ thấp và dung lượng cao hơn các băng tần thấp. Tuy vậy, nhược điểm là vùng phủ hẹp.
Sở hữu băng tần càng cao thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư càng nhiều trạm thu phát sóng (BTS), khiến chi phí cho đầu tư hạ tầng của nhà mạng tăng lên. Ngược lại, băng tần thấp có ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng, nhưng chi phí đấu giá rất cao. Đơn cử, Viettel chi số tiền hơn 7.500 tỷ đồng để sở hữu băng tần 2500-2600 MHz, gấp 3 lần số tiền VNPT trả để sử dụng băng tần 3700-3800 MHz.
Nguyên tắc này đặt ra cho các nhà mạng khó khăn đầu tiên trong việc tối ưu chi phí đấu giá băng tần 5G, chi phí triển khai hạ tầng để cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn, cạnh tranh.
MobiFone có sẵn hạ tầng mạng lưới, kết nối mạng lưới hoàn chỉnh, phủ sóng toàn quốc và đấu giá thành công khối băng tần 3800-3900 MHz để triển khai mạng 5G. Mặc dù vậy, trao đổi với VietTimes, nhà mạng hiện có gần 4 triệu thuê bao đang sử dụng các thiết bị có hỗ trợ 5G này cho biết có rất nhiều thách thức trong triển khai 5G.
Trong đó, “thách thức tài chính khi triển khai 5G là không hề đơn giản. Khoản đầu tư cần thiết để triển khai 5G là rất lớn, trong khi đó lợi nhuận đầu tư không đến ngay lập tức, vì sẽ mất thời gian để người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng dụng các thiết bị và dịch vụ hỗ trợ 5G”, đại diện MobiFone nói.
Bên cạnh đó, để phát triển 5G, cần ít nhất 4 điều kiện cơ bản: Chính sách nền công nghiệp quốc gia, quy hoạch tần số, sự chuẩn bị của hạ tầng ứng dụng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân sự có năng lực. Có những vấn đề không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của nhà mạng mà cần chính sách đồng bộ của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và hệ sinh thái từ các doanh nghiệp.
Thừa nhận thách thức rất lớn từ số người sử dụng những thiết bị cũ chỉ hỗ trợ công nghệ 3G, 4G tại Việt Nam vẫn còn khá lớn, các nhà mạng cho rằng, khi triển khai mạng 5G, người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ. Điều này khá tốn kém và có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng sử dụng của người dân.
Đặc biệt, hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp phần lớn cũng là công nghệ cũ. Để sẵn sàng cho công nghệ 5G, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin của họ.
Cùng chung nhận định với MobiFone, đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel cho rằng, nhu cầu 5G trên thị trường ở mức cao, nhưng số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ sử dụng 5G chưa phổ biến, vì giá thành còn cao. Cùng với đó, các dịch vụ nội dung trên 5G hiện chưa có nhiều, chỉ có video 4K, 8K, live streaming, còn ít các dịch vụ AR, VR. Vì thế, chính các nhà mạng phải triển khai xây dựng nội dung cho 5G. Ngoài ra, Viettel còn gặp thách thức về việc triển khai hạ tầng vật lý mạng 5G khi hạ tầng điện và cột anten đã đến giới hạn.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Viettel, 5G rất tiềm năng khi hiện có 403 khu công nghiệp và con số này sẽ tăng lên 558 khu công nghiệp vào năm 2030; 5.000 điểm khai thác mỏ của 1.100 doanh nghiệp; 34 cảng biển; 22 cảng hàng không là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung cung cấp dịch vụ 5G.
Từ góc nhìn của MobiFone, nhà mạng này cũng cho rằng dịch vụ tại các thành phố lớn, khu vực sân bay, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp là khu vực triển khai rất tiềm năng. Nhà mạng lớn thứ ba về thị phần viễn thông này cho biết để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, đẩy nhanh thương mại hóa dịch vụ 5G trên phạm vi toàn quốc, MobiFone sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.
Thiếu chuyên gia về các ngành công nghiệp
Một trong những vướng mắc lớn khác của các nhà mạng là việc thiếu tri thức về các ngành công nghiệp. “Ví dụ, khi chuyển đổi số nhà máy thép bằng 5G, chúng tôi thiếu tri thức làm sao để đánh giá thép thành phẩm đạt yêu cầu. Đó là thách thức lớn khi thúc đẩy ứng dụng 5G trong các ngành công nghiệp để chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ, tập đoàn Viettel nói.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết doanh nghiệp này cũng đang gặp phải tình huống tương tự khi thiếu hụt chuyên gia có trình độ, hiểu biết sâu về các ngành công nghiệp.
“Để tìm kiếm một chuyên gia về cảng thông minh tại Việt Nam thì chắc không có. Chúng tôi phải mời chuyên gia nước ngoài, từ Singapore, Đức. MobiFone cần rất nhiều chuyên gia đầu ngành về AI, tư vấn, chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp khác nhau ở Việt Nam”, ông Tuấn Huy chia sẻ.
Còn từ góc độ VNPT, việc triển khai 5G cũng là sự quan tâm hàng đầu hiện nay, bởi đây là nội dung trọng yếu trong hành trình phát triển và trong chiến lược của VNPT định hướng chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ giải pháp số.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT nhận định, vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G là phương án kinh doanh hiệu quả, chứ không phải tần số hay hạ tầng. Triển khai 5G đòi hỏi đầu tư lớn nhưng có doanh thu, có lợi nhuận hay không là câu hỏi khó, không chỉ với VNPT, mà với tất cả các nhà mạng.
Sức ép tiến độ triển khai hạ tầng
Trao đổi với VietTimes về giá dịch vụ 5G khi triển khai thương mại hoá, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) dẫn quy định về quản lý giá tại Luật Viễn thông và cho rằng, doanh nghiệp viễn thông được chủ động định giá dịch vụ áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ.
“Ngoài ra, giá dịch vụ được xây dựng dựa trên cơ sở giá thành dịch vụ được tính toán, hình thành từ nhiều yếu tố như quy mô cung cấp, chi phí, mức độ đầu tư…”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nói.
Cho rằng việc dự đoán về giá dịch vụ ở thời điểm các doanh nghiệp viễn thông mới bắt tay để triển khai 5G là tương đối sớm, ông Nhã cho biết, trước mắt, các doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng cam kết về tiến độ triển khai hạ tầng.
Cụ thể, họ phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G, và chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần đã đấu giá thành công trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép. Đồng thời, các doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện như đã cam kết trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần trúng đấu giá tương ứng.
Nếu khi vi phạm cam kết về số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần được cấp (tương đương với 50 MHz) trong 12 tháng. Nếu hết thời hạn đình chỉ mà doanh nghiệp không khắc phục, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép.
"Chất lượng dịch vụ di động chắc chắn sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp khai thác các tần số mới”, ông Lê Văn Tuấn trao đổi với VietTimes mới đây, khi đương nhiệm Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện.
Nhắc tới các thế hệ mạng viễn thông trước đây, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, 5G và hệ sinh thái ứng dụng của 5G đang góp phần tích cực đổi mới, thúc đẩy quá trình đổi số sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội khác nhau và ngày càng trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số.
Do đó, cơ quan quản lý, các nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp cần hợp tác mạnh mẽ để xác định các ứng dụng tiềm năng cùng với các mô hình kinh doanh trên cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng 5G cho giai đoạn đầu và dài hạn của quá trình phát triển 5G.
“Trước đó, chúng ta đã triển khai 2G, 3G, 4G theo đúng lộ trình. Ban đầu khi triển khai 2G, các chi phí đầu tư là rất lớn, chi phí thuê nhà trạm rất cao. Sau đó, việc triển khai 3G, 4G có chi phí giảm dần”, ông Hy nói.
Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc VNPT, phát triển 5G hiện nay lại theo hướng B2B, tập trung mạnh việc triển khai 5G để cung cấp dịch vụ cho đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp,nhà máy, cảng biển với những yêu cầu khác biệt về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ…
Theo phân tích của ông Hy, nếu phát triển mạng 5G nhưng phía khách hàng, doanh nghiệp chưa có sự tương thích, chưa có nhu cầu thì sẽ không đạt hiệu quả. Do đó, các nhà mạng nên tập trung vào thị trường ngách trước khi tiến tới thị trường đại chúng. "Cần xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng, từ cả phía chính phủ, nhà cung cấp mạng, khách hàng doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ…", vị Phó tổng giám đốc này nói thêm.
5G cải thiện 120% hiệu suất
Trao đổi với VietTimes về về mức độ quan trọng của 5G trong triển khai các nhà máy thông minh, bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam dẫn đơn cử: Trong sản xuất thiết bị 5G ở Mỹ, sự hợp tác mạnh mẽ giữa robot và con người, dẫn đến tự động hóa đáng kể trong quá trình sản xuất thiết bị, giúp cải thiện 120% hiệu suất của mỗi nhân viên và giảm 65% việc xử lý vật liệu, giảm 30% chất thải.
“Đây là những lợi ích của việc triển khai kết nối 5G trong các nhà máy và doanh nghiệp, đồng thời đây là lợi ích lớn mà 5G sẽ mang lại cho các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, phù hợp với định hướng của Chính phủ”, Giám đốc Ericsson Việt Nam nói thêm.
Sẽ thành lập cơ sở đổi mới sáng tạo, thúc đẩy triển khai 5G
"Bộ TT&TT đang trong quá trình xây dựng 2 Đề án để thúc đẩy triển khai, ứng dụng 5G trong các ngành", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Anh Cương thông tin khi đang đương nhiệm Trưởng phòng Kinh tế, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT).
Thứ nhất, đề án án thành lập cơ sở đổi mới sáng tạo 5G với mục đích trưng bày, trình diễn công nghệ và các ứng dụng tiêu biểu, chọn lọc của các nhà mạng viễn thông, DN công nghệ, nhà sản xuất thiết bị, nhà cung cấp giải pháp tích hợp,… Đồng thời cung cấp môi trường thử nghiệm các ứng dụng, dịch vụ của hệ sinh thái hạ tầng số Việt Nam.
Bên cạnh đó, đề án cũng hỗ trợ các nhà mạng viễn thông phát triển các công nghệ mới và ứng dụng hạ tầng số cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm quốc gia (nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp, năng lượng và thương mại; y tế; giáo dục và đào tạo; du lịch; lao động và việc làm; tài nguyên và môi trường).
Thứ hai, đề án xây dựng phòng lab trọng điểm quốc gia để thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng viễn thông, có năng lực đo kiểm về các lĩnh vực. Trong đó có đo kiểm chất lượng dịch vụ viễn thông thuộc danh mục bắt buộc quản lý chất lượng và an toàn phơi nhiễm trường điện từ của các đài vô tuyến điện.
Được biết, nhằm tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý đảm bảo cho việc triển khai thương mại hóa 5G cũng như thúc đẩy việc ứng dụng, đưa 5G đi vào cuộc sống, Bộ TT&TT đã ban hành quy chuẩn 5G Việt Nam, bắt buộc áp dụng để đảm bảo chất lượng 5G của Việt Nam đi cùng thế giới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu