5 bước chuyển đổi số ở Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu ấn tượng và trở thành một mô hình tiêu biểu cho nhiều địa phương tham khảo.
Toàn cảnh Toạ đàm “Nhà báo khai thác thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số”
Toàn cảnh Toạ đàm “Nhà báo khai thác thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số”

Quảng Ninh là một tỉnh có hoạt động báo chí rất sôi động. Tổng số văn phòng đại diện các báo và phóng viên thường trú hoạt động trên địa bàn là gần 100 đơn vị. Tỉnh cũng có đa dạng loại hình báo chí từ Phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử tổng hợp đến báo điện tử, báo in, mạng xã hội.

Trước xu thế phát triển, hội nhập, đổi mới công tác quản lý điều hành nhằm nâng cao hoạt động của tổ chức, cuối năm 2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất 4 đơn vị gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tổng hợp (thuộc Văn phòng UBND Tỉnh) và Báo Hạ Long (Hội Văn hóa nghệ thuật Tỉnh).

Trong giai đoạn đầu sáp nhập, Trung tâm đã gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như phải tinh gọn bộ máy; phải hướng tới tác nghiệp đa nền tảng trong khi trình độ cán bộ phóng viên, cộng tác viên không đồng đều; phải hướng tới vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, thí điểm các mô hình mới trong khi thiếu các cơ chế chính sách phù hợp.

Mô hình tiên phong

Chia sẻ tại tọa đàm Nhà báo khai thác thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số, nhà báo Mai Vũ Tuấn - Giám đốc, Tổng biên tập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cho biết, với quyết tâm tạo ra một mô hình trung tâm thông tin hoạt động hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã cấp ngân sách 120 tỷ đảm bảo vận hành bộ máy và các hoạt động của Trung tâm.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Trung tâm đã thực hiện các biện pháp ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận của cán bộ; Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy 14 phòng chuyên môn, phân rõ chức năng khối đầu vào, khối biên tập, khối tham mưu phục vụ; Vận hành mô hình tòa soạn hội tụ ứng dụng nhiều công nghệ thông tin trên cơ sở đào tạo lại đội ngũ phóng viên, cộng tác viên thích ứng với hoạt động tác nghiệp đa phương tiện.

Video ông Mai Vũ Tuấn chia sẻ về những khó khăn và bước đầu thành công của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

Trước đây khi mới thành lập Trung tâm có 22 đầu mối, hiện giờ tinh gọn lại còn 14 phòng ban. Việc đào tạo lại các phóng viên, cộng tác viên đã đạt kết quả ấn tượng. 70% phóng viên có thể tác nghiệp đa phương tiện, nhanh chóng thích ứng mô hình hoạt động mới.

Trong 6 năm qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã tham gia đầy đủ các giải thưởng báo chí để cọ xát; tổ chức hội thảo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên; sản xuất sách ảnh và phim tài liệu.

Hiện Trung tâm sở hữu 2 kênh truyền hình phát 24/24 giờ theo tiêu chuẩn HD; Có 2 kênh phát thanh (tổng hợp và Văn hóa Du lịch) phát 18/24 giờ; Có báo in hàng ngày, có báo cuối tuần; Có hạ tầng truyền thông mới trên mạng xã hội, OTT.

Trung tâm cũng có quan hệ trao đổi hợp tác với Đài truyền hình Gangwon (Hàn Quốc), Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây, Quảng Tây Nhật báo, Truyền hình Đồng Nai, Cà Mau...

"Khảo sát độc lập của Ban Tuyên giáo tỉnh cho thấy có tới 92% người được hỏi tán thành mô hình hoạt động của Trung tâm Truyền thông tỉnh" - ông Tuấn nói.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung thì kinh tế báo chí cũng là một lĩnh vực được Tỉnh quan tâm. Hiện thu nhập của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên thuộc Trung tâm Truyền thông ở mức tốt so với các tỉnh khác.

5 bước chuyển đổi số

Ông Mai Vũ Tuấn cho biết, một trong những định hướng đã được Trung tâm thực hiện trong thời gian qua là tinh giản bộ máy. Định hướng này đang tiếp tục được thực hiện nhằm tạo ra một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, để có được chất lượng nội dung đặc sắc, Trung tâm đã và đang đặt ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây sẽ là những cán bộ phóng viên được trả thù lao tốt, có khả năng tác nghiệp bằng các phương tiện số hiện đại, nhanh chóng.

Quảng Ninh cũng đang thực hiện xây dựng một trung tâm sản xuất chương trình kết hợp kinh doanh, du lịch trị giá 800 tỉ đồng. Đây là mô hình mới mẻ vừa phục vụ công việc chức năng vừa thực hiện kinh tế báo chí.

Theo ông Mai Vũ Tuấn, 5 bước đi cụ thể mà Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh thực hiện vào thời gian tới gồm: Thứ nhất là tin học hóa toàn bộ hoạt động của tòa soạn. Hiện nay, việc họp giao ban của Trung tâm đang được thực hiện thường lệ qua phần mềm, tuy nhiên thời gian tới tất cả các khâu trong tòa soạn sẽ được tin học hóa 100%.

Thứ hai là xây dựng Big Data. Có một khó khăn trong việc xây dựng Big Data là dữ liệu hình ảnh, video của Đài Truyền hình Quảng Ninh (có từ năm 1983) là rất lớn. Việc số hóa các tài liệu này suốt 3 năm nay mới thực hiện được khoảng 40%. Công việc này đang được Trung tâm tiếp tục thực hiện để tạo ra kho dữ liệu đầy đủ, thống nhất phục vụ công tác chuyên môn.

Thứ ba là xây dựng hệ thống tương tác với công chúng.

Thứ tư là xây dựng hệ thống an ninh an toàn thông tin, ngăn chặn các vụ tấn công tiềm năng vào hệ thống.

Thứ năm là ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất chương trình trên nền tảng số và thay đổi hệ thống phân phối.

Những thành tựu đáng khích lệ sau gần 4 năm hoạt động của Trung tâm đã được Tỉnh ủy Quảng Ninh ghi nhận. Mô hình của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh cũng là mô hình hợp nhất được thí điểm đầu tiên trên cả nước, được đại diện 30 địa phương trên toàn quốc đến tham quan, tìm hiểu.

Chiều 10/6, Câu lạc bộ Cafe Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh và Tập đoàn Tuần Châu tổ chức tọa đàm "Nhà báo khai thác thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số".

Tọa đàm có sự tham dự của hơn 40 diễn giả và các nhà báo, với nhiều tham luận giá trị từ các chuyên gia và các viện nghiên cứu về thông tin truyền thông và chuyển đổi số./.