Hơn 3 tuần qua chỉ số chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc giảm mạnh bất chấp việc nước này đưa ra nhiều biện pháp cực kỳ cứng rắn để chặn đà giảm của thị trường.
Một loạt các thị trường khác trong khu vực cũng giảm theo, trong đó có thị trường Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan…Việt Nam là quốc gia sát với Trung Quốc, có quan hệ giao thương rất lớn nên liệu mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu là vấn đề được không ít nhà đầu tư quan tâm.
Phóng viên đã trao đổi với chuyên gia tài chính quốc tế Nguyễn Trí Hiếu - hiện đang là cố vấn của Ngân hàng ABBank để tìm lời giải đáp cho vấn đề này.
Thưa ông, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đang chao đảo suốt 3 tuần vừa qua, với giá trị vốn hóa trên thị trường giảm tới 30%, theo đánh giá và phân tích của ông liệu điều này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Việt Nam hay không?
- Như gần đây tôi đã trả lời báo chí khi cho rằng nếu nền kinh tế Hy Lạp “hắt hơi” thì nền kinh tế Việt Nam cũng “sổ mũi”. Và bây giờ tôi có thể nói thêm rằng, khi TTCK Trung Quốc “cảm” thì TTCK Việt Nam chắc chắn cũng sẽ “hắt hơi”, bởi không thể tránh được việc bị ảnh hưởng.
Lý do bởi ngay trên TTCK Trung Quốc cũng có những nhà đầu tư Việt Nam. Số lượng là bao nhiêu thì chúng ta chưa thể biết được, nhưng chắc chắn là có và họ đã bị ảnh hưởng và thiệt hại rồi. Tuy nhiên, thời điểm này nếu nói đã ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam hay chưa thì tôi nghĩ là ở phương diện trực tiếp thì chưa.
Vậy theo ông trước sự lao dốc, mà có thể nói là thời kỳ “bong bóng chứng khoán của Trung Quốc đang xì hơi”như hiện nay thì chúng ta cần phải nghĩ tới những khả năng gì có thể xảy ra?
- Tính đến chiều 9.7 thì có vẻ như những giải pháp của Chính phủ Trung Quốc đã giúp cho TTCK của Trung Quốc đã chững lại, không còn tụt dốc mạnh như những ngày trước. Tuy nhiên, những tác động xấu của thị trường thì đã lan tỏa rồi, đó là các tác động tâm lý không thể tránh khỏi. Nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế lớn, với GDP đứng thứ 2 thế giới, mà TTCK là biểu tượng của nền kinh tế nên nó chao đảo thì sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trong khu vực và cả trên thế giới.
Thậm chí đó là những ảnh hưởng trực tiếp bởi các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đầu tư vào nhiều nước khác, trong đó có cả Việt Nam. Nên sẽ có hai xu hướng có thể xảy ra. Một là họ có thể rút tiền của họ ở thị trường chính thống, để đầu tư vào các thị trường khác khi TTCK trong nước sụt giảm.
Nếu khả năng này xảy ra thì các quốc gia thu hút được xu hướng này sẽ thành công trong việc tận dụng cơ hội. Hoặc là, họ cũng có thể rút tiền của họ đang đầu tư ở các nước khác về để củng cố cho thị trường chính thống của họ.
Là nước có quan hệ thương mại, giao dịch rất lớn với Trung Quốc, theo dự đoán của ông thì liệu khi nào Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi biến động nêu trên?
- Mặc dù cũng vẫn cần độ trễ mới có thể gây ra sự ảnh hưởng, nhưng tôi cho rằng sắp tới biến động này sẽ có tác động không nhỏ đối với những nhà kinh doanh xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Khi mà tính thanh khoản của TTCK giảm sẽ tác động ngay lập tức đến khả năng tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc, nên các doanh nghiệp Việt Nam khi mua bán hàng hóa với họ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Theo tôi độ trễ này có thể từ 1-3 tháng bởi vì ngay cả khi sự suy giảm trên TTCK Trung Quốc đã được chặn đứng thì việc nó mất tới 30% giá trị thì cũng đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ rồi vì giữa hai nước có quan hệ mậu dịch rất khăng khít.
Xin cảm ơn ông.
Theo Dân Việt